Những điểm mạnh, điểm yếu, thời cơ và thách thức đối với lao động của

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và việc làm tại tỉnh khánh hòa (Trang 69)

quan trọng đó là do chuyển dịch cơ cấu lao động từ ngành có năng suất lao động thấp là nông nghiệp sang ngành có năng suất lao động cao là ngành công nghiệp và dịch vụ, tỷ trọng lao động trong nhóm ngành nông nghiệp giảm, ngành công nghiệp và dịch vụ tăng lên.

2.2.5. Những điểm mạnh, điểm yếu, thời cơ và thách thức đối với lao động của tỉnh Khánh Hòa tỉnh Khánh Hòa

2.2.5.1. Những điểm mạnh

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đặc biệt quan tâm, coi trọng việc phát triển nguồn lực con người và xem đây là nhân tố nền tảng trong việc phát triển của đất nước nói chung và của tỉnh Khánh Hòa nói riêng. Tỉnh Khánh Hòa có những chính sách thu hút nhân tài, đầu tư thực hiện các đề án đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng nhu cầu nhân lực cho khu vực công. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi trong việc đào tạo cũng như sử dụng nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện mục tiêu “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài”.

Hệ thống cơ sở đào tạo ở các cấp học, ngành học tương đối phong phú; Các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp về cơ bản thực hiện đủ chỉ tiêu tuyển mới. Quy mô đào tạo của các trường đã hồi phục sau một thời gian dài suy giảm; mỗi năm có lưu lượng khoảng 1 vạn người học (kể cả chính quy và tại chức, dài hạn và ngắn hạn). Đặc biệt, các trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề đã thực sự có chuyển biến rõ rệt về nguồn tuyển sinh, từ chỗ không tuyển đủ chỉ tiêu nhà nước giao thì nay số lượng hồ sơ dự thi vào các trường trung cấp tăng dần theo từng năm. Sự phát triển của các cơ sở dạy nghề cũng đã góp phần vào việc phân luồng học sinh sau trung học phổ thông và cả sau trung học cơ sở. Cơ sở vật chất - kỹ thuật được tăng cường đầu tư, khai thác; Đội ngũ giảng viên, giáo viên không ngừng được nâng cao trình độ chuyên môn; Chương trình và phương pháp giảng dạy đang từng bước được đổi mới. Tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào, lực lượng lao động chiếm 73,25% dân số trong độ tuổi lao động (năm 2009), trong đó đa số là lực lượng lao động trẻ; phân bổ chủ yếu ở khu vực đô thị. Trình độ chuyên môn kỹ thuật ở các cấp của lực lượng lao động tăng lên rõ rệt qua từng năm và cao hơn trung bình của vùng và cả nước. Trình độ học vấn phổ thông của lao động không ngừng được nâng lên, các chỉ số đều tiến bộ hơn hẳn so với các tỉnh

trong vùng và cả nước. Số lao động giải quyết việc làm trong giai đoạn 2006 - 2010 tăng 8% so với giai đoạn 2001 - 2005.

Bên cạnh đó, quỹ cho vay ưu đãi giải quyết việc làm cũng góp phần không nhỏ vào việc giải quyết việc làm cho lao động của tỉnh. Các trung tâm và doanh nghiệp giới thiệu việc làm đã hoạt động có hiệu quả, hàng năm, tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 9.000 lượt lao động. Lao động có việc làm chuyển dịch theo hướng tăng lao động làm việc trong các ngành dịch vụ, công nghiệp và giảm dần lao động trong ngành nông nghiệp, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

2.2.5.2. Những điểm yếu

Công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và thiết bị trường học đã được quan tâm đầu tư trong các năm qua, song so với yêu cầu thực tế, nhiều cơ sở đào tạo vẫn còn thiếu phòng học, trang thiết bị chuyên dùng. Cơ sở vật chất dành cho các khu thí nghiệm thực hành, thư viện, giáo dục thể chất,…chưa đáp ứng được nhu cầu dạy học. Diện tích đất của một số trường nằm ở khu vực trung tâm thành phố không thể mở rộng được. Một số ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao nhưng chưa có cơ sở đào tạo tương xứng như y, dược, du lịch, công nghệ sinh học, tự động hóa, luật, hành chính…

Chất lượng đào tạo của một số ngành, nghề còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Hệ thống cơ sở đào tạo đại học đã phát triển nhưng chất lượng đào tạo còn hạn chế. Tỉnh chưa có cơ sở đào tạo đại học - sau đại học đạt chuẩn quốc tế. Cơ cấu đào tạo lao động còn bất hợp lý và chậm thay đổi. Nhận thức của một bộ phận xã hội về học nghề và làm nghề còn chưa phù hợp. Tâm lý người học còn e ngại việc học nghề, mong muốn theo đuổi các chương trình đào tạo ở bậc cao hơn dù năng lực tiếp thu có giới hạn vì vậy dẫn đến tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” ở tỉnh Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung.

