0
Tải bản đầy đủ (.doc) (54 trang)

Những tồn tại và thách thức:

Một phần của tài liệu QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 (Trang 25 -25 )

D. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2006-2010,

2. Những tồn tại và thách thức:

- Các cơ sở y tế dự phòng: Mặc dù đạt nhiều thành tựu quan trọng, thay đổi mô hình bệnh tật, bảo vệ hàng chục triệu người khỏi các bệnh dịch nguy hiểm, công tác y tế dự phòng ở nước ta vẫn còn có nhiều khó khăn:

Về nhận thức, hiện nay y tế dự phòng chưa được quan tâm thích đáng của xã hội, đôi khi còn được coi là lĩnh vực của riêng ngành y tế. Tổ chức y tế dự

phòng tuyến tỉnh/thành phố bị chia tách nhiều đầu mối dẫn tới thiếu nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đầu tư dàn trải. Nhiều chính sách, quy hoạch và phát triển kinh tế xã hội chưa chú trọng, đề cập đầy đủ những vấn đề liên quan tới công tác y tế dự phòng. Đội ngũ cán bộ y tế dự phòng còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao, số cán bộ được đào tạo chuyên ngành y tế dự phòng còn ít. Đầu tư cho hệ thống y tế dự phòng còn thấp, trong khi nhu cầu thực tế rất cần có sự ưu tiên kinh phí cho lĩnh vực này. Trong vòng 10 năm gần đây, ngân sách cho y tế dự phòng, năm thấp nhất là 11,3%, năm cao nhất là 25,7%. Tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều bệnh truyền nhiễm gây dịch có nguy cơ bùng phát trở lại như lao, sốt xuất huyết, sốt rét, viêm não do vi rút. Bên cạnh đó xuất hiện những bệnh mới khó xác định, khó điều trị, có nguy cơ bùng phát thành đại dịch như SARS, Cúm A(H5N1). Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, đặc biệt là ô nhiễm do quản lý và sử dụng hoá chất, các chất thải trong sinh hoạt, sản xuất, bệnh viện chưa được xử lý tốt.

Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hiện nay chưa thực sự đi vào nề nếp, nhất là khâu thanh tra, kiểm tra chưa đáp ứng được yêu cầu, còn để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt. Công tác kiểm định mỹ phẩm còn nhiều bất cập.

- Các cơ sở khám chữa bệnh: Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập và yếu kém, các bệnh viện phân bổ còn chưa đồng đều giữa các vùng, nhất là các bệnh viện chuyên khoa sâu. Tỷ lệ giường bệnh trên dân số nhìn chung còn thấp, hầu hết các bệnh viện đều có công suất sử dụng giường bệnh cao.

Phân bố giường bệnh chưa cân đối giữa các vùng, miền đặc biệt tỷ trọng giường tuyến cuối thấp, bệnh nhân dồn về các bệnh viện lớn ở thành phố và các bệnh viện Trung ương, dẫn đến hiện tượng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối. Điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các bệnh viện đã và đang được cải thiện, nhưng còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, xử lý chất thải y tế. Cơ sở nhà cửa của nhiều bệnh viện đã quá xuống cấp, hết thời hạn sử dụng nhiều năm. Về kỹ thuật, các bệnh viện đã giải quyết cơ bản việc khám chữa bệnh và đã từng bước phát triển chuyên sâu, nhưng còn chưa toàn diện, chưa đồng đều giữa các chuyên khoa, chuyên ngành, chưa cân đối giữa các vùng, chưa có nhiều bệnh viện hiện đại ngang tầm các nước trong khu vực. Nhìn chung mạng lưới bệnh viện đang đứng trước thách thức về yêu cầu phục vụ ngày càng tăng, đòi hỏi chất lượng ngày càng cao của người dân, nhưng điều kiện phục vụ còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhiều so với nhu cầu. Cơ chế tài chính và quản lý bệnh viện còn những vấn đề đáng quan tâm.

