Thực trạng và những biến đổi trong nghi lễ cưới xin

Một phần của tài liệu Phát huy giá trị văn hóa trong hôn nhân và tục lệ cưới xin của người Khơ Mú ở huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái (Trang 68)

Có thể nói đây là những yếu tố có những biến đổi đáng kể nhất trong phong tục truyền thống của người Khơ-mú ở Văn Chấn. Tuy nhiên những gì được đồng bào chắt lọc, cho là cơ bản, cốt lõi thì luôn được bảo lưu và duy trì. Có thể nói, những biến đổi trong nghi lễ cưới của người Khơ-mú nơi đây đều xuất phát từ những điều kiện khách quan và chủ quan, trong đó đa phần là những biến đổi theo xu hướng tích cực, tuy rằng cũng không tránh khỏi số ít những biến đổi làm mai một, thậm chí làm mất đi nét văn hóa truyền thống.

Thêm vào đó còn có những biến đổi là sự tất yếu song không làm mờ đi bản sắc riêng trong hôn lễ của người khơ-mú ở Văn Chấn.

Tự do Tìm hiểu

Trước hết quyền tự do yêu đương tìm hiểu của thanh niên nam nữ người Khơ-mú khi đến tuổi trưởng thành đến nay vẫn được phát huy và ngày càng thể hiện rõ tính văn minh của nó. Từ xưa, người Khơ-mú rất chú ý quan tâm nhưng không ép buộc hay cấm đoán con cái trong việc tìm hiểu, yêu đương khi chúng ở tuổi trưởng thành, họ luôn tôn trọng con cái, ý kiến của cha mẹ chỉ là định hướng cho con hay để con tham khảo. Quyết định cuối cùng vẫn là do đôi trẻ. Tuy nhiên trong bước đi tìm hiểu truyền thống, các lễ thức diễn ra khi chàng trai đến nhà cô gái phải được diễn ra đúng tuần tự bài bản (như đã trình bày trong chương 1) thì nay không còn được các chàng trai Khơ-mú duy trì, họ bỏ qua những tập tục mà chính các bậc cao niên người Khơ-mú cho rằng đó là nét văn hóa đẹp chứa đựng nhiều ý nghĩa thiêng liêng trong nghi thức đầu tiên trong các nghi thức cưới hỏi.

Trước đây, để đến nhà bạn gái tìm hiểu chàng trai Khơ-mú phải biết đánh đao, thổi khèn, và phải chơi theo tuần tự từng bài, qua tiếng khèn, tiếng đao chàng trai thể hiện gia đình và cô gái sẽ biết được ý chàng trai. Cũng trước đây khi gia đình Khơ-mú nào có con gái lớn, họ sẽ thấy vui và có phần hãnh diện khi có tiếng khèn tiếng đao của chàng trai nào đó thổi dưới gầm sàn nhà mình vào mỗi tối để xin phép lên nhà, xin được mở cửa... đó là dấu hiệu con gái của họ đã có người để ý và đem lòng yêu thương. Cho đến nay tập tục này không còn nữa, thanh niên ngày nay không biết đánh đao, thổi khèn thậm chí họ còn xấu hổ, ngượng ngùng khi nghĩ rằng việc tìm hiểu phải thông qua các nhạc cụ khèn, đao ấy...Thêm nữa ngày nay trong quá trình tìm hiểu, các đôi trai gái thay vì ngồi bên bếp lửa tâm sự và cùng nhau chà răng thay cho lời ước hẹn thì họ rủ nhau ra ngoài đi chơi, đi uống nước...khiến các bậc cha mẹ thêm lo lắng. Khi trao đổi về vấn đề này, ông Vì Văn Sang phàn nàn với

chúng tôi: “Trước đây thanh niên đến nhà tìm hiểu con gái của gia đình, họ rất đàng hoàng nhã nhặn, thực hiện từng bước xin phép vào nhà bằng việc thổi khèn đánh đao. Khi được phép vào nhà, họ ăn nói khiêm nhường lễ phép, nói chuyện tâm sự có ý tứ, tôn trọng và không làm ảnh hưởng đến mọi người trong gia đình. Thanh niên ngày nay bỏ hết những tục lệ ấy rồi, đến nhà chơi chỉ như lấy lệ báo cho bố mẹ biết sau đó rủ nhau đi chơi, uống nước với bạn bè, không còn nền nếp trật tự, có trên có dưới có trước có sau và ý nghĩa như ngày xưa nữa...Có khi chúng tôi cũng phải đề nghị văn hóa địa phương tìm cách khôi phục dần để bảo tồn, nhưng cũng khó đấy...”

