Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002
Để cụ thể hoá các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước cũng như những yêu cầu về đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân đã được đề ra trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng, đặc biệt là trong Văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng và Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính
trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”, ngày
02/4/2002, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá X đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân mới thay thế Luật tổ chức Tòa án nhân dân ngày 06/10/1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân ngày 28/12/1993 và ngày 28/10/1995. Theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2002, cơ cấu tổ chức, hoạt động của Tòa án nhân dân cấp tỉnh có những bước đổi mới và được quy định cụ thể hơn nhằm đáp ứng yêu cầu xét xử.
- Về tổ chức: Theo quy định tại Điều 27 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2002, cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân cấp tỉnh gồm có:
+ Ủy ban Thẩm phán;
+ Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động, Tòa Hành chính; trong trường hợp cần thiết Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập các Tòa chuyên trách khác theo đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
Tòa án nhân dân cấp tỉnh có Chánh án, các Phó Chánh án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án.
Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh gồm có: Chánh án, các phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh; một số thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Tổng số thành viên Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh không quá chín người.
- Về thẩm quyền xét xử: Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
+ Giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng nghị;
+ Bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật tại Tòa án cấp mình và các Tòa án cấp dưới;
+ Tổng kết kinh nghiệm xét xử;
+ Thông qua báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác của các Tòa án ở địa phương để báo cáo trước Hội đồng nhân dân cùng cấp và với Tòa án nhân dân tối cao.
Phiên họp của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia. Quyết định của Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.
Tòa Hình sự Tòa án nhân dân cấp tỉnh có Chánh Tòa, Phó chánh Tòa, Thẩm phán và Thư ký Tòa án; thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn: xét xử sơ thẩm những vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng; phúc thẩm những vụ án hình sự mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp dưới bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng.
Tòa dân sự Tòa án nhân dân cấp tỉnh có Chánh Tòa, các Phó chánh Tòa, Thẩm phán và Thư ký Tòa án; có các nhiệm vụ và quyền hạn: xét xử sơ thẩm những vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng; phúc thẩm những vụ án hình sự mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp dưới bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng.
Tòa kinh tế Tòa án nhân dân cấp tỉnh có Chánh Tòa, các Phó chánh Tòa, Thẩm phán và Thư ký Tòa án; có nhiệm vụ và quyền hạn: xét xử sơ thẩm những vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng; phúc thẩm những vụ án hình sự mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp dưới bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng ; giải quyết việc phá sản doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Tòa hành chính Tòa án nhân dân cấp tỉnh có Chánh Tòa, các Phó chánh Tòa, Thẩm phán và Thư ký Tòa án; có các nhiệm vụ và quyền hạn: xét xử sơ thẩm những vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng; phúc thẩm những vụ án hình sự mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp dưới bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng.
Tòa lao động Tòa án nhân dân cấp tỉnh có Chánh Tòa, các Phó chánh Tòa, Thẩm phán và Thư ký Tòa án; có nhiệm vụ và quyền hạn: xét xử sơ thẩm những vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng; phúc thẩm những vụ án hình sự mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp dưới bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng; giải quyết các cuộc đình công theo quy định của pháp luật.
Bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ, quyền
hạn trong công tác văn phòng, tổ chức cán bộ, tiếp dân, giải quyết đơn thư
- Về hoạt động của Tòa án nhân dân cấp tỉnh:
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 tiếp tục quy định cụ thể về các nguyên tắc xét xử có Hội thẩm nhân dân tham gia; khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số; Tòa án xét xử công khai, trừ trường hợp cần xét xử kín để giữ gìn bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của các đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ; Tòa án xét xử theo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc,tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, địa vị xã hội; cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật; Tòa án bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; Tòa án bảo đảm cho những người tham gia tố tụng quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình trước Tòa án.
Về nguyên tắc xét xử, Tòa án thực hiện nguyên tắc hai cấp xét xử; bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng; bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn do pháp luật quy định thì có hiệu lực pháp luật. Đối với bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm; bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật; đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới thì được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo quy định của pháp luật.
- Về Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân:
Theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 và Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân năm 2002 thì tiêu chuẩn chung để được bổ nhiệm Thẩm phán và bầu làm Hội thẩm nhân dân như sau:
Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất, đạo đức tốt, liêm khiết và
trung thực, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, có trình độ cử nhân luật và đã được đào tạo về nghiệp vụ xét xử, có thời gian làm công tác thực tiễn theo quy định của pháp luật, có năng lực làm công tác xét xử, có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán.
Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất, đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có kiến thức pháp lý, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, thì có thể được bầu hoặc cử làm Hội thẩm.
Đối với Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân quy định:
+ Người có đủ tiêu chuẩn quy định như nêu trên và đã là Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp huyện, Thẩm phán Tòa án quân sự khu vực ít nhất là năm năm, có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu, thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh; nếu người đó là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án quân sự cấp quân khu.
+ Trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của ngành Tòa án nhân dân, người có đủ tiêu chuẩn quy định chung nêu trên và đã có thời gian làm công tác pháp luật từ mười năm trở lên, có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu, thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Về trách nhiệm của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân: Thẩm phán, Hội thẩm chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình và phải giữ bí mật công tác theo quy định của pháp luật; nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý
kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Thẩm phán, Hội thẩm trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình mà gây thiệt hại, thì Tòa án nơi Thẩm phán, Hội thẩm đó thực hiện nhiệm vụ xét xử phải có trách nhiệm bồi thườngvà Thẩm phán, Hội thẩm đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho Tòa án theo quy định của pháp luật.
Về những việc Thẩm phán không được làm, pháp luật quy định Thẩm phán không được làm những việc sau: Những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức không được làm; tư vấn cho bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ án hoặc những việc khác không đúng quy định của pháp luật; can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án; đem hồ sơ vụ án hoặc tài liệu trong hồ sơ vụ án ra khỏi cơ quan, nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền; tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án mà mình có thẩm quyền giải quyết ngoài nơi quy định. Thẩm phán phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi trong các trường hợp do pháp luật tố tụng quy định.
Về chế độ đãi ngộ, pháp luật quy định Thẩm phán có thang bậc lương riêng, được hưởng phụ cấp trách nhiệm và các phụ cấp khác do pháp luật quy định; Thẩm phán khi đi làm nhiệm vụ được miễn phí cầu, phà, đường theo quy định của pháp luật; Thẩm phán được cấp trang phục, Giấy chứng minh Thẩm phán để làm nhiệm vụ…
Như vậy, nghiên cứu các quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 có thể nhận thấy một số điểm mới cơ bản sau đây:
- Bổ sung quy định về chế độ hai cấp xét xử. Theo quy định này bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử phúc thẩm.
- Tòa án nhân dân tối cao quản lý các Tòa án nhân dân địa phương và các Tòa án quân sự về tổ chức có sự phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân địa phương và Bộ Quốc phòng.
- Bổ sung một số nhiệm vụ và quyền hạn mới của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán các Tòa án nhân dân địa phương;
- Sửa đổi, bổ sung quy định về thành phần, nguyên tắc hoạt động của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh với lý do bảo đảm cho Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh gồm những Thẩm phán có năng lực để thực hiện tốt nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm;
- Bổ sung quy định về sự giám sát của nhân dân đối với Thẩm phán, Hội thẩm; quy định về mối quan hệ giữa Thẩm phán, Hội thẩm với các cơ quan, tổ chức và công dân và bổ sung quy định về thành phần của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán, mối quan hệ giữa Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán các Tòa án nhân dân địa phương.