Đặc điểm hình thái

Một phần của tài liệu ứng dụng chất kích kháng sinh học trích từ cây cỏ cứt heo ageratum conyzoides l. và nấm xanh metarhizium anisopliae sorokin trong quản lý một số dịch hại trên lúa tại huyện cờ đỏ, tp. cần thơ (Trang 27)

Rầy nâu có cơ thể màu vàng nâu, đỉnh đầu nhô ra phía trước. Phần gốc râu có hai đốt nở to, đốt roi râu dài và nhỏ. Cánh trong suốt, giữa cánh sau của mỗi cánh trước có một đốm đen, khi xếp lại hai đốm này chồng lên nhau tạo thành một đốm đen to trên lưng (Nguyễn Văn Huỳnh và Lê Thị Sen, 2004).

Rầy nâu là loài côn trùng biến thái không hoàn toàn, chu kỳ phát triển trải qua ba giai đoạn: Trứng, ấu trùng và thành trùng (Phạm Văn Lầm, 2006).

Trứng

Thành trùng cái của rầy nâu thường đẻ trứng vào ban đêm. Trứng được đẻ trên thân, bẹ lá và gân chính của lá lúa hoặc trên cỏ lồng vực mọc trên ruộng (Phạm Văn Lầm, 2006). Rầy tập trung đẻ trứng ở gốc lúa, cách mặt nước khoảng 10-15cm. Trứng được đẻ theo hang, mỗi hang từ 8-30 trứng. Trứng rầy nâu hình

15

hạt gạo, hình trụ dài, cong một đầu thon dài từ 0.3-0.4mm, mới đẻ có màu trắng, sắp nở có màu vàng. Phía trên trứng có bộ phận che lại gọi là nắp trứng. Thời gian ủ trứng từ 5-14 ngày (Nguyễn Văn Huỳnh và Lê Thị Sen, 2004).

Ấu trùng

Ấu trùng rầy nâu hay còn được gọi là rầy cám, khi mới nở rất nhỏ, màu trắng sửa, càng lớn rầy chuyển màu vàng nhạt, rầy cám lột xác 5 lần (5 tuổi) kéo dài từ 12-14 ngày. Mỗi tuổi kéo dài từ 2-3 ngày (Nguyễn Văn Huỳnh và Lê Thị Sen, 2004).

Theo Phạm Văn Lầm (2006) thì đặc điểm hình thái cơ bản các tuổi của ấu trùng rầy nâu như sau:

Rầy nâu tuổi 1: màu đen xám, có đường thẳng trên ngực sau, thân dài khoảng 1,1 mm.

Rầy nâu tuổi 2: màu vàng nhạt, lề ngực sau lõm ra phía trước, thân dài khoảng 1,5 mm.

Rầy nâu tuổi 3: màu nâu vàng lẫn lộn, có mầm cánh rõ, thân dài khoảng 2,0 mm.

Rầy nâu tuổi 4: màu nâu vàng lẫn lộn, mầm cánh sau nhọn, thân dài khoảng 2,4 mm.

Rầy nâu tuổi 5: màu nâu vàng lẫn lộn, mầm cánh trước dài hơn mầm cánh sau, thân dài khoảng 3,2 mm.

Thành trùng

Rầy trưởng thành có hai dạng cánh dài và cánh ngắn.

Dạng cánh dài: Con cái dài 4-5 mm (kể cả cánh), mặt bụng màu nâu vàng, đỉnh đầu nhô ra phía trước. Phần gốc râu có hai đốt phình to, đốt roi râu dài nhỏ, nhiều đốm, bụng rộng, phía cuối dạng rãnh. Con đực dài 3,6-4 mm (kể cả cánh). Đa số có màu nâu tối, bé, gầy hơn con cái, cuối bụng dạng loa kèn.

Dạng cánh ngắn: Con cái dài 3,5-4 mm, thô lớn. Cánh trước kéo dài đến giữa đốt bụng thứ 6 bằng ½ chiều dài cánh trước của dạng cánh dài. Con đực dài 2-2,5 mm, gầy, đa số màu nâu đen, cánh trước kéo dài tới 2/3 chiều dài của bụng (Nguyễn Đức Khiêm, 2006).

Rầy cánh dài có thể đẻ khoảng 100 trứng, và rầy cái cánh ngắn có thể đẻ từ 300-400 trứng. Trong điều kiện thích hợp, một rầy cái có thể đẻ đến cả ngàn trứng (Nguyễn Văn Huỳnh và Lê Thị Sen, 2004).

Một phần của tài liệu ứng dụng chất kích kháng sinh học trích từ cây cỏ cứt heo ageratum conyzoides l. và nấm xanh metarhizium anisopliae sorokin trong quản lý một số dịch hại trên lúa tại huyện cờ đỏ, tp. cần thơ (Trang 27)