- Chính sách, pháp luật còn có những điểm bất cập, nhất là các quy định về đất đai và một số quy định về nhà ở, về khiếu nại tố cáo…
+ Trong lĩnh vực đất đai, bất cập và vướng mắc nhiều nhất là các quy định về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất. Mặc dù, những năm gần đây, chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho người bị thu hồi đất, tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết được các vụ việc mới nhưng lại phát sinh một số trường hợp bị thu hồi những năm trước so bì, khiếu nại. Một số vụ việc liên quan đến quá trình
60
thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước qua các thời kỳ, công dân khiếu nại kéo dài nhiều năm nhưng rất khó áp dụng pháp luật để giải quyết. Hơn nữa, những quy định về quản lý đất đai qua các thời kỳ chưa đồng bộ, có nhiều thay đổi. Pháp luật điều chỉnh về đất đai được thể hiện ở nhiều văn bản khác nhau (Luật Đất đai, trên 20 Luật khác và trên 20 văn bản của Chính phủ có nội dung điều chỉnh liên quan đến đất đai). Thêm vào đó, công tác kiểm tra việc ban hành văn bản của địa phương chưa được thực hiện thường xuyên, còn tình trạng ban hành chồng chéo, chưa kịp thời, không thống nhất.
+ Bất cập trong các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo: “theo quy định của tại Điều 7, Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 về Quy trình giải quyết khiếu nại và Khoản 3, Điều 9, Thông tư số 06/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 về Quy trình giải quyết tố cáo thì người có thẩm quyền giải quyết có thể giao cho cơ quan chuyên môn trực thuộc (thực tế thường khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực quản lý của bộ phận nào thì bộ phận đó tham mưu), quy định như vậy có thể nhằm sát với chuyên môn, chuyên ngành nhưng trên thực tế không loại trừ được tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” do tính bảo thủ, nội bộ, tiêu cực khác. Trên thực tế thì những cán bộ này chỉ quan tâm đến nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực mình mà ít hoặc không quan tâm đến trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quy trình từ tiếp nhận đơn thư đến ra kết quả giải quyết mất rất nhiều thời gian, nhiều thủ tục vì vậy nhiều vụ việc giải quyết chậm so với Luật định, thực tế nếu tiến hành thanh tra, kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về mặt thời hạn giải quyết thì nhiều trường hợp sẽ vi phạm thời hạn giải quyết, kể cả nhiều trường hợp có gia hạn thời gian xác minh. Bên cạnh đó tình trạng khi nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo nhiều cơ quan chuyển vòng vo vẫn diễn ra nhiều, dẫn đến nhiều đơn thư của người khiếu kiện không được cấp nào, cơ quan nào giải quyết kịp thời, thậm chí “bặt vô âm tín” làm cho đơn khiếu nại, tố cáo gửi vượt cấp và tính chất phức tạp thêm nhiều” [47].
Luật Tố cáo năm 2011 không quy định về thời hiệu tố cáo. Thực tế có nhiều tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật đã diễn ra từ lâu, không còn tính nguy hiểm cho xã hội nhưng cơ quan nhà nước vẫn thụ lý và xem xét, giải quyết nhằm khuyến khích công dân tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật và phát hiện kịp thời các vi phạm, tuy nhiên mặt trái lại gây tốn kém, lãng phí về thời gian, công sức. Việc người tố cáo không nêu rõ thông tin thật về họ tên, địa chỉ thường thể hiện dưới hai dạng chủ yếu là không đề tên, địa chỉ hoặc
61
mạo tên, mạo danh, mạo địa chỉ của người khác để thực hiện việc tố cáo. Đây là vấn đề phức tạp và ít nhiều đã gây khó khăn cho việc giải quyết tố cáo của các cơ quan có thẩm quyền.