Ngày 31/12/1959, Quốc hội khoá I, kỳ họp thứ 11 đã thông qua Hiến pháp mới của Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (công bố ngày 01/01/1960) nhằm đáp ứng nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Hiến pháp 1959 đã xác định lại vị trí, chức năng của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy nhà nước, theo đó hai hệ thống cơ quan này không thuộc Hội đồng Chính phủ mà trực tiếp chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp 1959, Quốc hội đã thông qua Luật tổ chức Toà án nhân dân ngày 14/7/1960 và ngày 23/3/1961, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức của Toà án nhân dân tối cao và tổ chức của các Toà án nhân dân địa phương. Theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật nêu trên thì tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thể khái quát như sau:
- Tổ chức Toà án nhân dân được thiết kế theo theo nguyên tắc kết hợp thẩm quyền xét xử với đơn vị hành chính lãnh thổ.
- Toà án nhân dân thực hiện chế độ hai cấp xét xử. Điều này có nghĩa là Nhà nước ta rất chú trọng bảo đảm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Theo quy định thì ngoài đương sự, bị cáo, Viện kiểm sát cũng được quyền kháng nghị đối với bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật để yêu cầu Tòa án cấp trên xem xét lại theo trình tự phúc thẩm.
- Nguyên tắc bổ nhiệm Thẩm phán trong giai đoạn này cũng được thay thế bằng nguyên tắc bầu thẩm phán. Chánh án, Phó Chánh án và các Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra và bãi miễn; nhiệm kỳ của Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh là bốn năm.
- Trong tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân, pháp luật có những quy định bảo đảm tối đa sự tham gia của nhân dân, cụ thể là quy định về chế độ bầu cử các chức vụ Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán các Toà án nhân dân các cấp và thực hiện nguyên tắc xét xử của Toà án nhân dân có Hội thẩm nhân dân tham gia và chiếm đa số trong thành phần Hội đồng xét xử; Hội thẩm nhân dân tham gia có quyền ngang với Thẩm phán.
- Về mô hình tổ chức, Tòa án nhân dân cấp tỉnh là một cấp tòa án trong hệ thống Tòa án nhân dân được tổ chức từ trung ương đến địa phương phù hợp với điều kiện và đặc thù của chế độ chính trị ở nước ta. Hệ thống Toà án nhân dân bao gồm Toà án nhân dân tối cao, các Toà án nhân dân địa phương, các Toà án quân sự. Các Toà án nhân dân địa phương gồm có: Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương, Toà án nhân dân ở các khu vực tự trị. Tòa án nhân cấp tỉnh gồm có Chánh án, một hoặc nhiều Phó Chánh án và các Thẩm phán. Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân cấp tỉnh không chia thành các Toà chuyên trách mà chỉ có Uỷ ban Thẩm phán.
- Về thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp tỉnh. Pháp luật quy định Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền:
+ Sơ thẩm những vụ án hình sự không thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, huyện hoặc đơn vị hành chính tương đương và những vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của các Toà án đó, nhưng xét thấy quan trọng hoặc phức tạp, cần lấy lên để xử; Sơ thẩm những vụ án dân sự thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, huyện hoặc đơn vị hành chính tương đương, nhưng xét thấy quan trọng hoặc phức tạp, cần lấy lên để xử.
+ Phúc thẩm những bản án hoặc những quyết định sơ thẩm của Toà án nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, huyện hoặc đơn vị hành chính tương đương bị chống án hoặc bị kháng nghị; Xử lại những vụ án do Toà án mình hoặc Toà án cấp dưới đã xử mà bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nhưng Toà án nhân dân tối cao giao cho xử lại.
Ngoài việc thực hiện chức năng xét xử, Toà án nhân dân cấp tỉnh còn được giao nhiệm vụ xây dựng tổ chức tư pháp ở địa phương, huấn luyện thư ký cho Toà án địa phương, huấn luyện cán bộ tư pháp cho thị trấn và xã, và tổ chức việc tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhân dân.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ: xét những vụ án quan trọng hoặc phức tạp; xét và báo cáo lên Toà án nhân dân tối cao những vụ án do Toà án mình hoặc Toà án cấp dưới đã xử mà bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nhưng phát hiện có sai lầm; hướng dẫn các Toà án cấp dưới áp dụng pháp luật và đường lối, chính sách xét xử; phân công cho các thẩm phán trong Toà án; tổng kết kinh nghiệm xét xử. Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh họp ít nhất mỗi tháng hai lần và quyết định theo đa số. Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ: Báo cáo công tác của Toà án trước Hội đồng toàn thể thẩm phán Toà án; chủ toạ các phiên họp của Uỷ ban Thẩm phán; chỉ định các Thẩm phán để mở phiên toà; lập danh sách Hội thẩm nhân dân cho các phiên toà; chủ toạ phiên toà hoặc chỉ định một thẩm phán chủ toạ phiên toà; tổ chức thống kê tư pháp; tổ chức việc tổng kết và phổ biến kinh nghiệm xét xử;
đôn đốc việc thi hành các Nghị quyết của Uỷ ban Thẩm phán; điều hoà công tác giữa các bộ phận của Toà án; tổ chức việc kiểm tra công tác của các Toà án nhân dân cấp dưới; chỉ đạo công tác xây dựng tổ chức tư pháp ở địa phương, công tác huấn luyện thư ký Toà án cho địa phương, công tác huấn luyện cán bộ tư pháp cho thị trấn và xã, và công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhân dân.
