của các Công ty Chứng khoán Việt Nam
Để quản lý, giám sát hoạt động của các công ty chứng khoán, UBCKNN đã ban hành và hướng dẫn thực hiện các văn bản như Thông tư số 151/2009/TT-BTC ngày 23/7/2009 của Bộ Tài chính về việc Hướng dẫn công tác giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán của Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán, Quyết định số 531/QĐ-UBCK ngày 21/8/2009 của UBCK Về việc ban hành Quy định hướng dẫn về giám sát giao dịch chứng khoán, Nghị định số 85/2010/NĐ-CP ngày 02/8/2010 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CK và TTCK. Đây là những căn cứ pháp lý cần thiết và cụ thể cho các bộ phận chức năng của UBCKNN, TTGDCK, TTLKCK để triển khai các hoạt động giám sát công ty chứng khoán một cách có hiệu quả. Trong quá trình giám sát hoạt động của các tổ chức này, UBCKNN đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm khi kinh doanh trên thị trường.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay có hơn 1.000 công ty đại chúng, gần 700 công ty niêm yết, 105 công ty chứng khoán, 47 công ty quản lý quỹ và đặc biệt là hơn 1 triệu tài khoản nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia TTCK. Theo đó, đối tượng và phạm vi hoạt động thanh tra, giám sát trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK ngày càng mở rộng.
Cùng với sự phát triển của TTCK, các vi phạm trên thị trường cũng diễn ra ngày càng tinh vi hơn, phức tạp hơn, đặc biệt là các vi phạm rất dễ nảy sinh trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn. Không ít trường hợp người môi giới đã “lái” nhà đầu tư theo hướng có lợi cho mình hoặc một nhóm người nào đó bằng những thông tin không đầy đủ. Lãnh đạo một công ty chứng khoán cũng thừa nhận rằng, đã có công ty chứng khoán vì mục đích lợi nhuận đã thổi phồng tình hình kinh doanh của doanh nghiệp lên để phát hành cổ phiếu giá cao, sau đó bỏ mặc các nhà đầu tư với những thua lỗ của doanh nghiệp đã phát hành cổ phiếu. Tính minh bạch của các doanh nghiệp và cá nhân tham gia là sự sống còn của thị trường chứng khoán, nhưng hiện nó đang bị coi nhẹ. Giới đầu tư cũng chỉ biết bất bình khi có công ty giải thích lý do chậm nộp báo cáo quyết toán là “hỏng máy tính”. Bên cạnh vấn nạn rò rỉ thông tin còn là chuyện cạnh tranh không lành mạnh. Tại diễn đàn liên quan đến thị trường chứng khoán gần đây, ông Hồ Công Hưởng, Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), cho biết cuộc chiến thầm lặng giữa các công ty chứng khoán vẫn đang xảy ra với sự đôi co về phí dịch vụ môi giới, phí tổ chức đấu giá... Theo quy định Nhà nước ban hành, phí môi giới chứng khoán là 0,5% nhưng hiện nay, các công ty đã giảm xuống mức 0,4%; 0,3% và có công ty chỉ còn 0,15%. Cũng chính do cách cạnh tranh bằng giảm phí nên chất lượng dịch vụ chứng khoán không đảm bảo. Thêm vào đó, có công ty chứng khoán gặp phải trường hợp cán bộ của mình sau khi bị kéo sang công ty khác đã tiết lộ thông tin nội bộ của doanh nghiệp cho đối thủ cạnh tranh. Ông Hưởng nói: “Chúng tôi rất cần một quy chế đạo đức nghề nghiệp cho những người hành nghề chứng khoán”. Giới đầu tư lên tiếng Các nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết họ đã nhiều lần kiến nghị về hiện tượng “làm giá” và rò rỉ thông tin trên thị trường chứng khoán. Nhưng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói chưa phát hiện trường hợp nào rõ ràng. “Một phần vì không có căn cứ, phần khác vì chưa có tiêu chí xác định đó là hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán”.
