Hoạt động kể chuyện với trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi:

Một phần của tài liệu Sử dụng một số phần mềm thiết kế bài dạy kể chuyện cho trẻ mẫu giáo lớn trong trường mầm non (Trang 25)

I. CƠ SỞ LÝ LUẬN

1.4.1. Hoạt động kể chuyện với trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi:

+ Hoạt động kể chuyện là hoạt động thường xuyên của trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi trong trường mầm non, đòi hỏi phải biết cách thức tổ chức, đồ dùng, phương tiện phù hợp. Nếu GV tổ chức tốt hoạt động kể chuyện thì sẽ góp phần phát triển ngôn ngữ, giúp trẻ phát hiện ra những cái mới, những cái ẩn giấu trong các sự vật, hiện tượng xung quanh một cách chủ động, sáng tạo, trong đó, việc tổ chức môi trường ngôn ngữ tích cực cũng như việc chuẩn bị đồ dùng, trang thiết bị phù hợp giữ vai trò rất quan trọng.

+ Kể chuyện có ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ rất lớn. Qua hoạt động kể chuyện, ở trẻ sẽ hình thành và phát triển năng lực cảm thụ nghệ thuật, trí tưởng tượng, tình cảm đạo đức, thị hiếu thẩm mỹ đặc biệt là hình thành và phát triển ngôn ngữ nghệ thuật. Đồ dùng, trang thiết bị trong tổ chức hoạt động vừa là phương tiện vừa là điều kiện để phát triển ngôn ngữ, phát triển trí tuệ, đạo đức và định hướng thẩm mỹ cho trẻ. Để gợi trí tưởng tượng ở trẻ cô giáo không chỉ chú ý đến lời kể chuyện mà cần phải có trực quan minh họa để giúp trẻ củng cố các biểu tượng, hình tượng trong truyện. Việc sử dụng một số phần mềm thiết kế câu chuyện là cách có thể khắc phục những nhược điểm về giọng kể và ở một khía cạnh nào đó nó có thể thay thế

cho các hiện tượng trong thực tiễn mà không phải lúc nào trẻ cũng có thể quan sát được. Ví dụ như hiện tượng mưa rơi, sấm, chớp... tạo ra một môi trường dạy học tương tác, sống động, gây hứng thú và đạt hiệu quả cao của quá trình dạy học đa giác quan cho trẻ. Việc sử dụng phần mềm thiết kế câu chuyện vào hoạt động dạy học đặc biệt thu hút trẻ với ưu điểm nổi trội về màu sắc, âm thanh, sự chuyển động của các nhân vật trong chuyện linh hoạt theo hứng thú của trẻ.

+ Dưới góc độ ngôn ngữ thì kể chuyện là sự trình bày bằng lời nói một cách cặn kẽ liên kết về một sự vật, hiện tượng nào đó. Đó là hình thức thông tin nhanh gọn, truyền cảm bằng ngôn ngữ, chủ yếu là ngôn ngữ độc thoại, thuật lại bằng lời nói có logic, có tình cảm về một sự kiện theo trình tự của nó. Khi kể chuyện, người kể chủ yếu dùng câu tường thuật. Vì vậy, nếu có những phương tiện hỗ trợ, minh họa làm cụ thể hóa các hình tượng trong truyện kể thì sẽ giúp cho trẻ (người nghe) chuyện hiểu rõ hơn, nắm chuyện sâu sắc hơn. Có nhu cầu tham gia vào câu chuyện như: kể lại chuyện, đóng kịch…

+ Kể chuyện có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển lời nói cho trẻ đặc biệt khi trẻ được kể chuyện kết hợp với sử dụng máy tính sẽ giúp trẻ khắc sâu biểu tượng kích thích sự phát triển tư duy, trí nhớ bổ sung vào vốn kinh nghiệm của trẻ góp phần phát triển toàn diện cho trẻ. Mặt khác là tạo cơ hội cho trẻ chọn lọc các từ, biết vận dụng các mô hình câu để có thể diễn đạt rõ ràng nội dung câu chuyện của mình cho người khác nghe. Bên cạnh đó, từ việc quan sát các hành động của nhân vật chuyện trên máy tính, trẻ cũng học được cách biểu lộ các hành vi biểu cảm, thậm trí biết sử dụng các ngôn ngữ không lời trong quá trình kể chuyện.

+ Với những ưu thế đó, kể chuyện kết hợp với sử dụng phim hoạt hình là một hình thức giúp trẻ phát triển ngôn ngữ hiệu quả. Trẻ sẽ rất thích thú với các câu chuyện mình kể. Tuy nhiên đây là một hình thức đòi hỏi người giáo viên phải nỗ lực sáng tạo không ngừng để có những thiết kế phù hợp với từng nội dung câu chuyện. Bên cạnh đó, cần thiết có sự hướng dẫn, hỗ trợ trẻ một cách phù hợp tránh việc quá lạm dụng khi ứng dụng CNTT.

