Tài nguyên đất.
Tài nguyên đất của huyện có tổng diện tích 30.651 ha
Đất phù sa có diện tích phân bốở hầu khắp trên địa bàn huyện, nhưng tập trung nhiều ở các xã phía Nam huyện. Tổng diện tích khoảng 5.061 ha.
Đất bạc màu phát triển trên phù sa cổ có sản phẩm feralit (Ba), đây là loại đất phổ biến nhất với tổng diện tích 10.655 ha, chiếm 1/3 tổng diện tích
tự nhiên của huyện. Phân bố ở các xã vùng gò đồi như: Minh Trí, Minh Phú, Nam Sơn, Bắc Sơn, Phù Linh, Hồng Kỳ, Quang Tiến,…
Đất dốc tụ xen đồi núi bạc màu không có sản phẩm feralit (D), là loại đất chỉ có ở Sóc Sơn, nằm xen kẽ các thung lũng hẹp, với diện tích 1.846 ha.
Nhóm đất feralit: là nhóm đất đặc trưng của vùng gò đồi Sóc Sơn với diện tích 9.733 ha.
Diện tích còn lại là các loại đất khác với 3.356 ha chiếm khoảng 11% diện tích tự nhiên của huyện.
Tài nguyên nước
∗ Nguồn nước mặt: Huyện Sóc Sơn có trữ lượng nước mặt khá dồi dào tuy nhiên nguồn nước mặt đang bị nguy cơ ô nhiễm đe dọa khó khăn cho khai thác phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Hàng năm riêng vùng gò đồi đã tiếp nhận trung bình 50 - 60 triệu m3 nước mưa, đây là lượng nước mưa nghèo, phân bố không đều trong năm. Chính vì vậy nước mặt của huyện được khai thác từ 3 nguồn chính:
- Nước mưa được giữ lại bằng các hồ chứa như: Đại Lải qua Kênh số II, Đồng Quang, Cầu Bãi, Hoa Sơn, Đạo Đức,…
- Nước sông chảy qua huyện: sông Công, sông Cầu, sông Cà Lồ. - Nước từ sông Hồng qua hệ thống tiếp từ huyện Đông Anh.
∗ Nguồn nước ngầm: Huyện nằm trong khu vực có nguồn nước ngầm khá dồi dào với trữ lượng khá lớn, chất lượng tốt có tầng bảo vệ chống ô nhiễm. Vùng đồng bằng của huyện nước ngầm nông ởđộ sâu 0,7 - 1,3 m vào mùa mưa, vào mùa khô có độ sâu 3,2 m. Nước ngầm ổn định ở độ sâu 3,1 - 3,2m với áp lực yếu không ảnh hưởng lớn đến các công trình xây dựng.
Tài nguyên rừng.
Huyện Sóc Sơn có 4.463,32ha đất đồi rừng, chiếm gần 1/5 tổng diện tích toàn huyện. Trong đó chủ yếu tập trung ở 9 xã, gồm Bắc Sơn, Nam Sơn, Hồng Kỳ, Phù Linh, Minh Trí, Minh Phú, Hiền Ninh, Quang Tiến và Tiên Dược.
Tài nguyên khoáng sản.
Nguồn khoáng sản của huyện chủ yếu là than bùn ở các xã phía Bắc huyện. Vàng sa khoáng ở Minh Trí (Sóc Sơn). Ngoài ra còn có nhiêu loại khoáng sản có giá trị là nguyên vật liệu xây dựng như Kaolin, đá ong, cát xây dựng.
Trong đó nổi bật là tiềm năng về Kaolin ở khu vực Minh Phú, Phù Linh với trữ lượng khá lớn có thể khai thác để phát triển công nghiệp sứ dân dụng cho địa phương. Bên cạnh đó là cát vàng và sỏi phục cho xây dựng có thể khai thác dọc sông Công, sông Cầu, tuy nhiên hiện nay nguồn tài nguyên nay đang bị tư nhân khai thác bừa bãi, không có tổ chức dẫn đến việc thất thoát tài nguyên và gây hậu quả xói lở bờ sông.
4.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội.
4.1.2.1 Thực trạng phát triển kinh tế
Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Trong những năm qua kinh tế trên địa bàn của huyện có những bước chuyển biến rõ rệt. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện tăng từ 2.015 tỷ đồng năm 2000 lên 12.427 tỷ đồng năm 2006 và đạt 33.055,7 tỷ đồng năm 2010 (theo giá hiện hành). Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2000 - 2008 đạt 20%/năm, giai đoạn 2003 - 2007 đạt tới 24%/năm (là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của thành phố).
Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng từ 43,91% năm 2000 lên 81,09% vào năm 2010, ngành nông - lâm nghiệp, thuỷ sản giảm từ 12,96% năm 2000 xuống còn 3,62% vào năm 2010.
Ngành nông nghiệp
Ngành nông nghiệp thời gian qua có sự tăng trưởng ổn định, nhưng chậm so với các ngành kinh tế khác. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 261 tỷ đồng năm 2000 tăng lên 518 tỷ đồng năm 2006, đạt 1.113 tỷ đồng năm 2010 (theo giá thực tế), bình quân tăng 3,05%/năm.
Ngành công nghiệp
Trong những năm gần đây, quy mô giá trị sản xuất công nghiệp Sóc Sơn liên tục tăng cao, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 23,55% hàng năm giai đoạn 2002-2010.
Trên địa bàn có các khu công nghiệp lớn: Khu công nghiệp Nội Bài 100 ha đã đi vào hoạt động, hiện là một trong những trọng điểm thu hút đầu tư của Thành phố; khu công nghiệp sạch Tân Dân-Minh Trí 340 ha đang được hình thành và một số cụm công nghiệp, làng nghề tiểu thủ công nghiệp.
Ngành dịch vụ
Quy mô giá trị sản xuất dịch vụ trên địa bàn huyện Sóc Sơn liên tục tăng cao, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 8,16%/năm giai đoạn 2002-2010. Từ năm 2007, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ vào tổng giá trị sản xuất trên địa bàn duy trì ở mức khoảng từ 15-15,5%/năm. Du lịch và các dịch vụ gia tăng kèm theo chưa phát triển tương xứng với tài nguyên du lịch của huyện.