2.6.2.1 Bột cá
Bột cá là thức ăn động vật có chất lượng dinh dưỡng cao nhất, được chế biến từ cá tươi hoặc từ phế phẩm của công nghiệp chế biến từ cá hộp. Trong protein bột cá có đầy đủ các acid amin không thay thế với hàm lượng cao: lisine 7,5%, metionine 3%, isoleucine 4,75%. Bột cá chế biến từ đầu, vây, ruột hoặc từ cá ướp muối có giá trị dinh dưỡng thấp hơn bột cá chế biến từ cá nhạt nguyên con. Protein trong bột cá sản xuất ở Việt Nam biến động từ 31-60%, canxi 5,5-8,7%, photpho 3,5-4,8%. Các chất hữu cơ có trong bột cá được heo và gia cầm tiêu hóa và hấp thu với tỷ lệ cao (85-90%). Do giá thành sản xuất bột cá cao, nên thường chỉ dùng với số lượng rất ít trong khẩu phần, chủ yếu dành cho gà công nghiệp, heo sinh sản và heo thịt có tỷ lệ nạc cao (Trần Ngọc Phương và Lê Quang Minh, 2002).
20
2.6.2.2 Bánh dầu nành
Theo Lê Đức Ngoan và ctv (2004) thì bánh dầu nành là phụ phẩm của
quá trình chế biến dầu từ hạt đậu nành. Hàm lượng dầu còn lại khoảng 10g/kg. Bánh dầu nành là một nguồn protein thực vật có giá trị dinh dưỡng tốt nhất trong các loại bánh dầu. Thành phần acid amin gần giống với protein sữa và dùng để thay thế một phần protein động vật trong khẩu phần vật nuôi. Trong bánh dầu nành chỉ tồn tại một lượng nhỏ khoáng và nhiều vitamin, trừ vit B12. Cũng giống như bột đậu nành, bánh dầu nành có hàm lượng protein cao, chiếm khoảng 42-45% theo vật chất khô. Protein của bánh dầu nành cũng chứa hầu hết các acid amin thiết yếu, nhưng nghèo acid amin chứa lưu huỳnh như cystine và methionine. Methionine là yếu tố hạn chế thứ nhất ở các khẩu phần có giá trị năng lượng cao. Giá trị dinh dưỡng và các yếu tố hạn chế trong bánh dầu nành gần giống với hạt đậu nành.