tiến hành đồng thời với cải cách, sắp xếp lại hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử
Theo pháp luật hiện hành, Toà án của nước ta được tổ chức theo đơn vị hành chính: Toà án tối cao, Toà án cấp tỉnh và Toà án cấp huyện. Với quy
định tổ chức toà án thành ba cấp và trải đều trên tất cả các tỉnh của đất nước đã tạo ra thực trạng là có nơi toà án quá tải, có nơi toà án không có việc làm. Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động của Toà án còn chịu sự chi phối của cấp chính quyền tương đương và của cấp uỷ Đảng. Điều đó làm cho nguyên tắc đề cao và tuân thủ triệt để tính độc lập của Thẩm phán trong hoạt động xét xử chưa được bảo đảm tuyệt đối.
Về vấn đề này, Nghị quyết số 49-NQ/TW đã xác định: “Tổ chức hệ thống tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, theo đó tòa án sơ thẩm khu vực được tổ chức ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện; Tòa án phúc thẩm có nhiệm vụ chủ yếu là xét xử phúc thẩm và xét xử sơ thẩm một số vụ án; tòa thượng thẩm được tổ chức theo khu vực có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm; Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm” [3]
Để thực hiện định hướng cải cách trên, Tòa án nhân dân tối cao đang phối hợp với các ngành, các cấp liên quan xây dựng Đề án đổi mới, hoàn thiện hệ thống Tòa án nhân dân. Theo dự thảo Đề án, việc cải cách, sắp xếp lại hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử cần được thực hiện theo hướng thiết kế tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân thành 4 cấp: Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, tòa án phúc thẩm, tòa án thượng thẩm và Tòa án nhân dân tối cao.
- Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực được tổ chức ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện trong cùng đơn vị hành chính cấp tỉnh.
- Tòa án phúc thẩm được tổ chức theo đơn vị hành chính cấp tỉnh, có thẩm quyền theo lãnh thổ trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như Tòa án nhân dân cấp tỉnh hiện nay.
- Tòa án thượng thẩm được tổ chức theo khu vực có thẩm quyền xét xử phúc thẩm những bản án của Tòa án phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị.
- Tòa án nhân dân tối cao không quy định thẩm quyền xét xử phúc thẩm như hiện nay mà chỉ tập trung vào nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.
Phương án, giải pháp tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử như trên cũng đã được thống nhất tại Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới tổ chức hoạt động của Toà án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra theo Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, theo đó định hướng thành lập: Viện kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực; Viện kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân cấp tỉnh; Viện kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân cấp cao; Viện kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân tối cao.
Việc đổi mới, cải cách hệ thống Tòa án nhân dân nói chung, Tòa án nhân dân cấp tỉnh nói riêng tiếp tục phải bảo đảm các tiêu chí cơ bản là: tổ chức theo thẩm quyền xét xử; đảm bảo sự độc lập của Tòa án và thẩm phán, hội đồng xét xử; đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động xét xử. Tuy vậy, việc đổi mới, cải cách Tòa án theo định hướng trên cũng cần tính đến thực tế hiện nay là việc tổ chức Toà án cấp huyện, cấp tỉnh gắn với Hội đồng nhân dân cùng cấp nên cách tổ chức Toà án theo đơn vị hành chính hiện nay giải quyết được vấn đề giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp, vấn đề bổ nhiệm Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán toà án và vấn đề bầu Hội thẩm nhân dân. Vì vậy, để thiết kế mô hình tổ chức tòa án theo khu vực theo định hướng tại Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị thì cần phải giải quyết được vấn đề giám sát của Hội đồng nhân dân như thế nào; mối quan hệ của Tòa án với các cơ quan trung ương và địa phương; vấn đề bổ nhiệm Thẩm phán, Chánh án, Phó Chánh án và chế độ bầu Hội thẩm nhân dân đối với những Toà sơ thẩm khu vực được thành lập không cùng đơn vị hành chính cấp tỉnh. Bên cạnh đó, nếu tổ chức Toà thượng thẩm trong hệ thống Toà án để xét xử phúc thẩm những vụ án mà bản án và quyết định của Toà án cấp tỉnh
có kháng cáo, kháng nghị cũng cần phải tính tới cơ chế tuyển chọn Thẩm phán Toà thượng thẩm.
Cần nhanh chóng thực hiện việc tổ chức các toà án theo thẩm quyền (theo Nghị quyết 49-NQ/TW sẽ có các Toà án sơ thẩm khu vực, Toà án phúc thẩm, Toà án thượng thẩm và Toà án nhân dân tối cao) sẽ tạo ra hệ thống tòa án với những thẩm quyền khác nhau nhưng vẫn phải trên nguyên tắc 2 cấp xét xử làm chủ đạo. Tuy vậy, cần thiết kế, quy định Toà án sơ thẩm khu vực chỉ nên giới hạn trong phạm vi địa bàn một tỉnh, không nên tổ chức theo địa bàn liên tỉnh. Với mô hình Toà án như vậy, mối quan hệ giữa Toà án cấp trên và Toà án cấp dưới lúc này sẽ theo hướng chủ yếu là quan hệ tố tụng, tránh được các hiện tượng lâu nay vần còn tồn tại như thỉnh thị án, duyệt án, bàn án làm cho toà án cấp dưới hay thẩm phán bị động, giảm tính độc lập của thẩm phán và Hội thẩm.
Với định hướng tổng thể đó, cần nghiên cứu giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân cấp tỉnh hiện nay theo hướng: thành lập Tòa án phúc thẩm khu vực, được tổ chức theo địa giới hành chính lãnh thổ của một hoặc một số đơn vị hành chính cấp tỉnh- là cấp tòa án phúc thẩm, có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ án thuộc thẩm quyền và chủ yếu là xét xử phúc thẩm đối với các bản án, quyết định của Tòa án sơ thẩm khu vực bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Đối với các Toà án chuyên trách như Toà hành chính, Toà lao động, Toà dân sự, Toà hình sự, Toà Hôn nhân và gia đình... phải căn cứ vào thực tế xét xử của từng khu vực, từng cấp toà án.
Trên cơ sở chỉ đạo của Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, ngày 28/7/2010 Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Kết luận số 79-KL/TW về đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra. Theo đó, Ban chấp hành Trung ương đã khẳng định: Về tổ chức và thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp tỉnh: Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực có kháng cáo,
kháng nghị và xét xử sơ thẩm một số vụ án không thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực thuộc địa hạt của tỉnh; không thực hiện nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm. Mỗi đơn vị hành chính cấp tỉnh có một Toà án nhân dân cấp tỉnh như hiện nay, nhưng không còn Uỷ ban Thẩm phán. Như vậy, với những nội dung đã nêu tại Kết luận 79-KL/TW cho thấy: khác với Uỷ ban Thẩm phán của Toà án nhân dân cấp tỉnh là một cơ quan có nhiệm vụ chính là giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án mà bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án cấp dưới bị kháng nghị (đây là chức năng xét xử - Điều 29 Luật tổ chức Toà án nhân dân). Nay Kết luận 79-KL/TW định hướng bỏ chức năng giám đốc thẩm, tái thẩm của Toà án cấp tỉnh thì đương nhiên không cần thiết phải thành lập Uỷ ban Thẩm phán của Toà án nhân dân cấp tỉnh.