Trong thời gian qua, những nghiên cứu về ngô ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào ngô tẻ. Công tác nghiên cứu chọn tạo giống ngô nếp và đường đã được tiến hành khá lâu nhưng chủ yếu là thu thập, bảo tồn các giống ngô nếp địa phương và chọn tạo giống thụ phấn tự do (Lê Quý Kha, 2009)[5]
+ Một số kết quả về thu thập đánh giá nguồn gen
Các nhà khoa học Trường Đại học Nông nghiệp I đã tiến hành điều tra thu thập khảo sát ở các tỉnh miền núi Tây Bắc từ năm 2000 đến 2005. Kết quả là Vũ Văn Liết và cộng sự đã thu thập được 20 giống ngô trong đó có 13 mầu giống ngô là ngô nếp, cho thấy nguồn gen cây lúa, ngô ở huyện Điện Biên nói riêng và vùng miền núi phía Bắc Việt Nam nói chung là rất đa dạng và phong phú [35]
Giai đoạn 2001 – 2005, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Ngô đã tiến hành thu thập được 79 nguồn có nguồn gốc khác nhau, trong đó có 22 nguồn ngô nếp (7 nguồn tím, 15 nguồn trắng) (Phan Xuân Hào, 2006)[18]
Trần Văn Minh (2006), cũng đã phục tráng và bảo tồn thành công giống ngô nếp Cồn Hến của Thừa Thiên Huế nhằm bảo vệ giống ngô nếp quý hiếm của miền Trung nước ta, sau 5 năm nghiên cứu, tác giả và các đồng nghiệp đã phục tráng được giống ngô nếp Cồn Hến, giữ lại đặc điểm bản chất quý hiếm của nó[33]
Trong báo cáo tổng kết đề tài: “ Thu thập bảo tồn nguồn gen ngô địa phương và tạo vật liệu phục vụ công tác tạo giống ngô cho vùng khó khăn” (Vũ Văn Liết và cộng sự, 2008) cho biết số mẫu giống ngô thu thập được ở 27 huyện thuộc hơn 10 tỉnh miền núi phía Bắc và một số tỉnh miền Trung, tây Nguyên là 177 mẫu giống trong đó 111 mẫu giống ngô nếp và 66 mẫu giống ngô tẻ. Trong đó hai dân tộc thu được số mẫu nhiều nhất là Hơ Mông với 51 mẫu giống, Thái là 39 mẫu giống [17]
Hiện nay, Viên Nghiên cứu Ngô đang lưu giữ 148 mẫu ngô nếp địa phương, trong đó có: 111 nguồn nếp trắng, 15 nguồn nếp vàng và 22 nguồn nếp tím, nâu đỏ. Từ các nguồn có khả năng chống chịu tốt nhất, bằng phương pháp truyền thống đã tạo ra một số dòng ngô nếp có độ thuần cao, trong đó có 30 dòng ngô nếp đã được phân tích đa dạng di truyền bằng chỉ thị phân tử
SSR và phân nhóm ưu thế lai. Một số dòng có khả năng kết hợp tốt và gần chục tổ hợp lai cho năng suất cao, độ đồng đều khá đang được thử nghiệm, phục vụ cho công tác lai tạo giống ngô nếp mới (Lê Quý Kha (2009)[5]
+ Một số kết quả về công tác chọn tạo giống ngô nếp ở Việt Nam
Hiện nay những nghiên cứu về ngô nói chung và ngô nếp nói riêng của Việt Nam có thể nói đang còn chậm hơn so với thế giới. Hơn nữa các nghiên cứu về ngô nếp rất hạn chế, chính vì thế mà chúng ta cần đẩy mạnh những nghiên cứu về chúng. Trong thời gian gần đây có một số công trình được công bố cùng với kết quả như:
Tác giả Ngô Hữu Tình và Nguyễn Thị Lưu đã chọn tạo thành công giống ngô nếp trắng tổng hợp được công nhận giống quốc gia năm 1989. Giống này có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng thích ứng rộng, được trồng khá phổ biến ở Miền Bắc. [12]
