Tính tất yếu của giao lưu hội nhập văn hoá hiện nay

Một phần của tài liệu Giá trị văn hóa truyền thống và vai trò của nó trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam thời kỳ hội nhập (Trang 48)

Giao lưu hội nhập văn hóa là một hiện tượng phổ biến của xã hội loài người, là một quy luật vận động và phát triển của văn hóa. Thông qua quá trình hội nhập văn hóa mà các dân tộc có điều kiện để học hỏi và tiếp nhận những giá trị của nhau. Chính nhờ có hội nhập văn hóa mà các nước, các khu vực chậm phát triển có cơ hội trở thành một nước phát triển trong thời gian ngắn vì kế thừa được các giá trị của các dân tộc, các khu vực phát triển.

Ngày nay, loài người đang bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, lối sống... Xu thế toàn cầu hóa là một hiện tượng mang tính tất yếu khách quan, nó xuất phát từ chính nhu cầu phát triển của nhân loại. Trong bối cảnh ngày nay, các quốc gia muốn phát triển thì không thể không tham gia vào quá trình này. Hội nhập quốc tế ngày nay đã đem lại nhiều thời cơ và thách thức cho sự phát triển của các quốc gia dân tộc. Vì thế, muốn tồn tại các quốc gia dân tộc phải chủ động tham gia vào xu thế này. Thông qua hội nhập mà họ có điều kiện để kế thừa những yếu tố tích cực và hạn chế những yếu tố tiêu cực của thế giới. Lịch sử đã cho thấy các quốc gia dân tộc nào biết tiếp thu những giá trị văn hóa, văn minh mới của nhân loại thì có sự phát triển, đồng thời những quốc gia nào đi ngược lại sẽ suy vong.

Nhận thức được xu thế phát triển ngày nay, để phát triển đất nước Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới. Trên phương diện quan hệ quốc tế, chúng ta đã khẳng định phải “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần

tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, giữ vững an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường” [13,

tr.43]. Hoạt động quan hệ quốc tế ngày nay nhằm: “Mở rộng quan hệ với các

nước và vùng lãnh thổ, các trung tâm chính trị, kinh tế quốc tế lớn, các tổ chức quốc tế và khu vực theo các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực; bình đẳng và cùng có lợi; giải quyết các bất đồng và tranh chấp bằng thương lượng hòa bình; phản đối mọi âm mưu và hành động gây sức ép, áp đặt và cường quyền” [13, tr.42-43]. Đồng

thời: “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế,

tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực” [15, tr.38].

Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với gần 200 nước trên thế giới, thiết lập quan hệ hợp tác với trên 160 nước và vùng lãnh thổ. Nhà nước đã ký hiệp định văn hóa với 38 nước và hàng chục tổ chức quốc tế, đã có trên 100 dự án về hợp tác văn hóa, trong đó có khoảng 30 dự án với các nước trong cộng đồng ASEAN [54, tr.33].

Quá trình hội nhập và giao lưu quốc tế trong lĩnh vực văn hóa là quy luật tất yếu, sự đối thoại giữa các nền văn hóa nhiều khi đóng vai trò quan trọng, thậm chí quyết định cho những cuộc đàm phán về biên giới, về lãnh thổ, về mâu thuẫn giữa các dân tộc. Hội nhập quốc tế trên lĩnh vực văn hóa cần tính đến các giá trị chung, giá trị nhân loại, đồng thời cũng thừa nhận sự khác biệt về văn hóa. Vì vậy, cần phải có cách thức để bảo vệ và phát huy nền văn hóa bản địa và văn hóa khu vực là trách nhiệm của từng dân tộc.