Các cơ sở đào tạo cũng có khuynh hướng chạy đua nâng cấp bậc đào tạo (từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học), thực tế không tránh khỏi tình trạng đội ngũ giảng viên, giáo viên ở các bậc đào tạo thấp được tạm thời tận dụng để phục vụ cho các bậc đào tạo cao. Khuynh hướng đào tạo đa ngành rất phổ biến ở khu vực tư khiến sự đầu tư về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa của các trường chưa cao. Mạng lưới cơ sở đào tạo còn phát triển tự phát, thiếu quy hoạch. Nhiều cơ sở đào tạo nhỏ, manh mún. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực phát triển nhân lực còn gặp nhiều khó khăn. Chưa đào tạo đón đầu một số ngành,

nghề trong tương lai. Công tác quản lý phát triển nhân lực còn bất cập. Năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục - đào tạo chưa theo kịp yêu cầu đổi mới mạnh mẽ của sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Cơ cấu lao động có chuyển dịch tích cực, nhưng chất lượng chuyển dịch chưa bền vững; lao động chuyển đổi ngành nghề sang các loại hình dịch vụ còn ở trình độ thấp, do chưa được đào tạo. Công tác giải quyết việc làm tuy đạt về số lượng, nhưng chất lượng việc làm chưa cao, chưa bền vững; tiền lương và thu nhập còn thấp; quan hệ lao động tiềm ẩn nguy cơ nảy sinh tranh chấp, đình công; đời sống công nhân và người lao động làm việc trong các khu công nghiệp (nhà ở, sinh hoạt, học tập, y tế, văn hóa, vui chơi giải trí...) còn khó khăn.

2.2.5.3. Thời cơ

Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang tiến hành phát triển đô thị theo hướng hiện đại, văn minh; bước đầu thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế. Kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng là tiền đề quan trọng để tỉnh Khánh Hòa có thể tiếp tục tăng nguồn đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực cũng như tạo thêm được nhiều cơ hội việc làm cho lao động .

Quá trình toàn cầu hóa khiến cho lao động dễ dàng di chuyển giữa các quốc gia, khu vực, trong quá trình hội nhập kinh tế, tỉnh Khánh Hòa có lợi thế để phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho người lao động, hợp tác giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Khi Việt Nam thực hiện các cam kết của WTO, nhiều việc làm mới được tạo ra, nhiều ngành nghề mới xuất hiện. Giai đoạn 2011 - 2020, trên thị trường lao động của tỉnh sẽ có những sự dịch chuyển lớn về lao động - việc làm giữa các khu vực kinh tế, giữa các địa bàn, giữa các ngành nghề, giữa các doanh nghiệp. Điều này làm cho sự phân bổ nguồn lực lao động được hợp lý hơn, mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn cho người lao động, cho doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế tỉnh Khánh Hòa. Hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ trong công tác đào tạo, phát triển nhân lực tiếp tục được phát huy trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Lao động tỉnh Khánh Hòa có nhiều cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế khi các hình thức liên kết đào tạo hoặc chính sách thu hút các cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín đặt chi nhánh tại tỉnh được thực hiện.

2.2.5.4. Thách thức

Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ trên thế giới có thể làm cho khoảng cách kinh tế và tri thức giữa Việt Nam nói chung, tỉnh Khánh Hòa

nói riêng và các nước ngày càng lớn hơn. Yêu cầu phát triển kinh tế trong thời gian đến không chỉ đòi hỏi số lượng mà còn đòi hỏi chất lượng cao của nguồn nhân lực. Từ đó, sự cần thiết phải phát triển một nguồn lực lao động có khả năng nắm bắt công nghệ mới là yêu cầu mang tính cấp thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sự chuyển dịch từ lượng sang chất trong đào tạo nhân lực đòi hỏi những cải tiến đáng kể về nội dung giáo dục, phương pháp tiếp cận sư phạm, kết quả học tập, hệ thống khảo thí, thái độ dạy và học cũng như hệ thống quản lý giáo dục. Do thị trường lao động ở tỉnh chưa phát triển, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, thiếu sức cạnh tranh, nên vấn đề lao động - việc làm dễ bị tác động khi có sự bất ổn của thị trường thế giới. Các doanh nghiệp sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh ngày càng mạnh hơn, vấn đề duy trì việc làm là hết sức khó khăn đối với các doanh nghiệp yếu kém, nguy cơ thất nghiệp là rất lớn. Cạnh tranh lao động - việc làm trên thị trường lao động sẽ ngày càng gay gắt hơn, lợi thế cạnh tranh như giá nhân công rẻ sẽ giảm dần. Những mặt yếu của lao động như trình độ tay nghề, chuyên môn, ngoại ngữ, kỷ luật, tác phong công nghiệp và thể lực sẽ là những thách thức lớn.

Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, dẫn đến những vấn đề phát sinh về lao động, chuyển đổi ngành, nghề, đời sống người dân. Mặc dù công tác giải quyết việc làm đạt được nhiều kết quả, nhưng sức ép về việc làm hàng năm vẫn rất lớn, do số lao động tăng thêm hàng năm, bộ đội xuất ngũ về địa phương, số học sinh ra trường tìm việc làm, số lao động dôi dư do sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, lao động chuyển đổi ngành nghề do đô thị hóa, di dời, giải tỏa, lao động di chuyển đến. Nhiều thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là những thị trường lao động có sức hấp dẫn lớn (cơ hội việc làm lớn, mức lương cao), rất có sức hút đối với người lao động nơi khác. Vì vậy, tỉnh Khánh Hòa cần tiếp tục nghiên cứu để “giữ chân” nguồn nhân lực, đặc biệt là những cán bộ có trình độ cao, lao động có tay nghề giỏi, không để xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám”.

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và việc làm tại tỉnh khánh hòa (Trang 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)