3.2.1.1. Lập kế hoạch kinh doanh dài hạn và điều hành kế hoạch kinh doanh
a. Cơ sở đề xuất:
Trên cơ sở tổng qua lý luận và thực tiễn từ trước đến nay, Công ty Điện lực Hưng Yên chưa lập kế hoạch kinh doanh dài hạn, hoạt động sản xuất kinh doanh điện năng nhiều thời điểm chưa đi đúng hướng, sự lúng túng cho điều hành kế hoạch đã diễn ra, sự huy động các nguồn lực để thực hiện mục tiêu đề ra chưa triệt để.
Trước tình hình đó, để nâng cao hiệu quả kinh doanh Công ty Điện lực Hưng Yên cần lập kế hoạch kinh doanh dài hạn và điều hành tốt kế hoạch kinh doanh của Công ty.
b. Nội dung:
Để làm tốt công tác lập kế hoạch kinh doanh dài hạn và điều hành kế hoạch kinh doanh Công ty Điện lực Hưng Yên cần phải:
- Lập kế hoạch dài hạn phải dựa trên cơ sở quy hoạch, định hướng phát triển của nhà nước, đảm bảo tính đồng bộ và suyên suốt.
- Trên cơ sở số liệu kinh doanh các năm trước các Điện lực huyện phải phân tích kết hợp với định hướng phát triển của địa phương để dự báo nhu cầu điện năng của khách hàng từ đó lập kế hoạch kinh doanh của Điện lực huyện các năm sau trình Công ty Điện lực Hưng Yên phê duyệt. Công ty căn cứ vào số liệu kinh doanh tổng thể các năm trước và kế hoạch chi tiết của các Điện lực huyện để xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp.
- Xem sét, tính toán lại các định mức kinh tế-kỹ thuật đang sử dụng có phù hợp với hiện tại không gồm các định mức về chi phí, định mức lao động, định mức vật tư,… để điều chỉnh hoặc thay thế các định mức kinh tế-kỹ thuật cũ bằng các định mức thích hợp hơn với hiện tại và tương lai.
- Khi xây dựng các kế hoạch phải đảm báo tính hệ thống, toàn diện trong đó trọng tâm là kế hoạch về điện thương phẩm và xoay quanh đó là các kế hoạch tổn thất, giá bán để xây dựng nên các kế hoạch về tài chính, đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn, lao động tiền lương, vật tư,…
- Để công tác điều hành thực hiện kế hoạch có hiệu quả cần tăng cường kiểm tra, đốn đốc nhằm phát hiện những thiếu sót, không phù hợp của kế hoạch và những thay đổi không thể tính toán hết của môi trường để có những điều chỉnh cho phù hợp nhằm đảm bảo đầu ra (kết quả) phù hợp với những yếu tố đầu vào.
- Tổ chức đánh giá, sơ kết, tổng kết thực hiện kế hoạch từng giai đoạn theo tháng, quý, 6 tháng đầu năm, 6 tháng cuối năm, cả năm để tìm các nguyên nhân tồn tại, đánh kết quả đạt được nhằm rút ra các bài học kinh nghiệm làm cơ sở cho công tác lập kế hoạch các kỳ tiếp theo.
c. Điều kiện thực hiện:
Lập kế hoạch kinh doanh dài hạn là việc Công ty Điện lực Hưng Yên hoàn toàn tự chủ và cần phải làm ngày, do đây là công việc chưa từng được thực hiện tại Công ty nên Công ty cần phải dự trù kinh phí có thể thêm chi phí cho thuê chuyên gia tư vấn.
Khi thực thiện tốt công tác lập kế hoạch kinh doanh dài hạn và điều hành kế hoạch phù hợp với từng giai đoạn nhất định sẽ đảm bảo Công ty Điện lực Hưng Yên hoạt động đúng hướng, hạn chế rủi ro, tân dụng được tối đa các nguồn lực từ đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh.
3.2.1.2. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp
a. Cơ sở đề xuất:
Cơ sở vật chất và trang thiết bị là “phần xác” của doanh nghiệp, còn văn hóa doanh nghiệp là “phần hồn” của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô hình của doanh nghiệp, góp phần tạo nên sức mạnh lớn lao của doanh nghiệp.
