Bảng 4.3 trình bày kết quả ước lượng mô hình hồi quy logistic nhị phân. Trong 5 biến có ý nghĩa thống kê thì có 4 biến tác động cùng chiều với quyết định tham gia chương trình BHNN và 1 biến tác động nghịch chiều. Nói cụ thể hơn là biến quyết định tham gia chương trình thí điểm BHNN của các hộ nuôi tôm tương quan thuận với biến làm việc tại địa phương, tham gia tập huấn kỹ thuật canh tác, thông tin về chương trình BHNN và diện tích nuôi tôm thực tế của hộ. Tuy nhiên, biến quyết định tham gia BHNN lại tương quan nghịch với biến trình độ học vấn của chủ hộ. Sự tác động của các biến được giải thích như sau:
Làm việc tại địa phương (D4): tỉ lệ thuận và có ý nghĩa để giải thích mô hình với mức ý nghĩa là 10%, hiệu ứng biên cho thấy, khi các yếu tố khác không đổi, hộ gia đình có một thành viên làm việc hành chính hay trong các tổ chức xã hội, đoàn thể tại địa phương sẽ góp phần làm tăng 32,5% khả năng tham gia chương trình BHNN. Kết quả này là do khi làm việc tại địa phương, những thành viên này nắm bắt kịp thời và cập nhật nhiều thông tin hơn về chương trình nói riêng và các chính sách Nhà nước nói chung. Từ đó, họ có xu hướng dễ dàng tham gia chương trình. Ngoài ra, trong quá trình phỏng vấn, tác giả nhận thấy phần lớn hộ sản xuất của các viên chức địa phương, đặc biệt là Đảng viên được đơn vị khuyến khích tham gia chương trình. Bởi vì, chương trình này còn khá mới mẻ đối với bà con nông dân nên việc tham gia của các hộ này tạo tiền đề để bà con sau khi được phổ biến thông tin về chương trình sẽ có tâm lý tin tưởng hơn và cân nhắc quyết định tham gia của mình.
Tập huấn kỹ thuật (D5): tỉ lệ thuận và có ý nghĩa để giải thích mô hình với mức ý nghĩa là 1%, hiệu ứng biên là 48,8%, tức là khi chủ hộ, đồng thời là người trực tiếp canh tác tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật sẽ làm tăng 48,8% khả năng đưa ra quyết định tham gia chương trình với giả định các điều kiện khác không đổi. Vì khi tham gia tập huấn, các nông hộ có cơ hội tiếp cận kỹ thuật sản xuất phù hợp và có điều kiện gặp gỡ, trao đổi các thông tin về cách nuôi trồng, các biện pháp nhằm phòng tránh, hạn chế thiệt hại khi đối mặt với rủi ro trong sản xuất. Từ đó, họ nhận thức rõ hơn về sự cần thiết và lợi ích của việc tham gia BHNN. Điều này phù hợp với nhận định của Nguyễn Quốc Nghi (2013).
Thông tin về chương trình BHNN (D6): tương quan thuận với biến phụ thuộc, có ý nghĩa ở mức 1% và hiệu ứng biên là 50,7%. Rõ ràng, khi có điều kiện tiếp nhận thông tin về chương trình BHNN từ nhiều nguồn, hộ sản xuất sẽ nắm bắt kịp thời và cơ bản đầy đủ thông tin hơn về chương trình. Việc tiếp
37
nhận thông tin đóng vai trò khá quan trọng khi đưa ra quyết định tham gia BHNN của hộ nuôi tôm. Càng tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn, người sản xuất càng hiểu rõ hơn về đặc điểm bảo hiểm tôm nuôi. Từ đó, họ nhanh chóng nhận thức rằng đây là một công cụ hỗ trợ hữu ích khi gặp rủi ro trong mùa vụ nuôi trồng.
Diện tích đất nuôi tôm (X8): có hệ số β dương và có ý nghĩa ở mức 5%. Xét trong điều kiện thu thập số liệu nghiên cứu, khi diện tích nuôi càng lớn, cụ thể là khi diện tích nuôi tôm tăng thêm 1.000 m2 sẽ tác động làm tăng 3,7% khả năng mua BHNN của các nông hộ. Thực tế, diện tích nuôi càng lớn, vốn đầu tư càng nhiều, người nông dân càng nhận thức rõ hơn mức độ thiệt hại khi rủi ro xảy đến. Do đó, họ càng có xu hướng tham gia BHNN nhiều hơn.
Trình độ của chủ hộ (X3): có ý nghĩa thống kê ở mức 5% và tương quan nghịch với biến phụ thuộc. Kết quả cho thấy, khi trình độ của chủ hộ càng cao thì khả năng mua BHNN càng thấp, ở mức 5,8%. Điều này đối lập với kết quả của Nguyễn Quốc Nghi (2013), khi trình độ càng cao, người nuôi tôm ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu có xu hướng tham gia BHNN nhiều hơn do nhận thức được lợi ích mà BHNN mang lại khi rủi ro xảy ra. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, tác giả nhận thấy, tồn tại một số yếu tố có tác động tương quan nghịch đến quyết định mua BHNN của các chủ hộ đó. Một là, các hộ nuôi tôm này phần lớn có khả năng tự kiểm soát và khắc phục rủi ro thông qua tiềm lực tài chính cá nhân, việc áp dụng kỹ thuật canh tác và kinh nghiệm nuôi trồng của bản thân một cách hiệu quả. Hai là, chương trình này còn khá mới mẻ không chỉ đối với bà con nông dân mà còn đối với cả các cán bộ địa phương, nhân viên phụ trách mảng BHNN nên khâu quản lý, kiểm soát, đánh giá và bồi thường khi xuất hiện rủi ro chưa được chặt chẽ, gây sự không hài lòng ở một số hộ tham gia và phần nào ảnh hưởng đến các hộ có nhu cầu tham gia, gây tâm lý dè dặt cho họ. Mặc dù, các nhân tố vừa đề cập trên có mối tương quan với quyết định tham gia BHNN của các hộ nuôi tôm nhưng xét về mặt khách quan rất khó lượng hóa chúng một cách tương đối chính xác để trở thành một biến trong mô hình nghiên cứu.