Rủi ro là một khái niệm có nhiều quan điểm định nghĩa khác nhau, theo Viện tiêu chuẩn Anh quốc (2002), định nghĩa rủi ro là sự kết hợp khả năng xảy ra của một sự kiện và hệ quả của nó. Trong tất cả các hoạt động luôn tiềm ẩn khả năng xảy ra các sự kiện và hệ quả. Hệ quả của rủi ro tạo thành các cơ hội có lợi (tích cực) hoặc đe dọa thành công (tiêu cực) của hoạt động. Trong lĩnh vực hoạt động đặt ra mức độ an toàn thì nhìn chung hệ quả do rủi ro tạo ra chỉ có tính bất lợi, vì vậy quản lý rủi ro trong lĩnh vực này thường tập trung vào việc phòng chống và giảm nhẹ tác hại mà rủi ro có thể gây ra. Quan điểm về rủi ro này phù hợp với quản lý thuế hiện nay.
Từ quan điểm nêu trên, có thể khái niệm rủi ro như sau:
+ Rủi ro là một sự kiện bình thường không thể tránh được trong cuộc sống hàng ngày.
+ Rủi ro là một sự kiện có thể xảy ra làm ảnh hưởng tiêu cực hoặc tích cực đến mục tiêu hoạt động của tổ chức, cá nhân.
+ Hiểu biết về rủi ro và kiểm soát rủi ro là một phần quan trọng trong cuộc sống nhằm tránh tổn thất, đạt được lợi ích và tăng thu nhập.
2.2.2. Lý thuyết về sự không chắc chắn
Theo Vũ Thành Tự Anh (2005), Sự kiện không chắc chắn là sự kiện có thể nhiều kết cục trong đó có thể tính toán được xác suất xảy ra của mỗi kết cục. Trong các tình huống may rủi (hay mạo hiểm), chúng ta có thể tính được xác suất xảy ra của các kết cục. Ngược lại, trong tình huống bất định, chúng ta không thể tính được xác suất này. Có hai hai loại xác suất: khách quan và chủ quan. Xác suất khách quan (chủ quan) là xác suất trong đó chúng ta có thể (không thể) sử dụng các phương pháp xác suất và thống kê để tính toán xác suất. Đối với xác suất chủ quan người ra quyết định phải phán đoán, và tất nhiên là các phán đoán chủ quan này phụ thuộc vào kinh nghiệm, tri thức, thông tin, khả năng phân tích và xử lý thông tin v.v. của người ra quyết định. Một hệ quả tất yếu là xác suất chủ quan thường khác nhau.
Bản tính của con người là thường ưa những gì chắc chắn và đồng thời muốn tránh những điều may rủi và bất trắc. Tuy nhiên, trong đời sống hàng ngày, chúng ta đối diện với rất nhiều tình huống ra quyết định trong đó chúng ta không biết chắc kết cục của các tình huống ấy là như thế nào. Để ra những quyết định như vậy, hiển nhiên một yêu cầu đặt ra là đo lường mức độ may rủi của các lựa chọn, và trên cơ sở đó chọn phương án có độ may rủi thấp nhất (với các điều kiện khác như nhau).
Một trong những thước đo đo lường sự hấp dẫn của trò chơi may rủi là giá trị kỳ vọng của phần thu nhập tăng thêm so với khi không tham gia trò chơi, hay một cuộc kinh doanh, hay lợi ích tăng thêm khi thoả dụng một vấn đề mong muốn. Trong lý thuyết xác suất và thống kê, giá trị trung bình này được gọi là giá trị kỳ vọng và được định nghĩa như sau:
- Giá trị kỳ vọng của một tình huống là bình quân gia quyền giá trị của các kết cục có thể xảy ra, trong đó trọng số (hay quyền số) là xác suất xảy ra của mỗi kết cục.
Công thức tính giá trị kỳ vọng: = p1X1+p2X2+p3X3+….+pn Xn
trong đó X1, X2, X3, …, Xn là các giá trị có thể (kết cục) của đại lượng ngẫu nhiên X, và p1, p2, p3, …, pn là các xác suất tương ứng.
Một ví dụ dễ nhận thấy đó là khi tham gia bảo hiểm , Một công ty bảo hiểm kinh doanh có lãi là nhờ vào 2 điều kiện quan trọng: (i) người bảo hiểm sợ và muốn tránh rủi ro và do đó chấp nhận trả một khoản phí vượt trội so với khoản phí bảo hiểm công bằng ; và (ii) có nhiều người cùng muốn mua bảo hiểm vì khi ấy quy luật số lớn phát huy tác dụng. Nếu có nhiều khách hàng thì công ty sẽ tính được xác suất một cách chính xác hơn, và nhờ đó có thể tính biểu giá bảo hiểm sao cho có lợi nhuận. Hơn nữa, khi có nhiều khách hàng, chi phí cố định phân bổ cho mỗi khách hàng cũng sẽ nhỏ hơn. Và tuỳ mỗi khách hàng, mỗi cá nhân có mức độ ghét may rủi khác nhau. Con người ta mong muốn gánh chịu rủi ro ở những mức độ khác nhau. Một số người ghét rủi ro, số khác thích mạo hiểm, và những người khác thì trung lập. Nếu một người thích có một mức thu nhập nhất định cho trước hơn là một công việc rủi ro có thu nhập kỳ vọng như nhau, thì người đó được coi là người ghét rủi ro (một người như vậy sẽ có độ thỏa dụng biên theo thu nhập giảm dần).
Ghét rủi ro là thái độ phổ biến nhất đối với rủi ro. Để thấy được mọi người trong mọi lúc đều ghét rủi ro, cần lưu ý rằng, người ta thường mua bảo hiểm để đề phòng hàng loạt các kiểu rủi ro. Và hầu hết mọi người không chỉ mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm ôtô, mà còn tìm những nghề nghiệp có đồng lương tương đối ổn định.
Như vậy, trong cuộc sống con người thường phải đối diện với những tình huống không chắc chắn (rủi ro) và trong nền kinh tế cũng như các hoạt động kinh tế cũng gắn liền với quy luật khách quan vốn có của nó, tồn tại giữa 2 vấn đề có thể xảy ra, không xảy ra, hoặc chắc chắn và không chắc chắn, rủi ro hay không rủi ro...
Lý thuyết này được áp dụng cho nghiên cứu này để có thể tính toán xác suất rủi ro trong kê khai nộp thuế có thể xảy ra của DN trên địa bàn TP.HCM.