30 nghìn tỷ của Chính phủ
3.4.2. Hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở
Ý tưởng của mô hình tiết kiệm nhà ở là huy động vốn nhàn rỗi của người dân, kêu gọi mọi người hỗ trợ nhau xây dựng nhà ở thông qua gửi tiết kiệm. Ví dụ có 10 người muốn xây hoặc mua nhà nhưng không có vốn riêng và họ phải tiết kiệm để có căn nhà của riêng mình. Nếu mỗi năm tiết kiệm được 1/10 số tiền cần thiết thì phải 10 năm mỗi cá nhân mới tích lũy đủ số vốn cần thiết. Nhưng nếu cả 10 người cùng gom tiết kiệm chung một quỹ thì chỉ sau 1 năm, người đầu tiên đã có đủ tiền xây hoặc mua nhà nhờ sử dụng khoản tiết kiệm của 9 người kia. Bằng cách đó, cả 10 người đều đạt được mục đích và trung bình thời gian được rút ngắn 4 - 5 năm so với trường hợp mỗi người chỉ tiết kiệm cho mình.
Tiết kiệm nhà ở, mô hình này cấp vốn cho dự án nhà ở. Nó hoạt động khép kín từ tiết kiệm đến cho vay, nhờ đó không chịu tác động của thị trường vốn do không phụ thuộc vào hoạt động tái cấp vốn từ thị trường tài chính. Cũng nhờ đó, tiết kiệm nhà ở có thể tồn tại cả trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế và khách
hàng thực sự được hưởng lợi trên nhiều phương diện. Thứ nhất, các hộ thường khó được chấp nhận vay tín dụng ngân hàng hoặc nếu được thì lãi suất cao. Còn ngân hàng thì khó kiểm tra liệu khách hàng có đủ khả năng hoàn trả khoản vay không. Tiết kiệm nhà ở có thể giải quyết vấn đề này, vì uy tín của người tham gia thể hiện qua việc đều đặn chi trả các khoản tiết kiệm theo quy định. Thứ hai, lãi tiết kiệm và lãi vay được ấn định trong suốt thời hạn hợp đồng, thường thấp hơn lãi thị trường, vì vậy người tham gia không phải chịu rủi ro lãi suất, trong khi lãi suất tín dụng có thể biến động bất thường do phụ thuộc vào thị trường vốn. Thứ ba, ngân hàng tiết kiệm chỉ được đầu tư vào trái phiếu tín nhiệm cao, không được tham gia đầu cơ trên thị trường quốc tế, cũng không đặt mục đích kinh doanh với tiền huy động từ tiết kiệm nhà ở của người dân, do đó không chịu rủi ro về tiền tệ. Thông qua tiết kiệm nhà ở, việc sở hữu nhà cá nhân liên tục phát triển, nhờ đó ngành xây dựng cũng phát triển bền vững. Ngay cả trong giai đoạn lãi suất vay thị trường tăng cao, tiền vẫn được rót vào xây dựng nhà ở, giúp giảm khủng hoảng, bảo đảm việc làm cho người lao động.
Bộ Xây dựng khẳng định mô hình này hoàn toàn khả thi với Việt Nam, phù hợp với chính sách an sinh xã hội, hướng tới mục tiêu người nghèo, người thu nhập thấp, người làm công hưởng lương có nhà ở. Thậm chí, Bộ Xây dựng còn kỳ vọng, mô hình tiết kiệm nhà ở sẽ góp phần kiểm soát hoạt động đầu cơ trên thị trường nhà ở dựa vào nguồn vốn tín dụng, vốn đã gây ra các đợt biến động bất thường về lãi suất và giá cả trong thời gian qua. Tuy nhiên, một số chuyên gia bày tỏ lo ngại, người thu nhập thấp Việt Nam khó có đủ tiền tham gia mô hình này.
Trong thời điểm thị trường bất động sản đang gặp khó khăn kéo dài như hiện nay, việc thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở được dư luận đánh giá với nhiều điểm tích cực, đây có thể là dòng vốn bền vững cho thị trường bất động sản, là giải pháp cho những người nghèo, thu nhập trung bình trở xuống có điều kiện tiếp cận được nhà ở. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định: Vốn đầu tư cho nhà ở rất lớn, ngay ở các nước phát triển cũng không thể bao cấp nhà ở cho dân được. Điều kiện Việt Nam càng không đủ sức, nhưng Nhà nước hỗ trợ cho việc tạo lập quỹ nhà. Việc thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở rất cần thiết, tạo động lực cho thị trường bất động sản phát triển mạnh hơn, giảm sự lệ thuộc nguồn vốn vào các kênh khác… Thứ trưởng phân tích: “Quỹ tiết kiệm sẽ giải quyết được vấn đề vốn dài hạn trên cơ sở lấy số đông giúp số ít, xã hội hóa việc phát triển nhà ở. Thay vì phải sử dụng vốn ngân sách thì sử dụng vốn nhàn rỗi, tiết kiệm của người dân. Với hơn 9 triệu lao động đang hưởng lương, nếu mỗi
người đóng 1% tiền lương mỗi tháng, mỗi năm quỹ sẽ có không dưới 10 nghìn tỷ đồng. Số tiền này sẽ góp phần đáng kể giải quyết khó khăn về nhà ở cho người dân”.