Lịch sử hình thành phát triển Công ty CONINCO

Một phần của tài liệu Chiến lược phát triển của Công ty Cổ phần Tư vấn Công nghệ, Thiết bị và Kiểm định Xây dựng - CONINCO (Trang 40)

Công ty CONINCO là doanh nghiệp nhà nước được thành lập trên cơ sở sáp nhập Viện Cơ giới hóa và Công nghệ Xây dựng với Công ty Kiểm định Xây dựng. Tiền thân của Công ty CONINCO là Viện Cơ giới hóa và Công nghệ Xây dựng trực thuộc Ủy ban Xây dựng cơ bản nhà nước. Viện được thành lập theo Nghị định 156- CP ngày 16/4/1979 của Hội đồng Chính phủ. Trải qua 25 năm phát triển, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ qua từng thời kỳ, Viện được đổi tên là: Viện Công nghệ và Tổ chức xây dựng (1985-1988); Viện Cơ giới hóa và Công nghệ Xây dựng (1988-1994). Trong giai đoạn này, chức năng nhiệm vụ của Viện là nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, biên soạn các tiêu chuẩn quy phạm phục vụ yêu cầu của ngành trong các lĩnh vực được giao của Viện, phù hợp với yêu cầu cải tiến quản lý của từng thời kỳ. Đến năm 1994, để hòa nhập với nền kinh tế thị trường và xu thế phát triển chung của khu vực và thế giới, Viện Cơ giới hóa và Công nghệ Xây dựng sáp nhập với Công ty Kiểm định Xây dựng thành Công ty Tư vấn Công nghệ Thiết bị và Kiểm định Xây dựng với thương hiệu CONINCO. Ngày 22/12/2006, Bộ Xây dựng có Quyết định 1770/QĐ-BXD về việc chuyển Công ty Tư vấn Công nghệ, Thiết bị và Kiểm định Xây dựng thành Công ty Cổ phần với tên gọi mới Công ty Cổ phần Tư vấn Công nghệ, Thiết bị và Kiểm định Xây dựng – CONINCO. Sơ lược quá trình phát triển Công ty CONINCO qua các thời kỳ như sau:

2.2.1.1. Giai đoạn 1979 ~ 1984

Ngày 26/7/1979, Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng Cơ bản Nhà nước đã có quyết định 60/UB/TCCB quy định cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Viện nghiên cứu Cơ giới hóa và Công nghệ Xây dựng (gọi tắt là Viện Cơ giới hóa Xây dựng) là cơ quan trung tâm nghiên cứu khoa học – kỹ thuật về cơ giới hóa và công nghệ xây

41

dựng của toàn ngành xây dựng, kết hợp với quản lý tổng hợp trong lĩnh vực cơ giới hóa và xây lắp của toàn ngành xây dựng. Trong giai đoạn đầu thành lập (1979~1981), chiến lược phát triển chủ yếu của Viện theo hướng tập trung phát triển nghiên cứu khoa học và tham gia quản lý ngành về cơ giới hóa và công nghệ xây lắp để phù hợp với chiến lược phát triển chung của ngành (một số đề tài nghiên cứu điển hình như: Phương pháp luận thiết kế tổ chức xây dựng và thiết kế thi công…). Bắt đầu từ 1981 trở đi, nguồn kinh phí sự nghiệp và nghiên cứu do nhà nước cấp cho Viện hàng năm rất eo hẹp; đồng thời khủng hoảng kinh tế tác động lớn đến đời sống của cán bộ nhân viên. Do vậy chiến lược phát triển bổ sung trong giai đoạn này là thực hiện dịch vụ sản xuất, cải thiện đời sống cán bộ nhân viên (Một số dịch vụ tư vấn được phát triển là thiết kế, thi công và cải tạo nhà xưởng của Hợp tác xã thủy tinh Cộng hòa….). Một số giải pháp thực hiện chiến lược như xây dựng lực lượng cán bộ có trình độ kết hợp với việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu của Viện…[1, tr.8-16]