+ Do chương trình GDMN là chương trình mang tính chất khung, GV có thể linh hoạt sưu tầm, sử dụng các câu chuyện khác nhau phù hợp với từng chủ đề giáo dục, nội dung giáo dục để sử dụng thiết kế câu chuyện nhằm đem lại hiệu quả tích cực nhất trong việc giáo dục trẻ.

Phần lớn chuyện dành cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi đề cập đến nội dung về tình cảm giữa những người ruột thịt, giữa bạn bè với nhau hoặc giáo dục trẻ có thái độ yêu mến, trân trọng người lao động, yêu mến và bảo vệ thiên nhiên, các con vật. Các tác phẩm đều quan tâm tới việc giáo dục lòng nhân ái cho trẻ, thông qua các nhân vật trẻ biết soi mình vào người khác để hiểu mình. Thông qua việc nghe giáo viên kể chuyện, ở trẻ xuất hiện những phản ứng thẩm mỹ, muốn được xem ngay những thứ chúng vừa được nghe để được hiểu rõ ràng, khám phá. Vì thế việc ứng dụng phần mềm thiết kế câu chuyện có vai trò trong việc giúp thúc đẩy quá trình hình thành nhân cách của trẻ và nâng cao hiệu quả dạy học nhờ có những biểu tượng, cụ thể, rõ ràng, phát triển tư duy trực quan hình tượng ở trẻ.

+ Sự tiếp xúc thường xuyên với các câu chuyện kể, được chọn lọc sẽ phát triển ở trẻ ngôn ngữ, sự nhạy cảm thẩm mĩ, năng lực cảm thụ văn học những tố chất ban đầu của năng khiếu nghệ thuật. Qua đó, trẻ được mở rộng vốn từ Tiếng Việt phong phú học cách phát âm đúng, tích lũy vốn từ ngữ nghệ thuật, học những mẫu câu mới, sinh động giàu sức biểu cảm. Từ đó, trẻ thêm yêu mến, trân trọng tiếng nói, góp phần phát triển trí tuệ tình cảm, đạo đức làm phong phú đời sống tinh thần cho trẻ. hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp một. Những ấn tượng đẹp đẽ về những hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm sẽ thúc đẩy ham muốn sáng tạo nghệ thuật của trẻ. Những câu chuyện kể của trẻ chính là sự thể hiện thế giới bên trong của trẻ.

+ Vấn đề đặt ra là ứng dụng các phim hoạt hình vào thời điểm nào thì sẽ đạt hiệu quả cao nhất. Theo Nguyễn Xuân Khoa thì nên kể cho trẻ nghe chuyện trước để trẻ nắm được tác phẩm một cách khái quát sau đó mới cho trẻ xem minh họa để giúp trẻ dễ dàng hình dung ra những điều trẻ đã được nghe kể trước đó. Xôrôkina cũng khẳng định “việc sử dụng trực quan chỉ đạt hiệu quả cao nhất khi có sự kết hợp đúng đắn giữa việc tri giác trực tiếp các đối tượng hoặc hiện tượng với lời kể của cô giáo”. Triêkhva cũng cho rằng: “Sự quan sát là cơ sở của bất cứ tri thức nào, để có được khả năng tư duy thì chỉ có cách dạy các em kết hợp chặt chẽ giữa quan sát với ngôn ngữ”.

Dù chưa biết đọc, biết viết nhưng trẻ 5 - 6 tuổi rất thích xem đồ dùng trực quan minh họa đặc biệt là những hình ảnh sống động trong máy vi tính. Những hình ảnh sống động chân thực như dựng lên câu chuyện trước mắt trẻ, gợi cho trẻ những xúc cảm nghệ thuật sâu sắc, là cơ sở để trẻ tiếp thu một vốn

từ ngữ giàu hình tượng và ghi nhớ tác phẩm nhanh hơn. Qua đó giáo dục thẩm mỹ hình thành năng lực cảm thụ cái đẹp và sáng tạo cái đẹp ở trẻ.

Sử dụng một số phần mềm thiết kế câu chuyện mang lại giá trị đích thực, nó thúc đẩy sự giao tiếp, trao đổi thông tin, giúp cho trẻ học có hiệu quả hơn, cung cấp thêm những kiến thức, kinh nghiệm giao tiếp, liên quan đến thực tiễn xã hội và môi trường sống. Sử dụng một số phần mềm thiết kế câu chuyện còn giúp khắc phục những hạn chế của việc học bằng cách biến cái không thể tiếp cận được thành cái có thể tiếp cận được, kích thích, thúc đẩy quá trình học tập phát triển, tăng cường khả năng ghi nhớ và chú ý, giúp cho những biểu tượng hình thành được khắc sâu.

Một phần của tài liệu Sử dụng một số phần mềm thiết kế bài dạy kể chuyện cho trẻ mẫu giáo lớn trong trường mầm non (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(103 trang)
w