Các phương pháp bảo quản rau quả tươi

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của bao bì đến chất lượng và thời gian bảo quản rong nho tươi (caulerpa lentillifera) (Trang 35)

1.5.2.1. Nguyên lý bảo quản rau quả tươi

Bảo quản rau quả tươi sau khi thu hái trong điều kiện môi trường khí quyển bình thường, chất lượng của chúng sẽ giảm dần và tiến tới hư hỏng dài hay ngắn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: giống, loại rau quả, thời gian thu hái, điều kiện môi trường.… Nguyên nhân trực tiếp cơ bản dẫn đến sự hư hỏng thối rửa rau quả, đó là hiện tượng chín và hiện tượng nhiễm bệnh.

Rau quả tươi sau khi thu hái vẫn tiếp tục quá trình chín như còn trên cây mẹ, tức là vẫn tiếp tục biến đổi theo chiều hướng tất yếu của chu kì sinh học (sinh ra- lớn lên- già- chết). Qúa trình hô hấp của rau quả sau khi thu hái xảy ra càng cao thì hiện tượng chín xảy ra càng nhanh chóng. Điều đó đồng nghĩa với thời hạn bảo quản rau quả càng bị rút ngắn. Thực tế cho thấy, quả càng chín bao nhiêu thì càng trở nên mềm, sức chịu đựng tác động cơ học càng yếu là do quá trình chín enzyme protopectinaza hoạt động mạnh thủy phân protopectin (là chất gắn kết các tế bào với nhau) thành pectin hòa tan, làm yếu dần các mối liên kết giữa các tế bào, thậm chí làm tế bào tách hẳn khỏi nhau dẫn tới hiện tượng chảy thành dịch lỏng. Vì vậy, sức đề kháng bệnh lý của rau quả chín càng kém hơn nhiều so với rau quả chưa chín, đó là cơ hội tốt cho các loài vi sinh vật phát triển gây thối rửa hư hỏng nhanh chóng.

Như vậy, để kéo dài thời hạn bảo quản nguyên liệu rau quả trước hết cần phải thực hiện nguyên tắc thứ nhất là kìm hãm hoạt động sống, tức là ức chế cường độ hô hấp, từ đó kìm hãm tốc độ chín và nảy mầm.Sự hư hỏng, thối rửa của rau quả sau thu hái xảy ra chủ yếu là do nguyên nhân nhiễm bệnh (do vi sinh vật nhất là nấm mốc). Như vậy, nguyên tắc thứ hai, để kéo dài thời hạn bảo quản rau quả là: ức chế hoạt động sống, sinh trưởng và phát triển của vi sinh vật.

Như vậy, thực chất của phương pháp bảo quản là điều chỉnh các quá trình sinh học xảy ra trong rau quả tươi cũng như trong vi sinh vật. Khi thay đổi điều kiện môi trường sẽ tác động đến các yếu tố vật lý, hóa học dẫn đến tiêu diệt hay ức chế hoặc bảo toàn quá trình sống của rau quả.

1.5.2.2. Các phương pháp bảo quản rau quả tươi a. Bảo quản ở điều kiện thường

“Điều kiện thường” được hiểu là điều kiện nhiệt độ và độ ẩm bình thường của tự nhiên. Nhiệt độ và độ ẩm tự nhiên hoàn toàn phụ thuộc vào sự biến động khí hậu và thời tiết.

Bảo quản ở điều kiện thường dựa vào nguyên lý bảo tồn sự sống – Biosis, có nghĩa là thời gian bảo quản rau quả theo nguyên lý này phụ thuộc vào khả năng tự đề kháng bệnh lý và độ bền của rau quả. Tuy nhiên, nhìn chung nhiệt độ và độ ẩm ở Việt Nam là rất cao, thích hợp cho sự phát triển của đa số vi sinh vật, nhất là nấm mốc và cũng rất thuận lợi cho quá trình hô hấp của rau quả. Vì vậy, khí hậu Việt Nam hoàn toàn bất lợi cho việc lưu giữ rau quả sau thu hoạch.

b. Bảo quản lạnh

Bảo quản lạnh là dựa vào nguyên lý tiềm sinh - Anabioza, tức là làm chậm, ức chế hoạt động sống của rau quả và vi sinh vật. Nhờ đó, làm chậm thời gian hư hỏng của rau quả. Nhiệt độ môi trường bảo quản càng thấp thì càng có tác dụng ức chế cường độ của các quá trình sinh lý, sinh hóa xảy ra trong rau quả cũng như vi sinh vật. Điều này giúp kéo dài thời hạn bảo quản rau quả tươi. Phương pháp này được sử dụng phổ biến trên thế giới hiện nay vì phương pháp này ít ảnh hưởng đến chất lượng rau quả và thời hạn bảo quản cũng dài.

c. Bảo quản trong môi trường thay đổi thành phần khí quyển

Bảo quản CA (Control Atmosphere) dựa vào nguyên lý tiềm sinh - Anabioza: Đây là phương pháp bảo quản rau quả tươi trong môi trường khí quyển mà thành phần không khí như O2, CO2 được điều chỉnh khác với khí quyển bình thường. Trong khí quyển bình thường có chứa 21% O2, 0,03% CO2, còn lại gần 79% N2 và các khí khác với tỷ lệ O2 lên đến 21% sẽ tạo nên cường độ hô hấp hiếu khí rất cao vì vậy để kéo dài thời hạn bảo quản rau quả tươi, người ta điều chỉnh hạ thấp hàm lượng O2

xuống dưới 21% và tăng hàm lượng CO2 lên trên 0,03% kết hợp với điều kiện nhiệt độ.

d. Bảo quản rau quả tươi trong môi trường khí quyển cải tiến (MAP: Modified atmosphere packaging).

