Mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa là giao dịch theo đó các bên trong quan hệ “mua-bán” thỏa thuận việc thực hiện mua bán một loại hàng hóa, lượng hàng hóa nhất định theo những tiêu chuẩn do sở mà họ tham gia giao dịch đặt ra. Đây là loại hình mua bán hàng hóa giao sau, hợp đồng mua bán được ký trước khi giao hàng một khoảng thời gian tùy vào từng loại hàng hóa. Hành vi thương mại này mở đường cho sản xuất, định hướng và tạo điều kiện cho nhà sản xuất tính toán triển khai kế hoạch sản xuất. Đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản với những hợp đồng đã ký khiến cho người bán vừa không lo đầu ra cho sản phẩm lại tính toán được khả năng giá cả, nhu cầu của vụ tới. Hoạt động này không chỉ lợi cho nhà sản xuất mà lợi cho người mua bởi người mua qua Sở giao dịch hàng hóa được đảm bảo phẩm cấp, giá cả, số lượng thu mua được. Sở giao dịch hàng hóa là thị trường đặc biệt và rất cần được phát triển bởi vì Việt Nam nước có khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp bên cạnh đó nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào đưa đến cho nước ta một lợi thế xuất khẩu nông sản và khoáng sản. Hiện nay nước ta có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chiếm thị phần lớn trên thị trường khu vực và thế giới như gạo, điều, cà phê, tiêu, cao su, rao quả…. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu nông, lâm và thủy sản tháng 9 ước đạt 1,75 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2010 của toàn ngành lên mức 13,93 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2009. Trong con số kể trên, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ yếu đạt 7,32 tỷ USD, tăng 21,1%; thuỷ sản 3,47 tỷ
USD, tăng 14,2%; Các mặt hàng lâm sản chính với giá trị đạt 2,6 tỷ USD, tăng tới 36,3% [11]. Với chính sách đề ra của Đảng và Nhà nước mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư của nước ngoài. Tuy nguồn sản lượng nông sản dồn dào nhưng sản phẩm chưa đạt năng suất và chất lượng cao, nguồn tiền thu nhập từ nó còn chưa cao bởi thị trường tiêu thu hàng hóa nông sản ở nước ta rất không ổn định, thậm chí nhiều mùa vụ, nhiều khu vực nông sản làm ra không tiêu thụ được hoặc phải bán với giá “bèo” và dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá” hoặc được giá thì không có hàng để bán, hiện tượng đầu cơ, tư thương ép giá nông dân vẫn còn phổ biến khi được mùa. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của Việt Nam còn tự phát, quy mô nhỏ, manh mún lại ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt vụ được vụ mất. Sản phẩm xuất khẩu của nước ta cũng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế nên có một số loại hàng hóa mà nước ta có thế mạnh nên hàng hóa của Việt Nam xuất sang các nước thường bị thiệt thòi. Để khắc phục hiện tượng trên và kết nối thị trường hàng hóa trong nước và nước ngoài hạn chế “chảy máu” nội tệ ra các sàn giao dịch hàng hóa ở nước ngoài, việc xây dựng và phát triển Sở giao dịch hàng hóa là vấn đề bức thiết đối với Việt Nam. Trước đây, ở nước ta hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa chưa được quy định một cách chính tắc trong luật mà nó được điều chỉnh rải rác ở một số bộ luật cơ bản như Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại.. bỏi hoạt động này được xếp vào lĩnh vực kinh doanh, và các giao dịch mua bán hàng hóa tương lai này về bản chất nó là quan hệ hợp đồng giữa bên mua và bên bán, khi xuất hiện tranh chấp thì các văn bản nói trên sẽ điều chỉnh nó. Tuy nhiên, sự quy định chồng chéo giữa các văn bản luật làm cho hoạt động mua bán này rơi vào bế tắc và thường khó giải quyết được mâu thuẫn. Luật Thương mại 1997 cũng chưa có quy định cụ thể về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch. Khi xu thế phát triển
của nền kinh tế thế giới là toàn cầu hóa, thì yêu cầu đặt ra không chỉ với các nước phát triển mà đối toàn bộ các nước trên thế giới phải có những điều chỉnh sửa đổi luật của nước mình để đáp ứng yêu cầu hội nhập. Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập mà hành động cụ thể là gia nhập vào sân chơi WTO đã có những cải cách, sửa đổi bổ sung đạo luật nước nhà cho phù hợp với pháp luật thế giới. Vì vậy, Năm 2005 Luật Thương mại ra đời đã giành một chương riêng quy định về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa và năm 2006 Chính phủ đã ban hành nghị định 158/NĐ-CP ngày 28/12/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa.
Thông qua việc thành lập Sở giao dịch hàng hóa Nhà nước kịp thời nắm bắt được diễn biến thị trường trong nước và nước ngoài để từ đó có những chính sách phát triển cũng như phòng ngừa và hạn chế các rủi ro bất lợi cho nền kinh tế đất nước nói chung và sự bình ổn nói riêng. Xây dựng Sở giao dịch hàng hóa không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước mà còn giải quyết được nhu cầu bảo đảm nguồn hàng về số lượng và chất lượng và giá cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh được đảm bảo chất lượng, số lượng, giá cả nhà xuất khẩu còn giảm bớt được công đoạn “thu gom” sản phẩm của từng hộ riêng lẻ mà công đoạn này được chuyển sang cho Sở giao dịch hàng hóa và đối với người nông dân, các chủ trang trại thì thị trường này càng có ý nghĩa quan trọng hơn vì khi ký được hợp đồng thì họ đã nắm chắc đầu ra cho sản phẩm, họ chỉ cần lên kế hoạch sản xuất và tính toán các khả năng để đưa lại năng suất, chất lượng cho mùa vụ. Khi đã biết được yêu cầu về chất lượng, số lượng người sản xuất tiến hành áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến để đáp ứng về chất lượng cho sản phẩm. Khi ký được hợp đồng điều này khuyến khích người sản xuất mạnh dạn đầu tư vì họ đã nắm được mức giá của sản phẩm làm ra. Phát triển hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở
giao dịch hàng hóa không chỉ giải quyết được những “khó khăn” cho mặt hàng nông sản mà còn góp phần thúc đẩy hoạt động sôi động của thị trường vốn và các ngành sản xuất cung cấp tư liệu sản xuất, các sản phẩm đồ gia dụng…vì khi kinh tế từng hộ gia đình phát triển, đời sống của họ được nâng cao thì kéo theo đất nước phát triển giàu mạnh bởi “dân có giàu, nước mới mạnh”.
Sự ra đời của Luật Thương mại 2005 đã tạo hành lang pháp lý cho Sở giao dịch hàng hóa ra đời. Theo quy định của Luật thì Luật chỉ đặt ra khung pháp luật cho Sở giao dịch hàng hóa và để ngỏ cho các Sở giao dịch hàng hóa tự xây dựng quy chế pháp lý riêng cho hoạt động của mình. Do vậy, trong phạm vi đề tài này và thực tế hoạt động của Sở giao dịch hàng hóa ở nước ta, tác giả chỉ nghiên cứu những quy chế pháp lý mà pháp luật đặt ra chung cho các Sở giao dịch hàng hóa.