- Cung ứng dịch vụ dân số - Kế hoạch hoá gia đình và chăm sóc sức khoẻ sinh sản: Quy mô dân số không ngừng tăng đã tạo áp lực lớn cho ngành y tế trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân; Trong khi con người

ngày càng phải đối mặt với môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, nhiều dịch bệnh nguy hiểm xuất hiện với diện tích ở ngày càng thu hẹp, do mật độ dân số ngày càng gia tăng. Nguy cơ mức sinh cao có thể tăng trở lại ở nhiều địa phương, chất lượng dân số còn thấp, mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh có xu hướng gia tăng. Chất lượng các dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em còn nhiều hạn chế, còn sự khác biệt về tình trạng sức khoẻ bà mẹ trẻ em giữa vùng, miền và các nhóm dân cư.

- Nhân lực y tế: Nguồn nhân lực ngành y tế còn thiếu, mất cân đối về cơ cấu, phân bổ không đồng đều, các tỉnh Miền núi, Tây Nguyên, một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thiếu cán bộ kỹ thuật chuyên môn giỏi. Nguồn đào tạo bổ sung thay thế còn chưa đáp ứng nhu cầu. Tuy số cán bộ y tế tăng hàng năm là khá rõ ràng, nhưng khi so với mức tăng dân số vẫn không theo kịp, làm cho tỷ số cán bộ y tế/10.000 dân vào năm 2007 vẫn thấp hơn khá nhiều so với thời gian cách đây hơn 20 năm (năm 2007 cán bộ y tế/10.000 dân là 32,6, năm 1986 là 43,1) Như vậy có thể nói nhân lực y tế hiện đang thiếu về số lượng cho dù, số bác sỹ và dược sỹ đại học tính theo dân số vẫn tăng liên tục từ 1986 đến nay. Tỷ trọng giữa Bác sỹ và y tá điều dưỡng còn chưa hợp lý (mới đạt 1/1,8) trong khi cần có tỷ số phù hợp là 1/3 .

Chất lượng nhân lực y tế còn hạn chế, không tương xứng với nhu cầu nhân lực trình độ cao để làm chủ các kỹ thuật mới. Năng lực thực hành của sinh viên sau khi ra trường khá hạn chế do quá trình học không được thực hành nhiều như trước đây, cho dù thầy giỏi hơn, máy móc thiết bị phục vụ học tập hiện đại hơn cùng với mức sống của sinh viên khá hơn trước.

-Thông tin y tế: Hệ thống thông tin y tế chưa được quan tâm đúng mức, số liệu thống kê còn chậm chưa cập nhật thường xuyên, chất lượng thông tin chưa tốt, khả năng tổng hợp, phân tích và sử dụng số liệu thống kê trong lập kế hoạch, phân tích chính sách, theo dõi và đánh giá còn yếu. Một số chỉ số để theo dõi các mục tiêu thiên niên kỷ liên quan đến y tế, giới, còn thiếu hoặc thiếu tính so sánh quốc tế. Đối với hệ thống y tế tư nhân, y tế các Bộ, ngành chưa cặp nhật dẫn đến tình trạng thiếu số liệu phân tích đánh giá.

- Thuốc, vắc xin, sinh phẩm: Mặc dù chính sách quốc gia về thuốc đã được triển khai qua 2 giai đoạn, song đến nay vẫn chưa có sự hướng dẫn thống nhất từ Bộ Y tế về việc tổ chức và thành lập Ban chỉ đạo cũng như các bước triển khai thực hiện Chính sách quốc gia về thuốc ở các địa phương. Đội ngũ cán bộ dược vẫn còn rất thiếu và yếu cả trong lĩnh vực quản lý cũng như hoạt động chuyên môn, đặc biệt ở các tỉnh miền núi. Hiện nay tính chung trên phạm vi cả nước chỉ mới có 1,76 dược sỹ/100.000 dân, ở các địa phương không chỉ thiếu cán bộ dược trình độ cao mà còn thiếu cả dược tá ở các trạm y tế. Trong khi đó vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho công tác dược còn gặp nhiều khó khăn, cơ

chế điều động và sử dụng cán bộ chưa phù hợp, chưa có chính sách thu hút cán bộ dược vào làm việc trong các cơ quan nhà nước.

