Đây là giai đoạn sinh trưởng dài nhất của cây ngô và cũng là giai đoạn tập trung các biện pháp canh tác, chăm sóc cần thiết để cây ngô sinh trưởng và phát triển tốt nhất.
Ở thời kỳ đầu, từ sau mọc đến khi cây ngô có 3-4 lá thật cây ngô non sử dụng chủ yếu chất dinh dưỡng từ nội nhũ hạt nên sinh dưỡng phát triển chậm, cây ngô non dễ bị chết nếu hạt bị thối hoặc bị sâu bọ cắn.
Khi được 3 đến 4 lá thật, cây ngô chuyển từ dinh dưỡng hạt sang dinh dưỡng đất và các sản phẩm quang hợp. Cây bắt đầu phát triển mạnh nhất từ sau khi đạt 7-9 lá đến trước khi trỗ cờ, giai đoạn này cây không ngừng tăng trưởng về chiều cao và số lá. Giai đoạn này quyết định việc tích luỹ chất dinh dưỡng trên thân lá, đây cũng là giai đoạn trong cây ngô diễn ra quá trình phân hoá bông cờ và bắp, cho nên giai đoạn này ảnh hưởng lớn đến năng suất ngô. Quá trình sinh trưởng sinh dưỡng kết thúc khi cây ngô trỗ cờ.
Qua bảng 4.1 ta thấy các THL có thời gian từ gieo đến trỗ cờ biến động từ 78 đến 89 ngày, trong đó giống đối chứng MX4 có thời gian trỗ là 75 ngày. Trog đó tổ hợp lai THL5 có thời gian từ khi gieo đến trỗ cờ sớm nhất (78 ngày), muộn hơn so với đối chứng 3 ngày, THL15 có thời gian từ gieo đến trỗ cờ muộn nhất (89 ngày) và muộn hơn so với đối chứng 14 ngày. Các tổ hợp lai còn lại đều có thời gian trỗ cờ muộn hơn so với đối chứng MX4 từ 4 – 13 ngày
Trong quá trình thí nghiệm chúng tôi nhận thấy điều kiện ngoại cảnh tháng tư rất thuận lợi, giai đoạn này trời thường xuyên có nắng, gió nhẹ, tạo điều kiện thuận lợi cho thụ phấn thụ tinh.