Văn hóa là một công cụ quan trọng và không thể thiếu trong quản lý điều hành, bất kể đó là quản lý điều hành một quốc gia, một xã hội, một doanh nghiệp hay một cơ quan … Người ta không thể quản lý điều hành tốt mà không sử dụng công cụ văn hóa. Về mặt khoa học quản trị, việc quản trị một doanh nghiệp hay quản trị một quốc gia đều có những nét tương đồng.
Người ta thường sử dụng “pháp luật” và “văn hóa xã hội” như hai công cụ quan trọng để quản lý một quốc gia. Và cũng tương tự, người ta có thể dùng “quy chế” và “văn hóa doanh nghiệp” để quản lý một doanh nghiệp”. Vậy quản lý công ty bằng quy chế và quản lý công ty bằng văn hóa khác nhau như thế nào? Hai cách quản lý này hỗ trợ và kết hợp nhau ra sao? Dùng quy chế để tạo văn hóa, và dùng văn hóa để thực thi quy chế, quản lý công ty bằng quy chế thì mọi người phải tuân theo như thế, mang tính bắt buộc, quản lý công ty bằng văn hóa thì mọi người tin và theo như thế, mang tính tự nguyện.
Một khi công ty có một văn hóa mạnh và phù hợp với mục tiêu và chiến lược dài hạn mà doanh nghiệp đã đề ra thì tạo ra niềm tự hào của nhân viên về doanh nghiệp, từ đó mọi người luôn sống, phấn đấu và chiến đấu hết mình vì mục tiêu chung của doanh nghiệp một cách tự nguyện, giúp cho Lãnh đạo dễ dàng hơn trong công việc quản lý công ty, giúp cho nhân viên thoải mái và chủ động hơn trong việc định hướng cách nghĩ và cách làm của mình, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp được xem xét trên các khía cạnh như:
chất lượng sản phẩm, chi phí, sự linh hoạt (trước phản ứng của thị trường), thời gian giao hàng,…
Để có được những lợi thế này doanh nghiệp phải có những nguồn lực như nhân lực, tài chính, công nghệ, máy móc, nguyên vật liệu, phương pháp làm việc (phương pháp 5 M: man, money, material, machine, method). Nguồn lực tài chính, máy móc, nguyên vật liệu đóng vai trò lợi thế so sánh với đối thủ cạnh tranh trước khách hàng. Nguồn nhân lực đóng vai trò tham gia toàn bộ quá trình chuyển hoá các nguồn lực khác thành sản phẩm đầu ra.
Vì vậy có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định tạo ra những lợi thế cạnh tranh như chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng, tác động đến hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào yếu tố văn hoá doanh nghiệp. Nó ảnh hưởng trực tiếp to lớn đến việc hình thành mục tiêu, chiến lược và chính sách, nó tạo ra tính định hướng có tính chất chiến lược cho bản thân doanh nghiệp, đồng thời cũng tạo thuận lợi cho việc thực hiện thành công chiến lược đã lựa chọn của doanh nghiệp.
Môi trường văn hoá của doanh nghiệp còn có ý nghĩa tác động quyết định đến tinh thần, thái độ, động cơ lao động của các thành viên và việc sử dụng đội ngũ lao động và các yếu tố khác, giúp cho doanh nghiệp trở thành một cộng đồng làm việc trên tinh thần hợp tác, tin cậy, gắn bó, thân thiện và tiến thủ. Trên cơ sở đó hình thành tâm lý chung và lòng tin vào sự thành công của doanh nghiệp. Do đó nó xây dựng một nề nếp văn hoá lành mạnh tiến bộ trong tổ chức, đảm bảo sự phát triển của mỗi cá nhân trong doanh nghiệp, thu hút nhân tài, tăng cường sự gắn bó người lao động, tạo ra khả năng phát triển bền vững, văn hoá doanh nghiệp là tài sản tinh thần của doanh nghiệp và phân biệt doanh nghiệp với các doanh nghiệp khác tạo nên bản sắc (phong thái, sắc thái, nề nếp, tập tục) của doanh nghiệp.