- Trang thiết bị y tế: Quan trọng nhất hiện nay là nguồn nhân lực trong lĩnh vực trang thiết bị y tế, đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên trách công tác bảo dưỡng và sửa chữa TTB y tế còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Ngành sản xuất TTB vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phụ tùng thay thế. Ngân sách nhà nước hiện nay dành cho bảo dưỡng, sửa chữa còn thấp so với nhu cầu. Gánh nặng chi phí bảo dưỡng sẽ tăng lên nhanh với việc thực hiện các đề án xây dựng và trang bị cho các bệnh viện chuyên sâu, bệnh viện tỉnh và bệnh viện huyện trong những năm sắp tới.

Hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực TTBYT còn hạn chế. Công suất sử dụng TTB y tế chưa cao, một phần vì dân không có khả năng chi trả sử dụng dịch vụ, một phần vì đầu tư vượt quá nhu cầu hoặc chưa đồng bộ, tổ chức sử dụng chưa hiệu quả và một phần vì TTB hư hỏng, thiếu kinh phí và cán bộ kỹ thuật.

- Tài chính y tế: Lĩnh vực tài chính y tế còn một số vấn đề đáng quan tâm; Mặc dù tỷ lệ chi tiêu công cho y tế trong thời gian gần đây đã tăng lên, nhưng vẫn thấp so với nhu cầu (dưới 50%). Ngân sách nhà nước đầu tư cho y tế chưa đáp ứng được các yêu cầu đầu tư phát triển ngành y tế. Tỷ lệ chi tiền túi hộ gia đình vẫn cao (52%). Chi từ quỹ bảo hiểm y tế cho y tế rất thấp, mới chiếm tỷ lệ 17,6% tổng chi y tế năm 2008.

Cơ chế phân bổ Ngân sách nhà nước cho các cơ sở y tế chưa tạo động cơ dể tăng tính hiệu quả. Ngân sách nhà nước cho y tế được phân bổ chủ yếu theo giường bệnh, dân số hoặc số lượng cán bộ y tế chưa tính đến kết quả đầu ra và chất lượng dịch vụ đã cung cấp. Chi ngân sách nhà nước cho y tế chủ yếu là chi thường xuyên, chi đầu tư còn thấp, khó cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở y tế công lập. Ở các bệnh viện, phương thức chi trả “phí theo dịch vụ” đang bộc lộ nhiều bất cập, tạo điều kiện cho xu hướng lạm dụng xét nghiệm, thuốc từ phía cơ sở cung ứng dịch vụ. Bộ Y tế và Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thử nghiệm và xây dựng phương thức chi trả mới, như thanh toán định suất, chi trả theo trường hợp bệnh.

- Chính sách chế độ đối với cán bộ y tế tuy đã được Đảng, Nhà nước quan tâm trong những năm gần đây, tuy nhiên vẫn chưa được cải thiện, nhiều chính sách, chế độ đối với cán bộ, nhất là cán bộ y tế cơ sở chưa được thực hiện một cách đầy đủ, nhiều địa phương còn nợ đọng tiền trực, phụ cấp độc hại. Nhiều nơi chưa thực hiện việc trả phụ cấp cho nhân viên y tế thôn bản nên các hoạt động y tế tại cộng đồng kém hiệu quả. Chế độ lương còn bất hợp lý đối với cán bộ y tế.

- Quan hệ quốc tế: Trong nhiều năm qua ngành y tế đã mở rộng mối quan hệ hợp tác y tế với các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức Phi Chính phủ các

đối tác nước ngoài và các trung tâm khoa học quốc tế lớn, nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, khoa học kỹ thuật, công nghệ và đào tạo cán bộ tạo điều kiện cho cán bộ ngành y tế có nhiều cơ hội tiếp cận với khoa học tiên tiến của thế giới. Bên cạnh đó, ngành y tế còn nhận được sự giúp đỡ về cơ sở vật chất, chuyển giao công nghệ kỹ thuật, mở rộng đầu tư từ nước ngoài thông qua các hình thức liên doanh, liên kết nhằm phục vụ sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, xây dựng và phát triển ngành y tế. Tuy nhiên, do chúng ta chưa đủ năng lực trong quản lý, thiếu những kiến thức về luật pháp quốc tế, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế …nên còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế trong việc hợp tác, liên doanh với nước ngoài.

