1.2.2.2.1 Tài liệu sử dụng trong phân tích tài chính doanh nghiệp
Việc phân tích tình hình tài chính đòi hỏi sử dụng nhiều tài liệu và thông tin khác nhau nhưng trong đó chủ yếu là báo cáo tài chính, báo cáo tài chính rất hữu ích với việc quản trị doanh nghiệp đồng thời là nguồn thông tin tài chính chủ yếu đối với người ngoài doanh nghiệp. Báo cáo tài chính không những cho thấy tình hình tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo mà còn cho thấy những kết quả hoạt động mà doanh nghiệp đạt được. Việc phân tích báo cáo tài chính là tiến trình chọn lọc tìm hiểu tương quan và thẩm định các dữ kiện trong báo cáo tài chính.
Hệ thống báo cáo tài chính gồm:
- Bảng cân đối kế toán.
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
- Thuyết minh báo cáo tài chính.
Bảng cân đối kế toán: là một báo cáo tài chính phản ánh tổng quát
tình hình tài sản của doanh nghiệp theo hai cách phân loại cấu thành vốn và nguồn hình thành vốn hiện có của doanh nghiệp ở các thời điểm nhất định dưới hình thái tiền tệ.
Cả hai phần tài sản và nguồn vốn đều bao gồm hệ thống các chỉ tiêu tài chính phát sinh, phản ánh từng nội dung tài sản và nguồn vốn. Các chỉ tiêu được sắp xếp thành từng muc, khoản theo một trình tự lôgic khoa học, phù hợp với yêu cần quản lý.
Hai phần tài sản và nguồn vốn phải có số tổng cộng bằng nhau vì phản ánh cùng một tài sản
Tài sản = nguồn vốn
Hay tài sản = vốn chủ sở hữu + công nợ phải trả (Phần tài sản bao gồm tài sản lưu động và tài sản cố định)
Xét về mặt pháp lý tài sản thể hiện số tiềm lực mà doanh nghiệp có quyền quản lý, sử dụng gắn với mục đích thu được các khoản lợi ích trong tương lai. Xét về mặt kinh tế, các chỉ tiêu thuộc phần tài sản của bảng cân đối kế toán thể hiện vốn của doanh nghiệp có ở thời điểm lập bảng cân đối kế toán.
*Phần nguồn vốn phản ánh các nguồn hình thành tài sản của doanh nghiệp bao gồm:
- Công nợ
- Vốn chủ sở hữu Công nợ bao gồm:
+ Nợ ngắn hạn là khoản tiền mà doanh nghiệp có trách nhiệm trả trong vòng một chu kỳ hoạt động kinh doanh bình thường hoặc trong vòng một năm.
+ Nợ dài hạn là các khoản nợ dài hạn hơn một năm hoặc phải trả sau một kỳ kinh doanh.
Nguồn vốn chủ sở hữu: Đây là nguồn vốn thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp và các thành viên trong công ty liên doanh hoặc các cổ đông trong công ty cổ phần. Có 3 nguồn tạo nên vốn chủ sở hữu: Số tiền góp vốn của các nhà đầu tư, tổng số tiền tạo ra từ kết quả hoạt động kinh doanh (Lợi nhuận chưa phân phối) và chênh lệch đánh giá lại tài sản nói chung. Xét về mặt pháp lý đây là các chỉ tiêu thể hiện trách nhiệm pháp lý về mặt vật chất của doanh nghiệp đối với các đối tượng cấp vốn cho doanh nghiệp (nhà nước, ngân hàng, các cổ đông, các bên liên doanh...) hay nói cách khác các chỉ tiêu thể hiện trách nhiệm pháp lý về tổng số vốn đã đăng ký kinh doanh với nhà nước, về số tài sản đã hình thành bằng vốn vay ngân hàng hoặc của các đối tượng khác.
Xét về mặt kinh tế các chỉ tiêu thuộc phần nguồn vốn của bảng cân đối kế toán thể hiện các nguồn hình thành tài sản mà doanh nghiệp hiện có.
