Tiêu chảy do ký sinh trùng

Một phần của tài liệu khảo sát tình hình tiêu chảy ở heo con theo mẹ và hiệu quả một số phác đồ điều trị tại trại heo huyện châu thành tỉnh long an (Trang 26)

Ký sinh trùng ký sinh trong cơ thể heo là một trong những yếu tố gây tổn thất cho chăn nuôi. Heo bị nhiễm ký sinh trùng làm sức đề kháng, giảm tăng trọng, khả năng hấp thu thức ăn kém, gây còi cọc, chậm lớn (Đào Trọng Đạt và ctv., 1996).

Tiêu chảy do cầu trùng

Bệnh do động vật nguyên sinh đường ruột gia súc thuộc các loài:

EimeriaIsospora.

Cầu trùng rất phổ biến, thú ở mọi lứa tuổi đều bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, đối với thú non khả năng miễn dịch kém nên xảy ra rõ rệt, thú lớn hơn cũng nhiễm nhưng hầu hất ở dạng mang trùng (Lê Minh Chí, 2000).

Thường thấy ở heo 5-15 ngày tuổi, cao nhất vào 7-10 ngày tuổi. Phân thường lỏng, màu vàng đến xám xanh nhạt. Thời gian tiêu chảy kéo dài 4-7 ngày (Nguyễn Ngọc Tuân và Trần Thị Dân, 2000). Mức độ nghiêm trọng của bệnh tùy thuộc vào số lượng noãn nang sinh bào tử xâm nhập và cơ thể heo và sự tồn tại của các tác nhân gây bệnh đường ruột khác (Nguyễn Hữu Hưng, 2012).

Sau khi vào cơ thể heo qua thức ăn nước uống, noãn nang cảm nhiễm xâm nhập vào tế bào nhung mao ruột phát triển các giai đoạn, phá hoại tổ chức ruột bằng tác động cơ giới, đồng thời tiết ra độc tố và các enzym dung giải mô bào ruột, gây độc cho cơ thể heo dẫn đến viêm ruột, xuất huyết mà biểu hiện rõ là tiêu chảy, phân có nhiều dịch nhày và máu (Phạm Sỹ Lăng và ctv., 2006).

Heo bệnh có biểu hiện: mệt nhọc, kém ăn, uống nước nhiều. Heo con bị bệnh có các triệu chứng như tiêu chảy phân trắng sau đó chuyển sang vàng, phân hơi lỏng tính chất giống như kem chảy, mùi rất tanh. Mỗi lần đi phân con vật thường cong đuôi, cong lưng rặn, phân chỉ ra rất ít mỗi lần đi (Phạm Sỹ Lăng và ctv., 2006). Heo con gầy ốm, lông xù, không có dấu hiệu sốt, ói mửa (Nguyễn Hữu Hưng, 2012).

Mổ khám heo bệnh cầu trùng thấy niêm mạc ruột non viêm thể cata. Ở heo bệnh kéo dài, bị xuất huyết ở cả ruột non và ruột già, tại chỗ viêm thấy những nốt trắng to bằng mặt hạt kê (Nguyễn Hữu Hưng, 2012).

Bệnh cầu trùng có thể đề phòng được bằng định kỳ vệ sinh và tiêu độc chuồng trại và ổ đẻ để tránh tích tụ quá mức mầm bệnh từ chất thải và giai đoạn phát triển của cầu trùng (Lê Minh Chí, 2000).

Tiêu chảy do Strongyloides ransomi

Giun lươn Strongyloides ransomi ký sinh ở nhung mao ruột gây bệnh tích niêm mạc ruột, rối loạn tiêu hóa và dinh dưỡng do không tiêu hóa và hấp thụ thức ăn. Bệnh có ở heo con từ rất sớm 11-17 ngày (Đào Trọng Đạt và ctv., 1996).

Giun lươn là loại giun nhỏ, kích thước bé hơn 1cm trông như sợi lông, có thể sống ký sinh trong ruột non hoặc sống tự do trong đất. Chúng có chu trình phát triển rất đặc biệt: vừa trực tiếp, vừa gián tiếp, vừa tự nhiễm, vừa sống tự do, vừa sống ký sinh.

Trứng nở ra ấu trùng qua 2 lần lột xác thành ấu trùng gây nhiễm. Chúng xâm nhậm qua da, theo thức ăn, nước uống vào ruột non. Con đường di hành chủ yếu là hệ tuần hoàn để rồi về lại ruột. Một số ấu trùng di chuyển đến tuyến vú nằm yên tại chỗ cho đến khi nái đẻ thì nhiễm vào heo con theo sữa đầu. Các ấu trùng này phát triển sau 4 ngày ở ruột, gây tiêu chảy trong vòng 10 ngày và làm heo còi cọc (Nguyễn Ngọc Tuân và Trần Thị Dân, 2000).

Heo con sau khi sinh 3-4 tuần nhiễm bệnh rất nặng. Heo con gầy còm, trên da có mụn, kết mạc viêm, nhiệt độ tăng, tiêu chảy trong phân có máu.

Thiabendazon có hiệu quả đối với việc điều trị giun lươn, liều dùng 50mg/kg thể trọng, trộn với thức ăn (Phạm Văn Khuê và Phan Lục, 1996). Ngoài ra, có thể dùng terramisol, menbendasole, levamisol để điều trị (Đào Trọng Đạt và ctv., 1999).

Một phần của tài liệu khảo sát tình hình tiêu chảy ở heo con theo mẹ và hiệu quả một số phác đồ điều trị tại trại heo huyện châu thành tỉnh long an (Trang 26)