Các bước dạm hỏi

Có thể nói hiện nay có rất nhiều biến đổi quan trọng trong việc tổ chức tiến hành các nghi thức cưới hỏi trong hôn nhân của người Khơ-mú huyện Văn Chấn. Các yếu tố biến đổi với phần đa theo xu hướng tích cực.

Thật vậy, trong hôn nhân truyền thống, để đưa được con dâu về nhà chồng thì giữa hai bên gia đình người Khơ-mú phải tiến hành nhiều nghi lễ khác nhau. Theo tổng hợp của đồng bào và qua sự tìm hiểu của chúng tôi cho thấy, để đám cưới chính thức diễn ra, bên nhà trai phải có năm bước mang lễ vật đến nhà gái để hỏi về các vấn đề xung quanh việc tổ chức đám cưới: Lễ

dạm ngõ; Lễ ăn hỏi; Lễ hỏi về ở rể; Lễ tiễn ở rể; Lễ kết hôn theo lý dân tộc (Pưn đệ). Thêm vào đó là trước ngày diễn ra lễ cưới chính thức nhà trai phải chuẩn bị hai lễ sang nhà gái để làm lễ xin dâu và lễ hỏi về vật thách cưới...

Trong lễ cưới truyền thống của người Khơ-mú cũng diễn ra rất nhiều nghi thức với những quy định trong cách tiến hành rất chặt chẽ. Thực tế cho thấy, để thực hiện đầy đủ các nghi lễ trong hôn lễ truyền thống ấy không phải là đơn giản đối với gia đình người Khơ-mú. Đặc biệt là gia đình có con trai lấy vợ thì đó là cả một sự cố gắng lớn của cả gia đình. Tuy vậy gia đình người Khơ-mú nào ở Văn Chấn cũng đều cố gắng cùng với sự chia sẻ của anh em họ

hàng và cộng đồng làng bản để tổ chức hôn lễ cho con cái mình bằng anh bằng em, không để dân bản chê trách.

Phong tục là vậy nhưng điều quan trọng hơn cả đó là hai bên gia đình, dù nhà gái hay nhà trai, đều đặt hạnh phúc của con cái lên trên hết. Họ thường thông cảm hoàn cảnh của nhau, ít trường hợp làm khó cho nhau... Tuy nhiên qua thời gian, những phong tục hôn nhân, được trải nghiệm qua thực tế các hôn lễ đã diễn ra đã giúp đồng bào nhận ra những gì còn bất cập, bất hợp lý của hôn nhân truyền thống, và từ đó họ chính là chủ thể của sự biến đổi.

Trước hết là sự biến đổi trong việc tổ chức các lễ hỏi: Với việc gộp hai bước hỏi vào thành một bước hỏi như đồng bào thường nói ví như: “hai gói cơm thành một gói cơm” hay “ hai việc thành một việc” đã giúp cho đồng bào giảm chi phí, thời gian, công sức nhưng vẫn đảm bảo việc thực hiện các nghi lễ, các lễ thức đầy đủ trong hôn nhân truyền thống. Mới đầu đồng bào gộp lễ

Pưn đệ vào lễ tiễn ở rể, Pưn đệ không tồn tại là một bước hỏi độc lập mà trở thành một lễ thức trong nghi lễ tiễn ở rể. Việc tiến hành “hai trong một” như vậy sẽ dẫn đến trong lễ tiễn ở rể không thể thiếu sự hiện diện của ông “tào bản” (trưởng bản) do cả hai bên gia đình cùng mời dự để làm lễ Pưn đệ cho đôi trẻ. Và đồng thời trong lễ tiễn ở rể này, bên nhà trai sẽ có thêm hai bà mối với nhiệm vụ mang chăn đệm, trầu cau cùng những vật kỷ niệm tặng cho con dâu trong lễ Pưn đệ theo phong tục truyền thống. Như vậy với sự kết hợp này, sau lễ tiễn ở rể đôi vợ chồng trẻ được phép ngủ với nhau, không phải chờ đợi lâu hơn việc được ân ái như trước đây, và cùng với đôi vợ chồng trẻ sự hòa nhập này còn mang lại niềm vui, sự thuận lợi cho mọi người hai gia đình...

