Nói đến hình họa là nói đến niềm khát khao đắm say của người nghệ sỹ tạo hình. Không ai xem nhẹ được vai trò của môn học này - một môn cơ sở trụ cột trong trường mỹ thuật. Chúng ta đều thừa nhận rằng sinh viên nào học hình họa tốt thì thường cũng là người có cảm thụ nhạy bén và tinh tế, có năng lực thẩm định tốt về hình.
Song cũng cần khẳng định một thực tế: không ít người rất có năng lực khi học vẽ hình họa, nhưng khi ra trường làm sáng tác vẫn khó khăn chật vật về sáng tạo hình. Điều này có liên quan đến quá trình đào tạo trong nhà trường. Phải chăng phương pháp nghiên cứu hình họa trong các trường mỹ thuật của ta vẫn có những vấn đề cần phải xem xét cải tiến, để đạt được hiệu quả khả quan hơn.
Phương pháp hình họa truyền thống của chúng ta chủ yếu dựa trên sự quan sát đối tượng men theo các đường viền, dựng hình các đường viền, rồi tạo ra cái mảng đậm nhạt, biểu hiện ánh sáng và bóng tối và tạo ra hình khối của vật thể. Phương pháp này đương nhiên có giá trị cốt lõi và là cách biểu hiện chủ yếu của môn hình họa. Nhưng nếu chỉ bó hẹp trong cách nhìn như thế, thì môn học này sẽ dẫn đến kết quả là người vẽ mô tả đối vật một cách thụ động, chứ chưa làm cho họ có khả năng tưởng tượng, hình dung ra đối vật ở trong tâm trí của mình. Như vậy, một khi không có đối vật ở trước mặt, người vẽ rất khó tự phác dựng nên cái hình mà họ cần thể hiện.
Tạo dựng thói quen nghiên cứu sâu và ghi nhớ về cấu trúc của hình, người vẽ sẽ có sự tự do trong cảm hứng sáng tác, mạnh dạn tìm ra những hình thức biến điệu của hình. Người ta có thể kéo dài, ép ngắn, bóp nặn, cách điệu các trạng thái của hình thể, do đó càng biểu hiện rõ nét hơn những đặc trưng về dáng vóc, làm nổi bật hơn tinh thần bản thể của đối tượng. Tính lý trí và tính trực cảm sẽ "cộng sinh" trong những hình tượng được người nghệ sỹ hư cấu, tạo nên những phẩm chất mới cho cảm xúc tạo hình. Hình họa như vậy sẽ là một thành tố tạo nên tính "bác học" trong nghệ thuật tạo hình.
Hoàng Yến
Hình họa trong đào tạo Mỹ thuật 219 218 Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - Viện Mỹ thuật
Phần 5