Những biện pháp bồi dưỡng học sinh giỏi đã được áp dụng

Một phần của tài liệu Các biện pháp phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi tiếng việt lớp 5 ở các trường tiểu học quốc tế tại việt nam (LV01268) (Trang 121)

- Tạo hứng thú trong dạy học Tiếng Việt

Xuất phát từ quan điểm: Dạy học Tiếng Việt phải làm cho học sinh cảm thấy học Tiếng Việt là một niềm hạnh phúc. Chúng tôi đã cố gắng giúp tạo hứng thú cho học sinh trên các bình diện: Nội dung dạy học, phương pháp dạy học, phương tiện dạy học và đánh giá dạy học.

Các biện pháp tạo hứng thú trên bình diện nội dung dạy học đặt ra nhiệm vụ: phải giúp học sinh nhận ra lợi ích của nội dung học tập, phải làm cho nguồn ngữ liệu và bài tập tiếng Việt trở nên thiết thực và hấp dẫn với học sinh, phải làm cho nội dung bài học thêm phong phú, sinh động nhờ cung cấp nguồn thông tin bổ sung. Sau thời gian thực nghiệm, chúng tôi thấy rằng cung cấp thông tin bổ sung (thông tin bên lề và mẹo luật ngôn ngữ) là biện pháp đem lại hiệu quả cao trong việc giúp học sinh hiểu sâu sắc nội dung bài học từ đó rèn kĩ năng sử dụng tiếng Việt một cách nhanh chóng, có niềm say mê thực sự với môn học Tiếng Việt. Điều này hoàn toàn phù hợp với đặc thù của các trường quốc tế, nơi mà học sinh vốn có hạn chế hơn về Tiếng Việt.

Bên cạnh nội dung học tập thiết thực, hấp dẫn thì hoạt động chiếm lĩnh nội dung đó phải thực sự cuốn hút học sinh. Các biện pháp tạo hứng thú học tập tiếng Việt trên bình diện phương pháp dạy học đi theo hướng tích cực hóa hoạt động của học sinh, khuyến khích học sinh tham dự vào hoạt động học tập. Giáo viên đã tổ chức tốt trò chơi học tập, hoạt động sắm vai và dạy học theo nhóm. Học sinh rất hào hứng khi được tham gia các hoạt động này.

Giáo viên đã ứng dụng tốt công nghệ thông tin và các trang thiết bị trong dạy học. Điều này hết sức thuận lợi vì nhà trường đã trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, phục vụ cho việc dạy học. Giáo viên có thể sử dụng linh hoạt máy chiếu, giáo án điện tử power point, bảng thông minh, máy chiếu đa vật thể. Trong quá trình dạy học, giáo viên giúp học sinh hiểu các khái niệm còn xa lạ bằng các hình ảnh trực quan, video... Ngoài ra, trong lúc chấm, chữa bài cho học sinh, giáo viên sử dụng máy chiếu đa vật thể giúp học sinh dễ theo dõi phần chữa bài và rút kinh nghiệm...

Trên bình diện đánh giá dạy học, giáo viên dùng nhiều hình thức đánh giá: học sinh tự đánh giá, học sinh đánh giá trong nhóm, học sinh đánh giá nhau trước lớp và giáo viên đánh giá học sinh, ... Nhìn chung, giáo viên đã đảm bảo được tiêu chí đánh giá vừa có tác dụng đưa ra một mẫu lời giải đúng cho một nhiệm vụ học tập, vừa tạo không khí hào hứng cho học sinh trong tiết học. HS rất hào hứng và thể hiện sự công minh khi đánh giá bạn học và bản thân. Đánh giá cũng đã nhấn mạnh mặt thành công mà học sinh đạt được nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh.

- Bồi dưỡng vốn sống cho học sinh

Bồi dưỡng vốn sống vốn kiến thức cho học sinh được giáo viên thực hiện trong các tiết dạy.

Giáo viên giúp hình thành cho học sinh thói quen đọc sách, qua đó học sinh tự tích lũy kinh nghiệm xã hội của mình. Giáo viên hướng dẫn học sinh quan sát để thực hiện bài viết tốt, tuy nhiên không nên quan sát một cách khô cứng mà giáo viên làm cho việc quan sát không ảnh hưởng đến óc tưởng tượng của các em, giúp các em loại bỏ những chi tiết rườm rà, không cần thiết, sự tưởng tượng dù có bay bổng đến mấy cũng phải bắt nguồn từ thực tế cuộc sống. Người giáo viên đóng vai trò dẫn dắt, gợi nguồn cảm hứng, khơi dậy suy nghĩ cho các em trong quá trình quan sát. Giáo viên đã tạo cho học sinh một tình cảm hứng thú, sự tò mò với vật quan sát nên sự quan sát đã phần nào đạt được mục đích.

Đối với việc xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh, khi khuyến khích học sinh đọc sách, giáo viên đã khơi đươc sự rung động trong tình cảm, tâm hồn và làm nảy nở những ước mơ đẹp. Từ đó, khơi được năng lực hành động và bồi dưỡng tâm hồn các em. Việc xây dựng thói quen đọc sách cho HS khá thuận lợi, vì nhà trường có thư viện lớn, với nhiều đầu sách hợp với lứa tuổi, các em có thể dễ dàng mượn sách về nhà.

- Bồi dưỡng vốn kiến thức cho học sinh

GV đã phần nào hệ thống được các kiến thức, kĩ năng đã học, giúp các em phát hiện ra cái hay, cái đẹp của các biện pháp tu từ được sử dụng trong văn thơ, dấu hiệu nhận biết các phép nghệ thuật đó, giúp học sinh nắm vững yêu cầu của hai dạng bài làm văn (miêu tả, kể chuyện).

GV thiết kế các nội dung học tập căn cứ theo thời gian của các tiết lên lớp, bồi dưỡng trong các giờ học câu lạc bộ, ngoại khóa (dưới hình thức trò chơi học tập) hoặc lồng ghép bồi dưỡng HSG vào các tiết học, các hoạt động học tập. GV linh hoạt trong việc bồi dưỡng kiến thức, căn cứ vào hứng thú

học tập của HS để thêm vào các câu hỏi nâng cao, gợi mở, đòi hỏi phải tư duy sâu.

Một phần của tài liệu Các biện pháp phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi tiếng việt lớp 5 ở các trường tiểu học quốc tế tại việt nam (LV01268) (Trang 121)