Ở Việt Nam, có khá nhiều nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của các nông hộ ở nông thôn, mỗi yếu tố có những ảnh hưởng khác nhau tới thu nhập của nông hộ. Theo Nguyễn Quốc Nghi và cộng sự (2011), nguồn nhân lực là một yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn sinh kế cho nông hộ bởi lẽ trong bất kì loại hình sản xuất nào thì yếu tố con người luôn là sự quan tâm hàng đầu. Con người là trung tâm, là nguồn vốn vô tận để tạo ra của cải vật chất, chính con người quyết định nên hình thức lao động.
Thứ nhất, thu nhập nông hộ bị chi phối bởi yếu tố tuổi chủ hộ. Độ tuổi của người lao động cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng lao động cũng như hình thức lao động. Đặc biệt lao động ở nông thôn thì cần nguồn lao động trẻ, có sức khỏe tốt bởi vì hầu hết những công việc ở nông thôn thường là những việc làm nặng nhọc. Chủ hộ là người trụ cột trong gia đình, quyết định mọi việc trong gia đình vì thế độ tuổi của chủ hộ sẽ có ảnh hưởng đến việc lựa chọn sinh kế của hộ. Trần Trọng Tín (2009) cũng cho rằng chủ hộ là người có quyền ra các quyết định trong gia đình, tuổi chủ hộ lớn hơn sẽ có kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc nhiều hơn. Hơn thế nữa, chủ hộ có độ tuổi lớn hơn thường có quan hệ xã hội rộng rãi hơn, điều này tạo thuận lợi cho hoạt động tạo thu nhập của nông hộ.
Thứ hai, thu nhập nông hộ chịu ảnh hưởng bởi trình độ học vấn của chủ hộ, người ra các quyết định trong hoạt động sản xuất của hộ. Theo Yang (2004), học vấn là yếu tố mấu chốt quyết định khả năng nâng cao thu nhập của mỗi cá nhân trong xã hội hiện đại. Học vấn tạo cơ hội việc làm, quyết định sự lựa chọn nghề nghiệp, khẳng định vị thế của mỗi cá nhân trong xã hội. Những lao động có trình độ học vấn thấp thường gắn với những nghề nghiệp có mức lương thấp. Ngược lại, những lao động có trình độ học vấn cao hơn sẽ dễ dàng nắm bắt cơ hội có được thu nhập cao hơn. Đồng tình với quan điểm trên, Nguyễn Quốc nghi và cộng sự (2011) cũng cho rằng trình độ học vấn chủ hộ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thu nhập nông hộ. Điều này có thể giải thích là những công việc có mức lương cao thường đòi hỏi trình độ học vấn và chuyên môn cao. Ngoài ra, nếu chủ hộ có trình độ học vấn cao, hiểu biết càng nhiều thì càng có cơ hội trong việc nắm bắt tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, tối thiểu hóa chi phí từ đó nâng cao thu nhập cho nông hộ.
Bên cạnh yếu tố độ tuổi và trình độ học vấn, giới tính cũng là một trong những yếu tố của chủ hộ được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng có ảnh hưởng chủ yếu đến thu nhập nông hộ. Như đã trình bày ở trên, chủ hộ là người có
13
quyền đứng ra quyết định các công việc trong gia đình. Giới tính chủ hộ cũng phần nào thể hiện sự khác biệt trong việc ra quyết định, từ đó tạo nên sự khác biệt của thu nhập. Ở khu vực nông thôn, phụ nữ ít có cơ hội tiếp cận với công nghệ, tín dụng và đào tạo, thường gặp nhiều khó khăn do gánh nặng công việc gia đình, thiếu quyết định trong hộ và thường được trả công lao động thấp hơn nam giới ở cùng một loại việc, do đó những hộ có chủ hộ là nữ thường gắn với mức thu nhập thấp hơn (Phạm Ngọc Toàn, 2005).
Lao động là lực lượng sản xuất quan trọng của xã hội, là yếu tố đặc biệt tham gia vào quá trình sản xuất không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng. Theo Huỳnh Trường Huy và cộng sự (2008) cho rằng trong điều kiện sản xuất ít cơ giới hóa thì lao động đóng vai trò chủ yếu trong vấn đề nâng cao thu nhập cho các nông hộ.
Đất đai cũng là một yếu tố đầu vào thiết yếu trong sản xuất nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng. Huỳnh Trường Huy và cộng sự (2008) cho rằng đất đai là tài sản quan trọng nhất của nông hộ và khả năng tiếp cận với đất (cả về số lượng và chất lượng) là một yếu tố quyết định đối với sản xuất ảnh hưởng đến thu nhập nông hộ. Vì phần lớn thu nhập nông hộ phụ thuộc vào nông nghiệp và hoạt động sản xuất nông nghiệp phần lớn là sử dụng lao động chân tay nên yếu tố đất đai đóng một vai trò rất quan trọng. Theo Đặng Minh Quân (2012), diện tích đất càng lớn sẽ tạo điều kiện cho hộ mở rộng mô hình trồng trọt nâng cao thu nhập gia đình. Theo nghiên cứu của Nguyễn Công Bằng (2012), mặc dù diện tích đất đai đóng vai trò chính trong việc mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập của nông hộ. Tuy nhiên, do đặc điểm của đất đai mà nông hộ có diện tích đất khiêm tốn có thể nâng cao năng suất trên cùng một diện tích đất canh tác thông qua việc cải thiện độ màu mỡ đất đai bằng việc canh tác hợp lí (bón phân phù hợp, xen canh, luân canh hợp lí).
Theo Nguyễn Kim Phú (2013), các hộ tham gia các tổ chức đoàn thể thì hiệu quả sản xuất tăng lên thông qua việc áp dụng khoa học – kỹ thuật hoặc giảm đi chi phí sản xuất so với các hộ không tham gia. Hội Nông Dân là một trong những hội, đoàn thể được địa phương khuyến khích tham gia.
Nghiên cứu của Nguyễn Quang Đạo (2013) cho rằng những hộ thuần nông thì có khả năng nghèo cao hơn những hộ đa dạng việc làm vì họ ít có cơ hội tạo ra thu nhập cao do các hoạt động nông nghiệp mang tính thời vụ và rất bấp bênh, phụ thuộc vào thiên nhiên nên khi thời tiết thay đổi, dịch bệnh thường xuyên thì thu nhập của người dân cũng bị ảnh hưởng theo.