Theo quy định của pháp luật hiện hành thì Sở giao dịch hàng hóa là một pháp nhân được thành lập và hoạt động dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần. Như vậy, theo quy định này thì chỉ có loại hình Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phân mới được phép thành lập Sở giao dịch hàng hóa. Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế dần dần tiến tới toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới Việt Nam xây dựng đường lối, chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế. Cụ thể hóa chủ trương đường lối của Nhà nước tại văn bản có giá trị pháp lý cao nhất quy định, Nhà nước phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu
toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng [5]. Bộ luật Dân sự 2005 quy định có sáu hình thức sở hữu trong xã hội và để tiếp tục tạo môi trường bình đẳng trong kinh doanh giữa các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế Nhà nước đã ban hành Luật Doanh nghiệp 2005. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 thì có các loại công ty sau: Công ty trách nhiệm một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, Công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân và nhóm các công ty. Theo chủ trương của Nhà nước thì các doanh nghiệp bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng trong lĩnh vực mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa thì chỉ có loại công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần mới được quyền tham gia. Với quy định này thì Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh không được phép thành lập Sở giao dịch hàng hóa, như vậy liệu có bất công với các loại hình doanh nghiệp này hay không? Liệu có sự bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp không? Bởi theo quy định thì Công ty trách nhiệm hữu hạn có hai loại là một thành viên và hai thành viên trở lên. Trong đó “Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu” vậy là một cá nhân đứng ra thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì họ có quyền được thành lập Sở giao dịch hàng hóa còn Doanh nghiệp tư nhân không có quyền thành lập Sở giao dịch hàng hóa, trong chế độ chịu trách nhiệm thì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp vào công ty. Như vậy, nếu làm ăn thua lỗ dẫn đến phá sản thì chủ sở hữu của công ty chỉ chịu trách nhiệm trong khoản vốn mình đã bỏ ra theo điều lệ. Trong khi doanh nghiệp tư nhân nếu phá sản họ phải chịu
trách nhiệm vô hạn và tại thời điểm họ phá sản chưa thanh toán được hết các khoản nợ thì trong tương lai họ vẫn phải thanh toán. Trách nhiệm pháp lý đặt ra cho doanh nghiệp tư nhân lớn như vậy, khả năng đảm bảo thanh toán rất cao vậy mà doanh nghiệp tư nhân bị loại ra khỏi “sân chơi” này. Bên cạnh đó chủ trương Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ vào Việt Nam phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế; bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp đối với vốn, tài sản và các quyền lợi khác của các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không bị quốc hữu hoá. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư về nước [5], trong khung pháp lý về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa ta không tìm thấy bất kỳ quy định cho các chủ thể mà nhà nước khuyến khích đầu tư được phép kinh doanh loại hình gọi là Sở giao dịch hay là một bên trong hợp đồng mua hàng. Có lẽ phải chúng ta phải nhìn nhận lại khung pháp lý về Sở giao dịch hàng hóa.
Cùng là một loại mua bán hàng hóa qua “sàn” nhưng quy chế giành cho sàn giao dịch chứng khoán và sàn giao dịch bất động sản cũng có phần khác với Sở giao dịch hàng hóa. Sở giao dịch hàng hóa chỉ Công ty trách nhiệm hữu hạn và Công ty cổ phần mới được phép thành lập Sở giao dịch hàng hóa còn để thành lập Sàn giao dịch bất động sản thì Tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, phải có vốn pháp định và đăng ký kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật[5].