Song việc này không dừng lại ở đấy. Từ khi có chính quyền Nhà nước, người dân Khơ-mú huyện Văn Chấn cùng với đồng bào cả nước sống làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Việc kết hôn của các đôi vợ chồng có sự tham gia của cán bộ tư pháp xã, tổ chức cho các đôi đăng ký kết hôn. Ở Nghĩa Sơn, với sự chỉ đạo của chính quyền xã, kết hợp khéo léo giữa phong tục dân

tộc và pháp luật Nhà nước, trong hôn nhân đã có sự thống nhất cao. Điều này thể hiện ở việc tất cả các đôi vợ chồng trẻ ở Nghĩa Sơn sau lễ tiễn ở rể một tuần đều phải ra xã đăng ký kết hôn. Nhưng do phong tục tập quán đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người dân Khơ-mú nơi đây, họ không an lòng khi bỏ một nghi lễ quan trọng đã tồn tại và được duy trì trong truyền thống bao lâu nay, do vậy một mặt họ vẫn ra xã đăng ký kết hôn nhưng vẫn duy trì lễ Pưn đệ truyền thống của dân tộc mình. Tìm hiểu chúng tôi mới biết đồng bào mới bỏ lễ Pưn đệ cách đây (5/2012) khoảng hơn tám năm trở lại đây. Dần dần, họ cũng quen và nhận thức việc ra xã đăng ký kết hôn mới có giấy chứng nhận kết hôn, đồng thời đồng bào cũng nhận thức được giá trị pháp lý của nó.

Hơn nữa, việc tổ chức kết hôn ở xã kể thời gian đầu đến nay cũng có nhiều sự biến đổi, ngày càng thu hút các đôi trẻ tự nguyện coi đây là một phần quan trọng của lễ cưới, không như thời gian đầu họ coi nhẹ với tư tưởng làm cho xong. Hiện nay, việc tổ chức kết hôn cho đôi trẻ ở xã Nghĩa Sơn ngoài có sự tham gia của chính quyền, các đoàn thể tổ chức rất có bài bản, lễ nghi long trọng biểu hiện giờ phút chính thức thành vợ thành chồng, thiêng liêng đầy ý nghĩa của đôi vợ chồng trẻ và sau đó là chương trình văn nghệ chúc mừng hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ.

Về phía gia đình hai bên trai gái có đầy đủ thành phần chủ chốt đại diện thôn bản, gia đình dòng họ, và bạn bè thân tín của đôi trẻ, và đặc biệt không thể thiếu sự có mặt của hai ông mối. Để làm tăng không khí vui vẻ trong lễ kết hôn, mới đầu hai bên gia đình nhà trai nhà gái chuẩn bị thêm bánh kẹo mời mọi người uống nước, ăn bánh kẹo, vui văn nghệ sau phần nghi lễ chính. Sau này ngoài bánh kẹo, họ còn chuẩn bị thêm mỗi người một bát “mì tôm”, dần dần mỳ tôm được thay thế bằng “phở”. Những gia đình có kinh tế khá giả hơn còn chuẩn bị mấy mâm thịt rượu mời mọi người có mặt. Ở đây dù là bát mì tôm, bát phở hay mâm thịt rượu thì đều có cùng ý nghĩa như nhau đó là để chia vui và chúc mừng hạnh phúc cho đôi trẻ.

Lễ cưới

Có thể nói sự biến đổi trong việc tổ chức các nghi lễ cưới hỏi của người Khơ-mú ở Văn Chấn những năm gần đây rất đa dạng và phong phú. Có trường hợp do không có điều kiện về kinh tế hay vì lý do nào đó mà người ta kết hợp lễ hỏi về ở rể trong lễ ăn hỏi chính thức: Trong lễ ăn hỏi hai gia đình sẽ tiến hành bàn bạc thống nhất luôn thời gian và lễ vật cho lễ tiễn ở rể.

Thời gian gần đây trong một số lễ cưới đồng bào còn rút gọn, giảm bớt các bước ăn hỏi truyền thống, kết hợp bước hỏi dạm ngõ với bước ăn hỏi chính thức. Trường hợp này phổ biến trong các cuộc kết hôn hỗn hợp dân tộc, vì điều kiện xa cách, đi lại khó khăn nên họ đã tiến hành rút gọn “hai trong một” trong bước ăn hỏi. Tuy nhiên nội dung của hai bước vẫn được đảm bảo đầy đủ, và tất nhiên trong lễ hỏi “hai trong một” này số lượng mâm cỗ được tăng lên tương ứng với số khách mời.

Ông Sang kể cho chúng tôi đám cưới con gái của ông với chú rể là người Kinh quê Nam Định cũng tiến hành kết hợp hai bước hỏi thành một, và lễ ăn hỏi đó số lượng mâm cỗ lên đến 10 mâm (so với thông thường chỉ là hai đến ba mâm). Vào đầu tháng 5/2009, trong dịp lên khảo sát và lấy tư liệu cho luận văn, chúng tôi cũng gặp trường hợp kết hôn giữa cô dâu người Khơ-mú với chú rể người Thái khác vùng và họ cũng tổ chức rút gọn hai bước hỏi thành một với bảy mâm cỗ.