Văn hoá doanh nghiệp di truyền, bảo tồn cái bản sắc của doanh nghiệp qua nhiều thế hệ thành viên, tạo ra khả năng phát triển bền vững của doanh nghiệp, truyền tải ý thức, giá trị của tổ chức tới các thành viên trong tổ chức đó,văn hoá tạo
nên một cam kết chung vì mục tiêu và giá trị của tổ chức, nó lớn hơn lợi ích của từng cá nhân trong tổ chức đó, văn hoá tạo nên sự ổn định của tổ chức:
Chính vì vậy có thể nói rằng văn hoá như một chất keo kết dính các thành viên trong tổ chức, để giúp việc quản lý tổ chức bằng cách đưa ra những chuẩn mực để hướng các thành viên nên nói gì và làm gì, văn hoá tạo ra như một cơ chế khẳng định mục tiêu của tổ chức, hướng dẫn và uốn nắn những hành vi và ứng xử của các thành viên trong tổ chức. Như một nhà nghiên cứu về văn hoá tổ chức có nói rằng “văn hoá xác định luật chơi”
Do vậy có thể nói văn hoá doanh nghiệp là cơ sở để doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững.
Tại Công ty Điện lực Hưng Yên văn hoá doanh nghiệp tuy đã được quan tâm đến thể hiện qua việc ban hành bộ quy tắc ứng xử năm 2014, thực hiện quy chế dân chủ, thoả ước lao động tập thể, đối thoại người lao động định kỳ,…nhưng vẫn còn chưa đi sâu vào thực tiễn và còn nhiều tồn tại như: Năng suất lao động chưa cao do phần lớn lao động trực tiếp có tinh thần, thái độ, động cơ lao động, tinh thần hợp tác, tin cậy, gắn bó, thân thiện và tiến thủ kém; những ý kiến tham mưu cho lãnh đạo còn thiếu chất lượng và tính khả thi thấp do chưa thu hút được nhiều người tài; chất lượng phục vụ, chăm sóc khách hàng chưa cao; vẫn còn hiện tượng sách nhiễu khách hàng của một số cán bộ công nhân viên (CBCNV),…
Từ những vấn đề nêu trên Công ty Điện lực Hưng Yên cần phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
b. Nôi dung
Để văn hoá doanh nghiệp thực sự đi vào thực tiễn và tạo nên giá trị vô hình lớn cho Công ty Điện lực Hưng Yên cần thực hiện một số việc như sau:
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về văn hoá doanh nghiệp cho CBCNV của Công ty thông qua các lớp tập huấn, các chương trình hội thảo, các hoạt động cộng đồng, các hoạt động của công đoàn, đoàn thanh niên,…để CBCNV thực sự ý thức về vai trò và tầm quan trọng của văn hoá doanh nghiệp qua đó mới áp dụng vào thực tiễn và có những điều chỉnh bản thân cho phù hợp.
- Tiến hành kiểm tra, đánh giá định kỳ việc thực hiện văn hoá doanh nghiệp để có những điều chỉnh, loại bỏ hoặc bổ sung những tiêu chỉ mới phù hợp hơn. Việc này cần thực hiện kiên trì, bền bỉ vì văn hoá không phải tự nhiên mà có nó phải có quá trình và bồi đắp thường xuyên.
- Song song với việc tuyên truyền, bồi huấn, đánh giá áp dụng văn hoá doanh nghiệp của CBCNV phải lưu ý đến văn hoá doanh nghiệp của người quản lý, lãnh đạo để tạo ra hình mẫu và sức lan toả sâu rộng.
c. Điều kiện thực hiện:
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là việc làm mà Công ty Điện lực Hưng Yên hoàn toàn tự chủ về con người và gần như không tốn về kinh phí do vậy cần bắt tay vào làm ngay và kiên trì theo từng bước, từng giai đoạn đã đề ra.
d. Dự kiến hiệu quả mang lại:
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp giúp lãnh đạo Công ty Điện lực Hưng Yên quản lý dễ dàng hơn, đồng thời cũng giúp cho nhân viên chủ động, tư nguyện trong nhiệm vụ, công việc đã được giao, người lao động linh hoạt, sáng tạo phát huy hết các khả năng của mình cho Công ty. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp còn tạo nên lợi thế thương mại, nâng cao uy tín, thương hiệu của Công ty Điện lực Hưng Yên