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh: là báo cáo tài chính tổng hợp
phản ánh khái quát tình hình và kết quả kinh doanh cũng như tình hình thực hiện trách nhiệm nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với nhà nước.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
* Khái niệm và mục đích của báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là một báo cáo tài chính phản ánh các khoản thu và chi tiền trong kỳ của doanh nghiệp theo các hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính.
Mục đích của báo cáo là nhằm trình bày cho những người biết tiền tệ được tạo ra bằng cách nào và doanh nghiệp đã sử dụng chúng như thế nào trong kỳ báo cáo.
Nội dung của báo cáo lưu chuyển tiền tệ bao gồm 3 phần chính sau: - Lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động kinh doanh phản ánh toàn bộ dòng tiền thu vào và chi ra liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (hay là các hoạt động chức năng của doanh nghiệp)
- Lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động đầu tư phản ánh toàn bộ dòng tiền thu vào và chi ra liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.
- Lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính phản ánh toàn bộ dòng tiền thu vào và chi ra liên quan trực tiếp đến hoạt động tài chính của doanh nghiệp.
Bản thuyết minh bổ sung báo cáo
Bản thuyết minh bổ sung báo cáo tài chính là báo nhằm thuyết minh và giải trình bằng lời, bằng số liệu, một số chỉ tiêu kinh tế – tài chính chưa được thể hiện trên báo cáo tài chính. Bản thuyết minh bổ sung báo cáo gồm các thông tin như đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp, chế độ kế toán áp dụng ở doanh nghiệp và chi tiết một số chỉ tiêu trong báo cáo kế toán như chi phí, tình hình gia tăng, giảm TSCĐ, tình hình tăng giảm nguồn vốn chủ sở hữu.
1.2.2.2.2 Trình tự phân tích tài chính doanh nghiệp
Phân tích hoạt động tài chính là cơ sở để dự đoán tài chính. Phân tích tài chính doanh nghiệp có thể được ứng dụng theo nhiều hướng khác nhau với mục đích tác nghiệp (chuẩn bị các quyết định nội bộ), với mục đích nghiên cứu, thông tin hoặc theo vị trí của nhà phân tích.
Quá trình phân tích được tiến hành theo các giai đoạn sau: - Thu thập thông tin
Khi phân tích tài chính thì phải sử dụng mọi nguồn thông tin có khả năng lý giải và thuyết minh thực trạng hoạt động tài chính. Nó bao gồm cả những thông tin nội bộ đến những thông tin kế toán phản ánh tập trung trong các báo cáo tài chính doanh nghiệp, là những nguồn thông tin được đặc biệt quan
trọng. Do vậy, phân tích tài chính trên thực tế là phân tích các báo cáo tài chính doanh nghiệp.
- Xử lý thông tin
Giai đoạn tiếp theo của phân tích tài chính là quá trình xử lý thông tin đã thu thập được. Trong giai đoạn này người sử dụng thông tin ở các góc độ nghiên cứu ứng dụng khác nhau phục vụ mục tiêu phân tích đã đặt ra. Xử lý thông tin là quá trình sắp xếp các thông tin theo những mục tiêu nhất định nhằm tính toán, so sánh giải thích, đánh giá, xác định nguyên nhân của các kết quả đã đạt được phục vụ cho quá trình dự đoán và quyết định.
- Dự đoán và quyết định
Thu thập và xử lý thông tin nhằm chuẩn bị những tiêu đề và điều kiện cần thiết để người sử dụng thông tin dự đoán nhu cầu và đưa ra các quyết định tài chính. Có thể nói mục tiêu của phân tích tài chính là đưa ra các quyết định tài chính. Đối với người chủ doanh nghiệp phân tích tài chính nhằm đưa ra quyết định liên quan tới mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp là tăng trưởng và phát triển tối đa hoá lợi nhuận. Còn đối với nhà đầu tư là các quyết định về tài trợ, đầu tư, khả năng thu hồi vốn...