Sự phát triển của lực lượng sản xuất, sự gia tăng của hoạt động sản xuất, sự mở rộng của thị trường tiêu thụ hàng hóa đã dẫn đến sự hình thành các mối quan hệ quốc tế. Xu thế quốc tế hóa không chỉ diễn ra trong lĩnh vực kinh tế mà nó còn diễn ra trong tất cả các lĩnh vực như chính trị, pháp luật, văn hóa... Quốc tế hóa là quá trình phức tạp và chứa đựng nhiều mâu thuẫn và

có tính chất hai mặt, đó là nó vừa có yếu tố tích cực nhưng đồng thời cũng chứa đựng những yếu tố tiêu cực, có cả thời cơ và cũng tồn tại những thách thức. Trong lĩnh vực văn hóa, chúng ta đã thấy rõ hiện tượng này, trên thế giới hiện đang có những lực lượng muốn áp đặt hệ giá trị của mình cho các nước khác, thông qua và lợi dụng quốc tế hóa để can thiệp vào nội bộ của các nước, buộc các nước phải lệ thuộc vào mình. Quốc tế hóa là điều kiện, là tiền đề cho hội nhập văn hóa, chuyển giao công nghệ hiện đại, liên kết trí tuệ, phát triển của các quốc gia dân tộc. Nhưng đồng thời, quốc tế hóa cũng có thể đánh mất bản sắc dân tộc, đánh mất chủ quyền quốc gia.

Gắn với xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển của khoa học và công nghệ là cuộc cách mạng trên lĩnh vực thông tin đại chúng, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hội nhập văn hóa quốc tế. Sự phát triển trên lĩnh vực thông tin đại chúng một mặt chúng đem lại cho nhân loại một lượng thông tin khổng lồ và đáp ứng nhu cầu thông tin của của con người một cách nhanh nhất. Nó lôi kéo các quốc gia dân tộc và toàn nhân loại xích lại gần nhau về nhận thức, về tư duy, về thế giới tinh thần, đạo đức của con người. Nó phổ cập nhiều giá trị văn hóa, văn minh của nhân loại, kích thích sự sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng các giá trị văn hóa. Mặt khác, nó cũng tạo ra những hậu quả khôn lường, đó là xu hướng đồng nhất hóa lối sống của các quốc gia dân tộc, đặc biệt là xu thế áp đặt văn hóa, áp đặt các mô hình và giá trị trong văn hóa. Đối với Việt Nam chúng ta, các thế lực thù địch đã và đang sử dụng hệ thống truyền thông và giao lưu, hội nhập văn hóa để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” với mục đích nhằm xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn và đang xây dựng. Chống lại xu thế nhất thể hóa lối sống, áp đặt văn hóa là vấn đề giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của nhiều quốc gia dân tộc, đây là xu hướng tích cực. Bên cạnh xu hướng tích cực đó, lại xuất hiện một xu hướng tiêu cực là khuyến khích sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan, nhằm gây ra những xung đột chính trị, xung đột văn hóa, tôn giáo, nhằm

khuyến khích chủ nghĩa ly khai, hận thù dân tộc và khủng bố quốc tế... Những xu hướng ấy đều tác động đến văn hóa Việt Nam nói riêng và tác động đến đời sống xã hội nói chung. Vì thế, trên lĩnh vực văn hóa cần phải có sự định hướng cho phù hợp.

Quá trình hội nhập hóa không phải là quá trình bắt chước nước ngoài, mà nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, cũng không phải chỉ vì giữ gìn bản sắc của mình mà đóng cửa không chịu hội nhập. Quá trình hội nhập văn hóa đồng thời phải tiếp thu những tinh hoa của tri thức nhân loại để làm thêm cho mình, làm phong phú thêm giá trị văn hóa cho mình. Bởi lẽ, “một nước có truyền thống văn hóa lâu dài và bền vững khi tiếp

nhận một văn hóa khác sẽ tạo nên một sự đổi mới trong văn hóa mình chứng minh được sự hòa nhập” [38, tr.142]. Do vậy, trong quá trình hội nhập văn

hóa chúng ta phải đặt ra và thực hiện những nguyên tắc nhất định nhằm bảo vệ và phát triển giá trị văn hóa Việt Nam.

Một phần của tài liệu Giá trị văn hóa truyền thống và vai trò của nó trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam thời kỳ hội nhập (Trang 48)