- Về quản lý hệ thống Tòa án, do sự giải thể Bộ Tư pháp từ năm 1961 nên Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ quản lý các Tòa án nhân dân địa phương. Tuy nhiên, trong giai đoạn này việc quản lý các Toà án nhân dân địa phương là song trùng trực thuộc, bởi vì Toà án nhân dân tối cao chủ yếu quản lý về công tác sắp xếp bộ máy làm việc, số lượng biên chế, trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn tổng biên chế của các Toà án nhân dân địa phương, quản lý về công tác xét xử, trong khi đó Uỷ ban nhân dân địa phương quản lý và cấp kinh phí hoạt động cũng như sắp xếp nhân sự (Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu).
2.1.3 .Giai đoạn từ 1980 đến 1992
Ngày 18/12/1980, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VI, kỳ họp thứ 7, đã thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam thống nhất-Hiến pháp 1980. Các quy định của Hiến pháp năm 1980 về Tòa án nhân dân tiếp tục được kế thừa và phát triển từ các quy định của Hiến pháp năm 1959 về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân. Các quy định của Hiến pháp năm 1980 về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân được cụ thể hoá bằng Luật tổ chức Tòa án nhân dân, được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 3/7/1981 và được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Tòa án nhân dân, được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 22/12/1988. Theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật nêu trên thì về cơ bản, tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân nói chung, của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nói riêng không khác so với tổ chức tòa án theo đơn vị lãnh thổ hành chính, tuy nhiên thẩm
quyền xét xử, các nguyên tắc được quy định trong Hiến pháp 1980 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1981 có một số điểm mới là:
- Về nhiệm ký của Thẩm phán: Nhiệm kỳ thẩm phán theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 được quy định trong thời hạn nhất định còn trong Luật Tổ chức Tòa án nhân năm 1981 thì nhiệm kỳ của thẩm phán tính theo nhiệm kỳ của cơ quan bầu ra là Hội đồng nhân dân.
- Về tổ chức của Tòa án nhân dân cấp tỉnh: Toà án nhân dân cấp tỉnh gồm có Chánh án, các Phó Chánh án, các thẩm phán và các hội thẩm nhân dân. Về cơ cấu tổ chức, Toà án nhân dân cấp tỉnh gồm có: Uỷ ban thẩm phán; Các Toà chuyên trách (Tòa hình sự, Tòa dân sự); Bộ máy giúp việc của Toà án nhân dân. Uỷ ban thẩm phán gồm có Chánh án, các Phó Chánh án, các Chánh toà và Phó Chánh toà các Toà chuyên trách. Các Toà chuyên trách có Chánh toà, Phó Chánh toà và các thẩm phán.
- Về thẩm quyền xét xử:
+ Toà án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền: sơ thẩm những vụ án không thuộc thẩm quyền của các Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và những vụ án thuộc thẩm quyền của các Toà án đó, nhưng Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương lấy lên để xét xử; phúc thẩm những bản án và quyết định sơ thẩm của các Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; giám đốc thẩm hoặc tái thẩm những bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
+ Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ: bảo đảm
việc áp dụng thống nhất pháp luật và đường lối xét xử tại các Toà án nhân dân ở địa phương; tổng kết kinh nghiệm xét xử; thông qua báo cáo công tác của Toà án trình Hội đồng nhân dân cùng cấp; giám đốc thẩm hoặc tái thẩm những bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (Quyết định của Uỷ ban thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên tán thành).
+ Các Toà chuyên trách Toà án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền: sơ thẩm những vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương; phúc thẩm những bản án và quyết định sơ thẩm của các Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Trong thời gian này, Nhà nước cũng có sự nhận thức lại về việc quản lý tổ chức tòa án địa phương, cụ thể là việc tái lập lại Bộ Tư pháp. Theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1981, Bộ Tư pháp có thẩm quyền quản lý các Tòa án địa phương, tuy vậy, việc các tòa án địa phương thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp cũng chỉ ở việc Bộ Tư pháp trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tổng biên chế, quy định biên chế cho từng Tòa án địa phương, còn về kinh phí hoạt động của Tòa án địa phương thì vẫn do ngân sách địa phương cấp và Hội đồng nhân dân cùng cấp vẫn là cơ quan bầu ra các chức danh Chánh án, Phó Chánh án, thẩm phán, hội thẩm nhân dân; Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc hướng dẫn xét xử, đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật trong phạm vi toàn quốc đối với hoạt động xét xử của các Tòa án nhân dân.