Công trình của Nguyễn Thị Lâm và Trần Hồng Uy (1997) tiến hành phân loài phụ cho 72 giống ngô nếp địa phương. Trong đó 48 mẫu nếp trắng, 8 mẫu nếp vàng, 16 mẫu nếp tím.Kết quả cho thấy, biến chủng nếp tím có thời gian sinh trưởng, chiều cao cây, chiều cao đóng bắp và số lá lớn hơn cả[14]
Tác giả Phan Xuân Hào và cộng sự đã chọn tạo thành công giống ngô nếp trắng VN2, được công nhận giống quốc gia năm 1997. VN2 được chọn tạo từ các giống ngô nếp ngắn ngày, năng suất khá, chất lượng tốt, có nguồn gốc khác nhau: Nếp Tây Ninh, Nếp Quảng Nam – Đà Nẵng, Nếp Thanh Sơn – Phú Thọ và Nếp S- 2 từ Philipin. Đây là giống ngắn ngày, chất lượng dinh dưỡng cao, khả năng thích ứng rộng, năng suất bình quân đạt 30 tạ/ha (Phan Xuân Hào và cs, 1997)[22]
Các tác giả Nguyễn Hữu Đống, Phan Đức Trực, Nguyễn Văn Cương - Viện Di Truyền Nông nghiệp, và Ngô Hữu Tình - Viện Nghiên cứu Ngô đã gây đột biến bằng tia gama, kết hợp với xử lý Diethylsulphat ở ngô nếp thu được một số dòng biến dị có các đặc tính nông học quý so với giống ban đầu (Nguyễn Hữu Đống và cs,1997)[10]
Trong giai đoạn đoạn 2003 – 2005, Nguyễn Thế Hùng và các cộng sự đã tiến hành thử khả năng kết kợp của 50 tổ hợp lai, từ kết quả đó đã chọn được các tổ hợp ngô nếp lai ưu tứ: N8 x N11; N4 x N8; N11 x N14 và N2 x N12. Các tổ hợp lai có các đặc điểm tốt như: Thời gian sinh trưởng ngắn, từ gieo đến thu bắp luộc khoảng 75 – 80 ngày, từ gieo đến chín sinh lý khoảng 95 – 105 ngày. Các tổ hợp ngô nếp lai có hạt màu trắng, dẻo, thơm, năng suất hạt đạt khoảng 40 – 45 tạ/ha.(Nguyễn Thế Hùng, 2006)[13]
Trên cơ sở rút dòng từ các nguồn nếp Trung Quốc, Thái Lan... kết hợp với các dòng rút từ VN2, nếp vàng pleiku, Vàng Hoà Bình, Vàng - Trắng miền Bắc... các nhà khoa học của viện Nghiên cứu Ngô đã lai tạo ra các tổ hợp lai đơn có độ đồng đều cao, năng suất 50 – 55 tạ hạt khô/ha. Đây là cơ sở đế phát triển chương trình tạo giống ngô nếp lai phục vụ cho sản xuất ( Phan Xuân Hào, 2006)[18].
Trong các năm 2006 – 2008, Viên nghiên cứu Ngô cũng đã tiến hành chọn tạo, khảo sát các tổ hợp ngô nếp lai, chọn lọc ra một số tổ hợp lai có triển vọng như NL1, NL2, HN15 x HN5, HN10 x HN2, HN1 x HN6, HN6 x HN17, HN16 x HN6, HN10 x HN6, LSB4... để đưa đi khảo nghiệm rộng và cho kết quả khá tốt (Lê Quý Kha, 2009)[5]
Hàng năm, Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón Quốc gia đều tiền hành khảo kiểm nghiệm giống ngô nếp ở các tỉnh phiến Bắc. Từ kết quả khảo nghiệm, Trung tâm đã đề nghị công nhận cho sản xuất thử một số giống ngô nếp lai có triển vọng như MX6 (2006), MX10, LBS10, LBS4, NL1, NL2 (2007), Milky 36, NL6 (2008). Đây là các giống có năng suất cao, khả năng chống chịu tốt, thích ứng rộng, chất lượng tốt (Trung tâm Khảo nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón quốc gia, 2009)[ 27]
Đến nay đã có 2 giống được công nhận sản xuất thử là giống NL1 (giống lai đơn) và giống LSB4 (lai không quy ước) và giống VN6 đã được công nhận chính thức (Lê Quý Kha, 2009)[5]