2.2.1.2. Giai đoạn 1985 ~ 1988

Đổi tên Viện thành Viện Công nghệ và Tổ chức Xây dựng. Trong các năm từ 1985 đến 1988, cùng với việc tiếp tục thực hiện công tác xây dựng cơ bản để mở rộng trụ sở và tăng cường nguồn nhân lực phục vụ công tác theo nhiệm vụ được giao, Viện đã xây dựng chiến lược phát triển và kế hoạch nghiên cứu khoa học kỹ thuật dài hạn, trước mắt cho giai đoạn 1985~1990. Chiến lược phát triển được tập trung vào 3 nhóm chính là: (i) các hoạt động nghiên cứu khoa học (VD: Đề tài nghiên cứu hoàn thiện mô hình tổ chức sản xuất xây dựng của các ngành, địa phương, các loại hình tổ chức xây dựng cơ sở trong xây dựng cơ bản…); (ii) Tham gia lĩnh vực quản lý ngành; (iii) Phát triển công tác dịch vụ kỹ thuật và cải thiện đời sống của cán bộ nhân viên (VD: Thi công xây dựng và cải tạo Nhà máy điện cơ thống nhất…). [1, tr.17-23]

2.2.1.3. Giai đoạn 1988 ~ 1994

Trong giai đoạn này, Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước sáp nhập về Bộ Xây dựng; Viện đổi tên thành Viện Cơ giới hóa và Công nghệ Xây dựng. Ngày

42

14/4/1988, Chính phủ ban hành Nghị định 59/HĐBT quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng, trong đó có các Viện làm nhiệm vụ của các cơ quan nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; trong đó Viện Cơ giới hóa và Công nghệ Xây dựng là một đơn vị nghiên cứu sự nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng. Một giai đoạn phát triển mới của Viện bắt đầu. Trong thời kỳ này, Viện tiến hành 3 công việc quan trọng để Viện có thể hoạt động và phát triển mà nếu thiếu một trong 3 việc này Viện khó có thể tồn tại và phát triển được; 3 công việc như sau:

- Tiến hành các đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và khẳng định rõ những lĩnh vực nghiên cứu của Viện. Đó là việc xác định vị thế không thể thiếu của Viện trong ngành xây dựng.

- Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật gồm nhà làm việc, các máy móc thiết bị phục vụ nghiên cứu.

- Phát triển công tác dịch vụ kỹ thuật để lấy kinh phí phục vụ cho 3 việc là hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học, triển khai các dịch vụ kỹ thuật vào thực tế; hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất của Viện; nâng cao đời sống cán bộ nhân viên.

[1, tr.24-31]

2.2.1.4. Giai đoạn 1994 ~ 2006

Từ đầu năm 1993, một số Viện nghiên cứu và thiết kế của các Bộ, trong đó một số Viện của Bộ Xây dựng chuyển đổi tổ chức từ các Viện Thiết kế thành Công ty tư vấn, đăng ký hoạt động kinh doanh theo mô hình Công ty nhà nước thuộc Bộ, hạch toán kinh tế độc lập. Ngày 23/6/1994, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký quyết định 438/BXD-TCLĐ thành lập Công ty Tư vấn Công nghệ, Thiết bị và Kiểm định Xây dựng trên cơ sở sáp nhập Viện Cơ giới hóa và Công nghệ Xây dựng với Công ty Kiểm định Xây dựng. Theo quyết định này, Công ty Tư vấn Công nghệ, Thiết bị và Kiểm định Xây dựng thực hiện các nhiệm vụ sau: Thiết kế tổ chức thi công; tư vấn về công nghệ xây dựng; tư vấn về mua sắm trang thiết bị trong và ngoài nước; tư vấn đầu tư, lập dự án, khảo sát thiết kế công trình; tổng thầu khảo sát thiết kế, giám sát thi công và quản lý công trình xây dựng; kiểm định chất lượng công trình xây dựng; khảo nghiệm xe máy thiết bị; khám nghiệm định ký các thiết bị áp lực

