Các yếu tố tác động đến phát triển nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và việc làm tại tỉnh khánh hòa (Trang 28)

1.4.3.1. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Đây là yếu tố tác động có tính quyết định đến phát triển nguồn nhân lực, thể hiện: (i) Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế dẫn đến chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt là tỷ trọng lao động qua đào tạo nghề; (ii) Dẫn đến sự ra đời của các ngành nghề mới, sự mất đi

của một số ngành nghề cũ đồng thời những ngành nghề cũ không mất đi sẽ có hàm lượng công nghệ cao hơn, điều này dẫn tới việc phải đào tạo lại lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các ngành nghề mới cũng như cho nhu cầu nhân lực có khả năng sử dụng công nghệ mới trong những ngành nghề cũ; (iii) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo vùng kéo theo cơ cấu lại lực lượng lao động theo vùng và đặt ra yêu cầu mới trong đào tạo lao động và phát triển nguồn lực tại chỗ nhằm hạn chế dòng di chuyển lao động giữa các vùng, góp phần hạn chế sự chênh lệch trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển nguồn nhân lực nói riêng giữa các vùng; (iv) Sự thay đổi công nghệ trong sản xuất đóng vai trò quan trọng tới tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách trực tiếp thông qua việc góp phần làm tăng năng suất lao động, đồng thời cũng tác động đến phát triển nguồn nhân lực bằng cách tác động làm thay đổi cơ cấu “cầu lao động” về chất lượng (Trần Xuân Cầu, Mai Quốc Chánh, 2008).

1.4.3.2. Sử dụng lao động

Sử dụng lao động là một quá trình bao gồm các bước từ tuyển dụng lao động cho đến sử dụng lao động, trả công và đãi ngộ lao động. Trong điều kiện kinh tế thị trường, mối quan hệ giữa người chủ sử dụng lao động với người lao động được thể hiện thông qua tiền lương.

Tác động của yếu tố này đến phát triển nguồn nhân lực thể hiện trên một số mặt: (i) Là lực lượng chủ động và tích cực nhất đóng vai trò tạo việc làm và phát triển việc làm thông qua việc không ngừng thúc đẩy xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường, mở rộng sản xuất; (ii) Đóng vai trò quyết định tới việc phát huy tối đa năng lực lao động của người lao động. Năng lực lao động của người lao động là tổng hòa của 3 yếu tố gồm kiến thức, kỹ năng và thái độ. Những yếu tố này chỉ có thể được phát huy tối đa trong quá trình tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh nhờ được sử dụng hiệu quả qua tuyển dụng, bố trí đúng người đúng việc, phù hợp với năng lực chuyên môn của người lao động; được trả công xứng đáng; có chế độ đãi ngộ khen thưởng công bằng (Trần Xuân Cầu, Mai Quốc Chánh, 2008).

1.4.3.3. Giáo dục đào tạo

Trong nền kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực có thể được diễn đạt ở khía cạnh tạo cung lao động trên thị trường lao động không chỉ về số lượng, chất

lượng và cơ cấu, mà quan trọng hơn đó là nâng cao khả năng cạnh tranh của lao động. Khả năng này có được chủ yếu thông qua giáo dục, đào tạo nghề nghiệp, học tập suốt đời và hơn nữa đó là đào tạo theo định hướng cầu lao động. Mọi sự thay đổi của cầu lao động về số lượng, chất lượng và cơ cấu phải được nhận biết, xem xét và điều chỉnh trong đào tạo nhân lực. Theo hướng này, vai trò của hệ thống giáo dục đào tạo đã được thay đổi rất căn bản, không còn bó hẹp hay khép kín trong hệ thống giáo dục, đào tạo theo quan niệm truyền thống mà được mở ra, gắn kết chặt chẽ với sản xuất, việc làm, thị trường lao động.

Cấu trúc hệ thống đào tạo nguồn nhân lực theo định hướng cầu được mở rộng, bao gồm: (i) Hệ thống giáo dục phổ thông, tạo cho người lao động có nền dân trí tối thiểu để tiếp thu kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và lao động sáng tạo khi tham gia vào thị trường lao động, góp phần quan trọng trong hình thành nhân cách con người, đặc biệt là nhân cách nghề nghiệp của con người lao động mới trong tương lai; (ii) Hệ thống giáo dục đào tạo nghề (theo 3 cấp trình độ gồm sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề) nhằm đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật và công nghệ phù hợp với yêu cầu của sản xuất, đóng vai trò quan trọng quyết định khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động, tăng cơ hội có việc làm của người lao động; (iii) Hệ thống giáo dục đại học và sau đại học đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra đội ngũ lao động tri thức, có năng lực làm chủ khoa học, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, ứng dụng và sáng tạo thành tựu khoa học – công nghệ, đặc biệt trong điều kiện khoa học thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.

Mặt khác, hệ thống giáo dục đào tạo ĐH và SĐH còn cung cấp nhân lực làm công tác quản lý và quản trị sản xuất kinh doanh lành nghề phục vụ cho yêu cầu quản lý ngày càng phức tạp trong sản xuất kinh doanh cũng như trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội (Trần Xuân Cầu, Mai Quốc Chánh, 2008).

