Việt Nam bắt đầu nghiên cứu lúa lai từ năm 1985, nhưng thực sự được xúc tiến mạnh từ những năm 1990. Một số dòng bất dục đực tế bào chất, dòng phục hồi và tổ hợp lúa lai 3 dòng được nhập nội từ Trung Quốc và IRRI đã được đánh giá. Những kết quả bước đầu đã xác định được một số dòng bố mẹ và giống lúa lai thích ứng với điều kiện sinh thái và sản xuất của Việt Nam, đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao [1].
Công tác nghiên cứu và chọn tạo các giống lúa lai ở Việt Nam cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Các đơn vị nghiên cứu đã tập trung vào việc thu thập, đánh giá các dòng bất dục đực nhập nội, sử dụng các phương pháp chọn giống truyền thống như lai hữu tính, đột biến để tạo ra các dòng bất dục đực và dòng phục hồi mới phục vụ cho công tác chọn giống lúa lai. Các kết quả nghiên cứu đã xác định được các vật liệu bố mẹ tốt, thích ứng với điều kiện sinh thái Miền Bắc và có khả năng cho ưu thế lai cao như các dòng mẹ: Bo A-B, IR58025A-B, VN-01, 11S, TGMS7, TGMS11, TGMSVN1, T1s-96, 103s, TGMS3, TGMS6; các dòng bố: R3, R20, R24, RTQ5…. [13],[15],[27],[29].
Từ năm 1997 đến năm 2005 có 53 giống lúa lai trong nước được khảo nghiệm, trong đó có giống được công nhận chính thức: Việt Lai 20, HYT83, TH3-3 một số giống được công nhận tạm thời (HYT57, HYT83, TM4, HYT100, HYT92, TH3-4, HC1) và một số giống triển vọng khác. Bên cạnh việc chọn tạo các giống lúa lai trong nước, Việt Nam tích cực nhập nội các giống lúa lai nước ngoài, chọn lọc các tổ hợp lai cho năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng với điều kiện của Việt Nam để phục vụ sản xuất đại trà. Cho đền nay chúng ta đã có một bộ giống lúa lai khá đa dạng và phong phú cho vụ mùa như: Bồi Tạp Sơn Thanh, Bồi Tạp 77, Bắc Ưu 64, Bắc Ưu 253, Bắc Ưu 903, Dưu 527. Các giống cho vụ xuân: Nhịưu 63, Nhị ưu 838, Khải phong số 1, Vân quang 14.... [9],[12],[28]. Công tác nghiên cứu, chọn tạo lúa lai 2 dòng ở Việt Nam hiện nay tập trung vào một số lĩnh vực như: chọn tạo, đánh giá các đặc tính của các dòng TGMS. Tiến hành lai thử để tìm tổ hợp lai cho ưu thế lai cao, ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô trong chọn giống lúa lai hai dòng, xây dựng quy trình nhân dòng bất dục và sản xuất hạt lai F1. Một số tác giả đã có các nghiên cứu ban đầu về bản chất di truyền và khả năng phối hợp của một số vật liệu hiện có, tuy nhiên phạm vi nghiên cứu còn hạn chế.
Theo thống kê, hiện nay Việt Nam đã chọn được 20 dòng TGMS, tuy nhiên mới chỉ có một số dòng như 103s, T1s-96 đang được sử dụng rộng rãi trong việc chọn tạo các tổ hợp lúa lai 2 dòng mới. Các dòng này cho con lai ngắn ngày, chất lượng gạo khá tốt, đặc biệt dễ sản xuất hạt lai nên năng suất hạt lai cao, giá thành hạ có khả năng cạnh tranh được với lúa lai của Trung Quốc (Phạm Đồng Quảng, 2006) [19].
Để công tác chọn tạo giống lúa lai hai dòng đạt hiệu quả tốt, cần phải có các vật liệu bố mẹ mới phù hợp với điều kiện trong nước, có đặc tính nông sinh học tốt, khả năng kết hợp cao, ổn định và dễ sản xuất hạt lai. Trên cơ sở
đó chọn tạo và đưa vào sử dụng các tổ hợp lai mới có thương hiệu riêng, cho năng suất cao và ổn định, chất lượng gạo tốt, thích ứng với điều kiện sinh thái nước ta (Nguyễn Trí Hoàn, 2003) [11].
Từ những vấn đề nêu trên chúng tôi nhận thấy việc nghiên cứu nguồn vật liệu bố mẹ và tổ hợp lúa lai hai dòng là rất cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam. Để góp phần vào mục tiêu trên, chúng tôi tiến hành đề tài : “Đánh giá và tuyển chọn một số dòng TGMS mới trong chọn giống lúa lai hai dòng.”