43

thuộc ngành xây dựng; nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển giao công nghệ xây lắp tiên tiến; thi công thực nghiệm và trang trí nội ngoại thất. Theo đó các trung tâm tư vấn mới được thành lập như: Trung tâm tư vấn phát triển hạ tầng; trung tâm tư vấn đầu tư và phát triển dự án; trung tâm tư vấn đầu tư và phát triển nông thôn; trung tâm nghiên cứu công nghệ xây dựng và kiểm định môi trường; phòng thí nghiệm LAS-XD60. Như vậy, chiến lược phát triển công ty đã được thực hiện theo hướng mới, hoạt động theo mô hình công ty; từ chỗ công ty chỉ đảm nhiệm công tác kiểm định, thẩm định thiết kế kỹ thuật đến nay công ty đã trở thành một trong những doanh nghiệp tư vấn hàng đầu, chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn trọn gói hoặc từng phần cho các dự án đầu tư, các dịch vụ tư vấn trọn gói hoặc từng phần trong lĩnh vực xây dựng; trong vài năm gần đây một mặt duy trì phát triển các lĩnh vực tư vấn truyền thống, mặt khác Công ty đã chú trọng tăng cường năng lực về thiết bị, nhân lực để tiếp cận các công nghệ hiện đại tiên tiến trong lĩnh vực quản lý dự án và quản lý chất lượng cho các dự án nhà cao tầng, các dự án áp dụng công nghệ thi công móng cọc sâu và các công nghệ thi công đặc biệt ứng dụng để thực hiện tư vấn quản lý cho các dự án kỹ thuật cao, yêu cầu quản lý chất lượng nghiêm ngặt.

Với nhận thức trên, ngay từ khi mới chuyển sang hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty CONINCO đã ban hành các quy định quản lý chất lượng sản phẩm tư vấn, các quy định quản lý thực hiện hợp đồng kinh tế, các quy trình giám sát thi công và kiểm định hiện trường… điều đó thể hiện tính sáng tạo, chủ động của Công ty trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm tư vấn để đạt được các mục tiêu đề ra. Một số quy định áp dụng như Tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2000; các phần mềm thiết kế như Microstran, Limssteel, Sap 2000, Etab, Microsoft Project… đã làm cho chất lượng tư vấn xây dựng của CONINCO được khẳng định. Đồng thời việc xây dựng và nâng cao uy tín thương hiệu CONINCO là một chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong quá trình phát triển gắn với việc đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Tháng 9/2003 thương hiệu CONINCO đã được tặng giải

44

thưởng Sao vàng đất Việt. Đây là dấu ấn quan trọng ghi nhận và tôn vinh thương hiệu CONINCO trên thương trường. [1, tr.32-43]

2.2.1.5. Giai đoạn 2006 ~ nay

Ngày 22/12/2006, Bộ trưởng Bộ Xây dựng có quyết định 1770/QĐ-BXD chuyển doanh nghiệp nhà nước: Công ty Tư vấn Công nghệ, Thiết bị và Kiểm định Xây dựng thành Công ty Cổ phần Tư vấn Công nghệ, Thiết bị và Kiểm định Xây dựng. Theo Quyết định này, mô hình hoạt động của Công ty Cổ phần Tư vấn Công nghệ, Thiết bị và Kiểm định Xây dựng là công ty con trong tổ hợp Công ty mẹ - Công ty con VC Group; trong đó Công ty mẹ là Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam giữ cổ phần chi phối. Vốn điều lệ của Công ty là 22.000.000.000 đồng, trong đó cổ phần do nhà nước sở hữu chiếm 51% vốn điều lệ; các cổ đông khác chiếm 49% vốn điều lệ. Trong giai đoạn này, để phát triển, Công ty CONINCO đã đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đổi mới cơ chế quản lý, giữa vững tăng trưởng; củng cố kiện toàn tổ chức, đổi mới công tác quản lý công ty; luôn ưu tiên cho công tác đảm bảo và nâng cao chất lượng tư vấn; đầu tư chiều sâu, huy động mọi nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật; coi trọng công tác đào tạo và nâng cao trình độ cán bộ; tiếp tục thực hiện nghiên cứu khoa học; tăng cường hợp tác quốc tế; nâng cao đời sống cho cán bộ nhân viên; phát triển văn hóa doanh nghiệp; khẳng định vị thế thương hiệu mạnh trên thị trường. [3]

Một phần của tài liệu Chiến lược phát triển của Công ty Cổ phần Tư vấn Công nghệ, Thiết bị và Kiểm định Xây dựng - CONINCO (Trang 40)