1.4.3.4. Dịch vụ việc làm

Dịch vụ việc làm là hoạt động trung gian chắp nối cung - cầu lao động, giúp người lao động có việc làm và chủ sử dụng lao động tìm được người làm việc thích hợp; dịch vụ việc làm còn có nhiệm vụ hướng nghiệp, đào tạo, đào tạo lại và các nghiệp vụ khác như thông tin thị trường lao động, tư vấn, xúc tiến tự tạo việc làm và khởi sự kinh doanh, cung cấp dịch vụ đặc biệt cho các đối tượng đặc thù.

Tác động của hệ thống dịch vụ việc làm trong phát triển nguồn nhân lực thể hiện ở các điểm: (i) Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tuyển dụng nhân lực thông qua việc hỗ trợ tích cực cho người lao động và người sử dụng lao động tìm được chỗ làm việc và người làm phù hợp; (ii) Góp phần trực tiếp cải thiện chất lượng nguồn nhân lực bằng việc trực tiếp tham gia các hoạt động đào tạo (tại các cơ sở dịch vụ việc làm) hoặc thiết lập, vận hành hệ thống thông tin thị trường lao động, qua đó giúp cho chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngày càng phát triển; (iii) Tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần làm tăng năng suất lao động xã hội, nâng cao mức sống dân cư (Trần Xuân Cầu, Mai Quốc Chánh, 2008).

1.4.3.5. Yếu tố khoa học - công nghệ

Bước vào thế kỷ XXI, cuộc cách mạng khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển với những bước tiến nhảy vọt, trở thành động lực đầu tàu của sự phát triển kinh tế - xã hội, kéo theo những biến đổi đột biến, mạnh mẽ và sâu sắc đời sống vật chất và tinh thần của xã hội, đặc biệt đưa xã hội loài người chuyển sang một thời đại văn minh mới với nền tảng của nó là phát triển một nền kinh tế tri thức, các ngành sản xuất, dịch vụ chủ yếu dựa vào tri thức và công nghệ. Khoảng cách giữa phát minh khoa học, công nghệ và áp dụng vào thực tiễn ngày càng thu hẹp lại.

Cách mạng khoa học công nghệ làm cho nhiều ngành nghề cũ, truyền thống mất đi và cũng xuất hiện nhiều ngành nghề mới; cơ cấu ngành nghề và tỷ trọng trong các lĩnh vực kinh tế cũng thay đổi nhanh chóng. Trong điều kiện mới, sự phát triển của một quốc gia phụ thuộc vào nguồn lực con người (trí tuệ và tay nghề) là chủ yếu, thay vì dựa vào nguồn tài nguyên, vốn vật chất như trước đây. Song yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực ngày càng phải cao, trong đó lao động qua đào tạo là lực lượng nồng cốt. Từ đó các quốc gia muốn phát triển phải điều chỉnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư hướng vào phát triển nguồn nhâ lực nhanh chóng được trí thức hóa, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực thích nghi cao, thích ứng kịp thời với những biến đổi nhanh chóng của công nghệ và sản xuất kinh doanh (Trần Xuân Cầu, Mai Quốc Chánh, 2008).

1.4.3.6. Xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập

Toàn cầu hóa không chỉ là tự do hóa thương mại, mà còn là sự mở rộng và phát triển mạnh mẽ của các loại thị trường; sự hoạt động xuyên quốc gia của các công ty;

sự phát triển mạnh mẽ và ngày càng có vai trò quan trọng, đồng thời cũng mở ra một thời kỳ mới cho sự hợp tác kinh tế và hội nhập quốc tế.

Tác động của toàn cầu thể hiện ở hai khía cạnh cơ bản: (i) Nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và của quốc gia trong quá trình hội nhập; (ii) Đảm bảo đáp ứng được nhu cầu về lao động qua đào tạo, đặc biệt là lao động có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu của công nghệ mới, công nghệ cao do sự tiếp nhận đầu tư từ nguồn FDI, ODA… (Trần Xuân Cầu, Mai Quốc Chánh, 2008).

1.4.3.7. Yếu tố kinh tế thị trường

Trong nền kinh tế thị trường tất yếu dẫn đến cạnh tranh (với mức độ ngày càng mạnh) trên thị trường lao động. Cơ chế cạnh tranh sẽ tạo ra động lực khuyến khích người lao động học tập suốt đời, không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt (sức khỏe, trình độ tri thức/tay nghề, tác phong công nghiệp, tính kỷ luật…). Mặt khác, xu hướng của tiền công/tiền lương là xoay quanh giá trị lao động và dần dần trả đúng giá trị lao động. Lao động càng có trình độ cao thì càng có khả năng nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí lao động trong giá trị đơn vị sản phẩm, làm cho tỷ trọng chi phí tiền lương trong giá trị gia tăng có xu hướng giảm và do đó càng được trả công cao hơn khi mà sản phẩm có khả năng cạnh tranh hơn trên thị trường.

Trong nền kinh tế thị trường hiện đại dựa trên nền tảng kỹ thuật và công nghệ cao, xu hướng tiền lương tăng lên, dẫn đến việc lựa chọn sử dụng nhiều vốn tư bản hơn lao động, tức là tăng cầu lao động kỹ thuật cao và giảm cầu lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật (Trần Xuân Cầu, Mai Quốc Chánh, 2008).

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và việc làm tại tỉnh khánh hòa (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)