5. Các điểm mới của đề tài
1.5.1. Đất và dinh dưỡng
Ở nước ta, theo Trần Thế Tục (1995) [44] và một số tác giả cho rằng cây bưởi có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau như: đất thịt nặng ở đồng bằng, đất phù sa châu thổ, đất đồi núi, đất phù sa cổ, đất thịt nhẹ đất cát pha, đất bạc màu... Tuy nhiên nếu trồng bưởi trên đất xấu, nghèo dinh dưỡng cần phải đầu tư thâm canh cao, hiệu quả kinh tế sẽ tốt hơn [3], [45]. Cây bưởi có thể trồng được trên đất có độ pH từ 4 - 8 nhưng thích hợp nhất là từ 5,5 - 6, điện thế oxy hóa khử Eh > 300mV. Ở độ pH này các nguyên tố khoáng cần thiết cho cây bưởi phần lớn ở dạng dễ tiêu, nếu là đất chua nhất thiết phải bón vôi để nâng cao độ pH cho đất. Đất trồng bưởi cần có độ thoáng cao, nồng độ oxy phải lớn hơn 4% cây mới sinh trưởng và phát triển bình thường, nếu hàm lượng oxy nhỏ hơn 2% cây sẽ ngừng sinh trưởng. Nếu chúng ta đánh giá mức độ thích nghi của đất đối với bưởi thì đất phù sa cổ là tốt nhất, sau đó đến đất phù sa mới bồi hàng năm, đất bazan, đất dốc tụ và đất đá phiến sét. Không nên trồng bưởi trên đất thịt nặng, đất có tầng canh tác mỏng, đất đá ong và đá lộ đầu hoặc những nơi có mực nước ngầm cao mà không thể thoát được nước [3, 23].
Dinh dưỡng: để phát triển tốt bưởi cũng như cam, quýt cần được cung cấp đầy đủ và cân đối các nguyên tố dinh dưỡng đa lượng N, P, K cũng như các nguyên tố vi lượng Cu, Mg, B.
- Đạm: là nguyên tố có vai trò quyết định đối với năng suất và phẩm chất quả. Đạm xúc tiến sự phát triển thân cành lá, thúc đẩy việc hình thành lộc mới trong năm. Nhiều đạm quá mức có ảnh hưởng xấu đến chất lượng quả: Quả to, vỏ dày, phẩm chất kém, quả lên mã chậm, màu sắc quả đậm hơn bình thường, hàm lượng vitamin C trong quả giảm. Thiếu đạm, lá mất diệp lục ngả sang màu vàng, nhánh quả nhỏ mảnh, lá bị rụng, nhánh dễ chết khô, quả nhỏ, vỏ mỏng, năng suất cây giảm. Ở nước ta cây hấp thu đạm quanh năm nhưng mạnh nhất là vào những tháng trời ấm từ tháng 2 đến tháng 12 [39], [43], [45], [47].
- Lân: rất cần cho quá trình phân hoá mầm hoa. Thiếu lân cành lá sinh trưởng kém, lá rụng nhiều, rễ không phát triển được. Lân có tác dụng làm giảm hàm lượng axit trong quả, nâng cao tỷ lệ đường, axit làm cho hương vị quả thơm ngon, giảm hàm lượng vitamin C, vỏ quả mỏng, trơn, lõi quả chặt không rỗng, màu sắc quả hơi kém nhưng chuyển mã nhanh [41], [47], [49].
- Kali: rất cần cho bưởi, cam, quýt khi cây ra lộc non và vào thời kỳ quả phát triển mạnh. Kali có ảnh hưởng lớn đến năng suất và phẩm chất quả. Cây được bón đủ kali quả to, ngọt, chóng chín, chịu đựng cao trong khi cất giữ và vận chuyển. Tuy nhiên nếu thừa kali trong lá, trong cây thì cành lá sinh trưởng kém, đốt ngắn, cây không lớn được. Trong đất nếu có nhiều kali sẽ ngăn trở quá trình hấp thu Ca, Mg làm cho quả tuy to nhưng mẫu mã xấu, vỏ dày, thịt quả thô [40], [43].
- Magiê: có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cây có múi. Các nguyên tố vi lượng khác nhau B, Fe, Cu, Zn, Mn ít nhiều đều có ảnh hưởng đến năng suất và phẩm chất quả. Tuỳ thuộc vào loại đất, mức độ thiếu hụt của các nguyên tố vi lượng nói trên mà mức độ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng quả nhiều hay ít. Bón đầy đủ phân chuồng và phân hữu cơ có thể khắc phục được tình trạng thiếu các nguyên tố vi lượng trong đất [5], [6], [40].