GIẢI PHÁP TÍN DỤNG ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG
3.3.2. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định tín dụng
Thẩm định là khâu đầu tiên trong toàn bộ quá trình cho vay, nếu thẩm định chính xác Ngân hàng sẽ có một khoản tín dụng an toàn, và nếu khâu thẩm định không chính xác Ngân hàng sẽ gặp rủi ro khi cho vay. Nhất là đối với các DNNVV chưa có nhiều uy tín, khả năng tài chính còn nhiều hạn chế.
Chi nhánh cần phải nâng cao quá trình thu thập, xử lý thông tin về khách hàng, đối tượng vay vốn trên cơ sở đó phân tích, đánh giá để có quyết định cho vay đúng. Ngân hàng yêu cầu khách hàng cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý và hồ sơ kinh tế để làm cơ sở cho việc xem xét, đánh giá năng lực pháp lý, khả năng tài chính và tính khả thi của phương án, dự án sản xuất kinh doanh của khách hàng. Tuy nhiên, nếu chỉ thu thập thông tin từ phía khách hàng thì không có độ tin cậy cao do đó Ngân hàng cần mở rộng phạm vi thu thập các nguồn khác về thông tin tín dụng nhưng phải biết chọn lọc để tránh “loãng thông tin”. Để đạt được yêu cầu đó, Ngân hàng cần chú ý một số biện pháp sau:
- Cử cán bộ có kiến thức nghiệp vụ ngân hàng, có kiến thức chuyên môn của ngành nghề, lĩnh vực mà khách hàng kinh doanh đến tận địa bàn sản xuất để thẩm định. Kết hợp với những thông tin do khách hàng cung cấp như: Báo cáo tài chính, báo cáo kết quả kinh doanh… để có thể rút ra được kết luận về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
- Ngân hàng cần có bộ phận riêng quản lý các hồ sơ, giấy tờ của khách hàng kể cả đối với khách hàng từng có quan hệ tín dụng với Ngân hàng và tạm thời không có quan hệ. Đây sẽ là nguồn thông tin quan trọng trong nhiều trường hợp cần thiết, và tiết kiệm thời gian làm lại hồ sơ khi khách hàng quay lại với Ngân hàng.
- Ngoài ra Ngân hàng cũng có thể tham khảo thông tin từ báo chí, qua mạng Internet, tăng cường mối quan hệ với các cơ quan chức năng trên địa bàn để có thêm những thông tin về đường lối, chính sách phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đồng thời Ngân hàng cũng phải quan tâm chính sách tín dụng của Ngân hàng Hội sở từ đó để xây dựng chính sách tín dụng phù hợp cho mình.
Cán bộ thẩm định của Ngân hàng cũng phải luôn nâng cao ý thức nghề nghiệp của mình, phải thực hiện đúng quy định tín dụng.
- Khi có được thông tin về khách hàng thì Ngân hàng cần phải phân tích đánh giá, để lựa chọn khách hàng cho vay. Ngoài việc đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng theo tài sản thế chấp đầy đủ hợp lệ, thì cần phải quan tâm đến uy tín của khách hàng. Để nâng cao chất lượng công tác thẩm định cần có sự phối hợp với những chuyên gia, cán bộ tư vấn về lĩnh vực: giá cả, xây dựng kỹ thuật, kiểm tra chất lượng sản phẩm… Ngân hàng nên thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo cán bộ chuyên sâu về công tác thẩm định, quy định rõ trách nhiệm quyền hạn của cán bộ tín dụng đối với từng khoản vay. Trong quá trình cho vay Ngân hàng cần tăng cường công tác kiểm tra trước, kiểm soát cả trước và sau khi cho vay đồng thời loại bỏ các giấy tờ không cần thiết.