Không ít nhà đầu tư đã tạo mối thân quen với những người nắm giữ thông tin để mua hoặc hợp tác làm ăn. Khi giao dịch nội gián có đất sống thì cũng có nghĩa công tác giám sát quá yếu. Việc quản lý yếu kém đồng nghĩa với tạo cơ hội ăn cắp cho những người làm việc trong môi trường ấy. Hậu quả là những doanh nghiệp trung thực, chân chính mất cơ hội phát triển.
Do vậy, tăng cường năng lực thanh tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật về dịch vụ chứng khoán chứng khoán và TTCK theo tinh thần mới của Luật Thanh tra cũng là một công tác trọng tâm của UBCKNN.
Trong năm 2011, UBCKNN đã ban hành 164 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức và cá nhân với tổng số tiền thu nộp về ngân sách gần 11 tỷ đồng, cụ thể: chế độ báo cáo và công bố thông tin; Hành vi gian lận trong dịch vụ chứng khoán; Xử lý 9 cá nhân có hành vi giao dịch giả tạo, thao túng thị trường. Ngoài ra, UBCKNN cũng đã xử lý 11 trường hợp vi phạm quy định về chế độ báo cáo và công bố thông tin của công ty chứng khoán, kiên quyết làm rõ sai phạm và xử lý nghiêm đối với các Công ty chứng khoán có hành vi vi phạm quy định về chế độ báo cáo và CBTT (định kỳ và bất thường) trên TTCK. Đặc biệt, là quy trách nhiệm pháp lý cụ thể tới từng cá nhân tại các công ty có vi phạm.
Một số trường hợp vi phạm khoản 2 Điều 71 Luật Chứng khoán và Điểm a Khoản 1 Điều 32 Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC về Quản lý tiền và chứng khoán của khách hàng (không tách bạch tiền gửi của khách hàng và tiền của công ty) như: Công ty Cổ phần Chứng khoán Đại Nam (QĐ số 289/QĐ- UBCK); Công ty Cổ phần Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (QĐ số 453/QĐ-UBCK); Công ty Cổ phần chứng khoán VSM (QĐ số 1034/QĐ- UBCK); Công ty Cổ phần chứng khoán Chợ Lớn (QĐ số 1044/QĐ-UBCK) … Ngoài ra còn có các trường hợp vi phạm của các công ty do lỗi không thực hiện báo cáo theo Điều 11 - Thông tư 74/2011/TT-BTC (Công ty Cổ phần chứng khoán An Phát - QĐ số 39/QĐ-UBCK; Công ty Cổ phần Chứng
khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - QĐ số 86/QĐ-UBCK); hay vi phạm Điều 60 Luật Chứng khoán khi công ty thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán khi chưa được cấp giấy phép (Công ty Cổ phần Chứng khoán Đại Nam -QĐ số 289/QĐ-UBCK) …
UBCKNN cũng đã phối hợp chặt chẽ với 2 Sở GDCK và TTLKCK trong việc giám sát giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật, đồng thời giám sát trách nhiệm của công ty chứng khoán trong việc đảm bảo cung cấp sản phẩm dịch vụ tới khách hàng, hoạt động khác công khai, minh bạch, công bằng đúng pháp luật.
Với những kết quả đạt được, UBCKNN tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh và cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán, trong đó chú trọng kiểm tra định kỳ về an toàn tài chính và khả năng thanh toán của các công ty chứng khoán, đặc biệt là các công ty chứng khoán có vốn góp từ ngân hàng, các tập đoàn nhà nước, các doanh nghiệp bảo hiểm, đánh giá tình trạng tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán nhằm hỗ trợ công tác tái cơ cấu các công ty chứng khoán và nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động kinh doanh của công ty; Tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ các công ty chứng khoán, tập trung thanh tra kiểm tra về giám sát tuân thủ, quản lý tài sản của khách hàng nhằm nhăn ngừa xung đột lợi ích, bảo vệ tài sản của khách hàng. Đối với thao túng thị trường và giao dịch nội gián, UBCKNN sẽ sớm nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp chính thức giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, Bộ Bưu chính viễn thông, Bộ Công an để hợp tác và trao đổi thông tin nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác thanh tra và xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, UBCKNN sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân có hành vi giao dịch không công bằng, các tổ chức vi phạm hoạt động công bố thông tin… nhằm đảm bảo duy trì sự công bằng giữa các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường.