Nghiên cứu này sử dụng phương pháp lấy mẫu thuận tiện (phi xác suất). Đây là phương pháp chọn mẫu phi xác suất trong đó nhà nghiên cứu tiếp cận với các đối tượng nghiên cứu bằng phương pháp thuận tiện. Điều này có nghĩa là nhà nghiên cứu có thể chọn các đối tượng mà họ có thể tiếp cận được (Nguyễn Đình Thọ & Nguyễn Thị Mai Trang, 2007). Ưu điểm của phương pháp này là dễ tiếp cận đối tượng nghiên cứu và thường sử dụng khi bị giới hạn về thời gian và chi phí. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là không xác định được sai số do lấy mẫu. Kích thước mẫu thường tùy thuộc vào các phương pháp ước lượng trong nghiên cứu và có nhiều quan điểm khác nhau, chẳng hạn như Hair và các cộng sự (1998) thì kích thước mẫu tối thiểu phải từ 100 đến 150, Hoetler (1983) cho rằng kích thước mẫu tới hạn phải là 200 hay Bollen (1989) cho rằng kích thước mẫu tối thiểu là 05 mẫu cho một tham số cần ước lượng.
Green (1991) đã tổng hợp các nghiên cứu và cho rằng cỡ mẫu phù hợp cho phân tích hồi quy đa biến tối thiểu là N = 50 + 8m, với m số biến độc lập. Dựa trên quan điểm này, mô hình nghiên cứu đề xuất gồm có 5 biến độc lập nên kích thước mẫu tối thiểu là 90 mẫu.
Thêm vào đó, theo Cattell (1978), số lượng mẫu cho phân tích nhân tố khám phá là tối thiểu từ ba đến sáu lần của tổng số biến quan sát. Số biến quan sát trong nghiên cứu này là 25, vậy số mẫu tối thiểu cho nghiên cứu này là 26*6, tức 156.
Dựa trên các lý thuyết về số mẫu nghiên cứu như trên, nghiên cứu này đưa ra kích thước mẫu n trong khoảng 200. Đối tượng khảo sát là các khách hàng cá nhân của ACB sinh sống hoặc làm việc tại TP.HCM đã đăng ký tham gia chương trình Khách hàng thân thiết của ACB.
Để đạt được kích thước mẫu đề ra, từ tháng 6 đến tháng 7 năm 2014, tác giả sử dụng nguồn dữ liệu về email của khách hàng dưới sự cho phép của lãnh đạo Khối Khách hàng cá nhân của ACB để gửi Bản câu hỏi khảo sát đến tất cả khách hàng là Hội viên của chương trình có đăng ký email tại ACB với số lượng là 11.983 khách hàng, chiếm 13,20% tổng số Hội viên.