Đặc biệt, trong các lễ cưới hỗn hợp dân tộc, ngoài sự thay đổi chung còn có những thay đổi khác với lễ cưới lấy người đồng tộc. Các nghi thức ở đây sẽ do hai bên gia đình bàn bạc để có sự kết hợp hài hòa các phong tục tập quán của hai dân tộc giữa hai bên gia đình. Tất cả các nghi lễ, lễ thức cơ bản, quan trọng nhất của hai bên gia đình đại diện hai dân tộc đều không thể thiếu trong hôn lễ, vì đó là những phong tục truyền thống cơ bản, là văn hóa gốc thể hiện bản sắc, sắc thái hôn nhân của mỗi dân tộc.

Hiện nay, thông thường các cuộc kết hôn hỗn hợp dân tộc diễn ra theo hướng nếu cô dâu là người Khơ-mú thì bên nhà trai phải tôn trọng nhà gái trong việc tiến hành các nghi lễ cưới xin vào buổi tối theo phong tục đặc trưng truyền thống của người Khơ-mú. Ngược lại, chú rể người Khơ-mú lại phải tôn trọng và tiến hành một trong những tập tục trong hôn nhân truyền thống đậm bản sắc của dân tộc bên cô dâu. Điều này càng làm cho bức tranh hôn nhân của người Khơ-mú ở Văn Chấn thêm sinh động, đa sắc màu.

Theo trên, một yếu tố được cho là khá cơ bản tồn tại trong hôn nhân truyền thống của người Khơ-mú cũng có sự thay đổi trong một bộ phận gia đình Khơ-mú hiện nay. Đó chính là sự biến đổi về thời gian tiến hành các nghi lễ đám cưới. Trong đám cưới truyền thống của người Khơ-mú, thời gian các nghi lễ diễn ra đều vào buổi tối, bắt đầu từ 6 - 7h tối. Đây là nét đặc trưng nổi bật trong hôn lễ của người Khơ-mú. Theo đồng bào giải thích: đám cưới là một trong những việc trọng đại của mỗi gia đình người Khơ-mú nên phải trình báo với tổ tiên ma nhà bởi vì đồng bào quan niệm ma nhà phải được biết tất cả công to việc lớn trong gia đình (có lập bếp thờ tổ tiên) để phù hộ giúp đỡ... Do vậy tất cả các nghi lễ đều được đồng bào tiến hành vào buổi tối với quan niệm ban ngày thời gian của người sống, còn ban đêm là thời gian của người đã khuất (của ma). Và thêm lý do nữa là buổi tối mới có đông đủ mọi người trong gia đình, dòng họ cùng bà con thôn bản đến dự vì ban ngày tất cả phải lo làm nương rẫy.

Nhưng hiện nay không phải tất cả các gia đình đều thực hiện các nghi thức trong đám cưới vào ban đêm, mà lác đác đã có trường hợp gia đình người Khơ-mú tổ chức vào ban ngày, đó là những trường hợp gia đình chưa lập bếp thờ, nên họ cho rằng việc tiến hành các nghi lễ cưới hỏi vào ban ngày không ảnh hưởng gì đến việc làm trái với phong tục tập quán trong hôn nhân truyền thống.

Có thể nhận thấy rõ hiện nay lễ cưới của người Khơ-mú có sự biến đổi về quy mô. Đây là sự biến đổi vừa mang tính khách quan, vừa mang tính chủ quan của đồng bào Khơ-mú. Sự biến đổi về quy mô được thể hiện rõ ở số lượng người dự đám cưới, đối tượng mời dự, cùng với số lượng mâm cỗ trong đám cưới. Trước đây mỗi bản Khơ-mú nhiều cũng chỉ có 5 - 7 nóc nhà, đến nay đã tăng nhiều lần, theo thời gian số dòng họ trong xã ngày một gia tăng, mỗi dòng họ lại phát triển đông lên nhiều về số lượng. Cùng với việc mở rộng mối quan hệ với các đồng bào dân tộc khác quanh vùng, khách mời trong đám cưới người Khơ-mú hiện nay khá đông. Theo truyền thống từ xưa đến nay, khách mời dự cưới ngoài anh em họ hàng trong dòng họ, họ còn mời tất cả các gia đình trong thôn bản mình đến dự không thiếu một ai.

Ngày nay, tùy vào mối quan hệ của từng gia đình, khách mời dự cưới còn được mở rộng ra ngoài phạm vi thôn bản nên số lượng người dự cưới tăng lên nhiều so với trước đây. Tỷ lệ thuận với số lượng người dự cưới là số mâm cỗ cưới. Hiện nay một đám cưới trung bình cũng phải chuẩn bị từ 15- 20

Một phần của tài liệu Phát huy giá trị văn hóa trong hôn nhân và tục lệ cưới xin của người Khơ Mú ở huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái (Trang 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)