Bao gói khí điều biến (MAP) là tạo ra môi trường mà trong đó tỷ lệ thành phần các khí nitơ, oxy và cacbonic khác với không khí thường. Phương pháp tạo ra MAP trong môi trường bảo quản bằng cách dùng một số bao bì để bao gói được gọi là bao gói khí điều biến MAP [14].

MAP là dạng bao gói nhằm điều chỉnh thành phần khí xung quanh sản phẩm được bao gói để giảm cường độ hô hấp của sản phẩm và ức chế hoạt động của vi sinh vật. Kết quả là kéo dài thời gian bảo quản và duy trì đặc tính tự nhiên của sản phẩm. Đây là phương pháp bảo quản dựa trên nguyên lý tiềm sinh – Anabioza.

MAP là sự tự sửa đổi thành phần khí xung quanh rau quả được dán kín trong túi bằng màng chất dẻo nhờ hô hấp và khuếch tán hoặc lựa chọn thành phần khí xung quanh rau quả tươi trong bao bì chất dẻo dán kín sao cho rau quả vẫn hô hấp được [16].

e. Bảo quản bằng hóa chất

Bảo quản bằng hóa chất kéo dài được thời hạn sử dụng của rau quả tuy nhiên hóa chất có thể làm biến đổi phần nào chất lượng của rau quả, tạo mùi vị không tốt, có thể gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, tức là có thể gây ngộ độc ngay sau khi cơ thể nhận được một lượng hóa chất vượt quá mức chịu đựng của con người. Vì vậy, phương pháp bảo quản bằng hóa chất rất hạn chế sử dụng đối với bảo quản rau quả tươi.

f. Bảo quản quả tươi bằng chitosan và các dẫn xuất của chitosan

Chitosan là một polyme sinh học có hoạt tính cao, đa dạng, dễ hòa hợp với cơ thể sinh học, có tính kháng nấm và khả năng tự phân hủy, khi tạo thành màng mỏng có tính bán thấm, chống nấm,…nên được ứng dụng trong bảo quản rau quả tươi. Chitosan oligosaccharide là một dẫn xuất của chitosan cũng có khả năng kháng khuẩn, chống nấm mốc, nấm men, có khả năng hòa tan trong nước nên được ứng dụng bảo quản các sản phẩm dạng lỏng như sữa bò tươi nguyên liệu là một ví dụ.

g. Bảo quan bằng tia bức xạ

Nguyên lý của phương pháp bảo quản bằng tia bức xạ là khi chiếu bức xạ vào sản phẩm thì một mặt vi sinh vật sẽ bị tiêu diệt, mặt khác đối với rau quả tươi quá trình sinh lý, sinh hóa có thể bị ức chế, nhờ vậy kéo dài được thời gian bảo quản.

Từ tổng quan tài liệu cho thấy:

Rong nho biển (Caulerpa lentillifera) là loài có giá trị nhất trong chi rong Cầu lục Caulerpa. Rong ưa sống và phát triển mạnh ở vùng nhiệt đới, cần nhiệt độ ấm và cường độ ánh sáng để phát triển và quang hợp, rất phù hợp với điều kiện nuôi trồng tại Việt Nam. Tuy nhiên, Rong nho có nguồn gốc từ Việt Nam có kích thước chỉ bằng 1/3 đến 1/4 so với rong nhập từ Okinawa.- Nhật Bản. Vì vậy, trong luận án tác giả chọn đối tượng Rong nho có nguồn gốc từ Okinawa - Nhật Bản, được nhập về Việt Nam và nuôi trồng tại Cam Ranh, Khánh Hòa do Công ty TNHH Đại Phát Plus, Cam Ranh, Khánh Hòa cung cấp để nghiên cứu.

Chất lượng của nguyên liệu Rong nho phụ thuộc khá nhiều yếu tố, trong đó thời gian bảo quản và loại bao bì ảnh hưởng trực tiếp đến tính chất vật lý, giá trị cảm quan, thành phần dinh dưỡng và thời gian bảo quản của Rong nho. Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu cụ thể loại bao bì và thời gian bảo quản ảnh hưởng như thế nào đến tính chất vật lý, giá trị cảm quan, thành phần dinh dưỡng của Rong nho.

CHƯƠNG 2: ĐỐI TƯỢNG, VẬT LIỆU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của bao bì đến chất lượng và thời gian bảo quản rong nho tươi (caulerpa lentillifera) (Trang 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(155 trang)