Tại Việt Nam việc di dời tái định cư đã diễn ra trên phạm vi rộng khoảng 15 năm trở lại đây, đã có một số công trình nghiên cứu ảnh hưởng, hậu quả tác động lên các hộ tái định cư:
Nghiên cứu của Lê Văn Thành (2008) về Thực trạng đời sống kinh tế xã hội các hộ gia đình sau tái định cư: vấn đề và giải pháp. Đề tài đánh giá sự biến đổi các đặc điểm kinh tế xã hội các hộ gia đình trước và sau khi tái định cư. Trên cơ sở đánh giá đó mà phát hiện những vấn đề bức xúc cần giải quyết và đề xuất một số giải pháp để hỗ trợ nhằm mục đích khôi phục và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân sau tái định cư. Đối tượng nghiên cứu của đề tài là các hộ gia đình tái định cư bị di dời và giải tỏa hoàn toàn nhà ở, với các nhóm chính là: nhóm hộ tái định cư thuộc chương trình nhận căn hộ, nhóm hộ tái định cư thuộc chương trình nhận nền nhà, nhóm hộ nhận tiền tự lo và nhóm hộ tạm cư. Đề tài khai thác các số liệu, thông tin từ những công trình nghiên cứu đã có và thực hiện những cuộc điều tra thực địa bổ sung để làm rõ thêm một số khía cạnh. Đề tài không chỉ dừng lại ở việc khảo sát thực trạng cuộc sống của người dân tái định cư bằng các câu hỏi cảm nhận chủ quan của người trả lời về những thay đổi trong cuộc sống của họ sau tái định cư, mà đề tài còn đặt ra những câu hỏi mang tính định lượng khách quan để có thể khảo sát sâu hơn và chính xác hơn những thay đổi này, cũng như những nguyên nhân của chúng và đề xuất những giải pháp thích hợp.
Theo nghiên cứu của Thái Thanh Phong (2009) thì tiền đền bù đất và đất thổ cư tái định cư là tài sản quan trọng mà các hộ dân bị di dời đã sử dụng cho đầu tư phục hồi sinh kế. Số tài sản này ảnh hưởng trực tiếp đến tổng mức tổng mức thu nhập của hộ gia đình sau thu hồi đất. Hầu hết tiền đền bù của hộ chỉ đủ cho việc xây nhà tái định cư, thậm chí một số hộ còn bị thâm hụt. Do đó, các hộ dân đã phải bán bớt đất tái định cư để có thêm tiền bù vào việc xây dựng nhà mới và đầu tư cho việc tạo dựng các sinh kế mới. Qua nghiên cứu, có một số yếu tố có mối quan hệ đồng biến với thu nhập của hộ gia đình như: Trình độ học vấn của chủ hộ; số lao động trong hộ. Các yếu tố có mối quan hệ
nghịch biến với thu nhập của hộ gia đình như: tỷ lệ số người phụ thuộc trong hộ gia đình; diện tích đất bị thu hồi.
Dư Phước Tân (1997) Đánh giá một số khía cạnh kinh tế-xã hội phát sinh trong quá trình di dời của các hộ trên và ven kênh rạch tại Thành phố Hồ Chí Minh (dự án Nhiêu Lộc Thị Nghè). Đề tài phân tích một số yếu tố kinh tế xã hội phát sinh đối với các hộ sắp di dời, phân tích kết quả điều tra 150 hộ sắp di dời trong đợt giải tỏa tháng 5/1996, nêu lên những đặc điểm kinh tế xã hội của các hộ ven và trên kênh rạch, có sự khác biệt giữa 2 nhóm hộ: quyết định lên chung cư và chưa muốn lên chung cư và một số tâm tư nguyện vọng, đề nghị của các hộ điều tra; những thay đổi về khía cạnh kinh tế xã hội đối với các hộ đã di dời lên chung cư, tâm tư nguyện vọng của họ; phân tích một số điểm bất hợp lý trong các chính sách đối với các hộ giải tỏa, di dời phát sinh trong quá trình thực thi đối với các hộ trên; những yếu tố ảnh hưởng đến chính sách di dời, tái định cư; nêu một số kiến nghị đối với nhà nước và kiến nghị một số giải pháp. Theo Dư Phước Tân (1997), những khác biệt giữa hai nhóm hộ định cư lâu dài và ở tạm được xem xét ở đây bao gồm các đặc điểm KT-XH của hộ gia đình mà họ đang sinh sống. Một số chỉ tiêu được lựa chọn sao cho đáp ứng được một lúc hai mục tiêu, vừa thể hiện nét đặc trưng cơ bản nhất của hộ gia đình có liên quan đến quyết định định cư lâu dài, vừa dễ dàng thu thập được, theo đó các biến được sử dụng như sau: Chênh lệch thu nhập sau di dời,
Thu nhập bình quân hộ, số nhân khẩu bình quân của hộ, tỷ lệ trẻ em dưới 6 tuổi, tỷ lệ người già trên 60 tuổi, tỷ lệ học sinh đang đi học, tỷ lệ lao động làm nghề tự do, thay đổi việc làm thành viên trong hộ.
Phạm Minh Trí (2011) sử dụng khung phân tích sinh kế bền vững đánh giá một số khía cạnh kinh tế xã hội phát sinh của hộ gia đình sau tái định cư thuộc dự án rạch Ụ Cây quận 8, Tp. Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu cho thấy đời sống của các hộ tái định cư còn gặp nhiếu khó khăn như: diện tích căn hộ quá nhỏ, chất lượng căn hộ kém, tiền chi phí sinh hoạt tại khu chung cư quá cao. Nhiều hộ phải thay đổi việc làm và sinh hoạt xã hội bị xáo trộn.
Ban chỉ đạo các dự án nâng cấp đô thị thành phố (2005) Báo cáo sơ kết tình hình thực hiện chương trình di dời tái định cư 10.000 hộ dân số trên và ven kênh rạch Thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn 2001-2005),. Nội dung của báo cáo trình bày về: kết quả thực hiện chương trình di dời tái định cư của 10.000 hộ dân sống trên và ven kênh rạch Thành phố về bồi thường, giải tỏa, tình hình hậu di, dời, xây dựng quỹ nhà tái định cư; đánh giá tình hình hoạt động của quỹ nhà tái định cư, quản lý sử dụng quỹ nhà tái định cư và công tác chỉ đạo thực hiện dự án, từ đó đưa ra biện pháp khắc phục hướng xử lý.
Theo ADB (1995), trong chính sách tái định cư không tự nguyện (Involuntary Resettlement) ADB đã đề cập: nếu cá nhân hay cộng đồng dân cư nào bị mất đất, mất kế sinh nhai, mất lối sống quen thuộc thì phải được: bồi thường mọi tài sản, thu nhập và kế sinh nhai bị mất; giúp di dời và tái định cư; giúp đỡ để đời sống kinh tế xã hội được tốt hơn, hay ít nhất là ngang bằng so với trước tái định cư; cung cấp đầy đủ đất đai, nhà ở, cơ sở hạ tầng và những yếu tố khác như cuộc sống ban đầu; cung cấp đầy đủ thông tin và tư vấn kỹ càng về các mức bồi thường và các phương án tái định cư. Bên cạnh đó, ADB còn yêu cầu các dự án phát triển phải tìm cách giảm thiểu, bồi thường những mất mát về tiềm năng kinh tế cho nhóm dân cư bị ảnh hưởng bởi dự án. Đồng thời giúp đỡ phát triển các tiềm năng kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng bị ảnh hưởng bởi dự án.