Phần thứ tư:

CÁC DỰ BÁO PHÁT TRIỂN1. Dự báo quy mô phát triển dân số: 1. Dự báo quy mô phát triển dân số:

Dân số trẻ em trong độ tuổi từ 0 đến 15 năm 2010 là 24.931 nghìn, trong đó nam là 12.253 nghìn và nữ là 12.677 người. Dự báo đến năm 2020 số trẻ em chiếm khoảng 30% so với tổng dân số và cơ cấu trẻ em ở mỗi nhóm tuổi cũng có sự thay đổi. Dân số trẻ em ở các nhóm tuổi từ 0 – 10 được dự báo đến năm 2020 đều có xu hướng tăng, dân số nhóm 0 tuổi dự báo là 1,51 triệu, 1 tuổi là 1,52 triệu, từ 0-4 tuổi là 7,61 triệu, nhóm 3-5 tuổi là 4,6 triệu, nhóm 6 tuổi là 1,51 và nhóm 6-10 là 7,5 triệu. Tuy nhiên nhóm dân số từ 11-14 và 15 tuổi lại có xu hướng giảm, tương ứng là 5,8 triệu và 1,4 triệu. Đây được xem là kết quả của quá trình giảm sinh giai đoạn trước đó. Xu hướng dân số trẻ em theo vùng đến năm 2020 cho thấy nhóm tuổi từ 0-4 ở Đồng bằng sông Cửu Long có số lượng lớn nhất (1,47 triệu người), vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ dự báo số trẻ em dao động trong khoảng 1,1 – 1,2 triệu người, thấp nhất là Tây Bắc. Các nhóm tuổi từ 3-5, 6-10 tuổi và 11-15 tuổi đều được dự đoán có xu hướng tăng tương tự. Nhìn chung Đồng bằng Sông Cửu Long ở tất cả các nhóm tuổi đều có số lượng trẻ em cao hơn các vùng khác, cao nhất ở nhóm 6-10 tuổi (1,53 triệu người) và số này cao hơn khá nhiều so với vùng có số lượng lớn thứ hai là Đồng bằng sông Hồng (1,2 triệu người). Số lượng trẻ em dự báo ở các vùng sẽ là cơ sở để xây dựng các chương trình về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cho phù hợp với từng vùng cũng như trên toàn quốc.

Dự báo trong 10 năm tới dân số Việt nam tiếp tục gia tăng (khoảng 98 triệu người), đặc biệt là xu hướng già hoá dân số Theo số liệu của Tổng cục Thống kê: Tỷ lệ dân số cao tuổi Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn được gọi là “thời kỳ già hóa dân số” sau năm 2017 và trong 2 thập kỷ tiếp theo sẽ bước vào giai đoạn “dân số già”.

Ở Việt Nam, hầu hết người cao tuổi đều sống ở nông thôn với 81,2% và 18,8% sống ở thành thị, trong đó, chỉ 16 - 17% người cao tuổi có lương hưu và được trợ cấp rất ít. Đặc biệt, một cuộc điều tra sức khỏe người cao tuổi mới đây cho thấy có tới 95% người già có bệnh tật. Khoảng 55% người mắc bệnh kinh niên mãn tính, đau ốm thường xuyên. Người già có sức khỏe khá và tốt chỉ chiếm 5,7%. Số người có sức khỏe kém là 22,9%.

Tốc độ đô thị hoá nhanh kéo theo sự gia tăng dân số các vùng đô thị, tạo ra sức ép đối với hệ thống cơ sở hạ tầng như giao thông, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, rác thải, vệ sinh môi trường, gia tăng tai nạn lao động và nhất là tai nạn giao thông.

Một phần của tài liệu QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 (Trang 25 -25 )

×