Phát huy giá trị văn hóa trong hôn nhân

Một phần của tài liệu Phát huy giá trị văn hóa trong hôn nhân và tục lệ cưới xin của người Khơ Mú ở huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái (Trang 79)

Hãy bỏ qua một vài tục lệ quá lạc hậu, lỗi thời, nhìn chung hôn nhân truyền thống của người Khơ-mú ở Văn Chấn, tỉnh Yên Bái vẫn hàm chứa nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp mà chúng ta có thể khai thác, phát huy được vai trò của nó trong cuộc sống ngày nay.

Trước hết là giá trị nhân văn. Đó là sự khuyến khích xây dựng một tổ ấm gia đình để cho cuộc đời khỏi cô đơn, hiu quạnh. Đó là nhu cầu và quyền lợi chính đáng của họ cần được thực hiện. Con người có tư duy, có tình cảm, có hoài bão, ước mơ và biết khẳng định mình bằng khả năng lao động, sáng tạo. Họ không thể sống cô đơn, buồn tẻ mà phải có một tổ ấm yên vui, hạnh phúc. Sự thừa nhận, ủng hộ và tổ chức hôn nhân cho từng cá thể của gia đình và cộng đồng là cơ sở vô cùng quan trọng để con người thiết lập một tổ ấm vững chắc giúp họ thoát khỏi vực sâu buồn tẻ.

Quan niệm về hôn nhân của người Khơ-mú thật bình dị nhưng cũng rất thiết thực và phù hợp với quy luật tiến hóa của nhân loại. Trai gái khi đến tuổi trưởng thành thì tìm đến với nhau, chung sống với nhau và sinh con đẻ cái để duy trì cuộc sống. Hôn nhân vừa đáp ứng nhu cầu sinh lý, vừa bảo tồn nòi giống và cung cấp nhân lực để sản xuất, tự vệ. Với mong muốn cho con em mình có cuộc sống ổn định hạnh phúc, gia định và cộng đồng thường xuyên giáo dục, nhắc nhở, vận động họ thực hiện tốt vấn đề hôn nhân. Những người đã đến tuổi mà không chịu lấy vợ, lấy chồng thì trước hết là thiệt thòi cho bản thân vì không có con cháu giúp đỡ, nuôi dưỡng khi già yếu; sau nữa là có tội với bố mẹ, họ hàng và xã hội. Những người như vậy bị xem như là không bình thường và bị cộng đồng kỳ thị, chê trách, thậm chí là lên án. Luồng sức

ép ấy thực chất là thể hiện trách nhiệm của thế hệ trước đối với thế hệ sau, của cộng đồng đối với cá thể buộc trai gái đến tuổi phải lo chuyện kết hôn chứ không thể bàng quan, hờ hững để cho cuộc đời dở dang khi “quá lữa, nhỡ thì”.

Tính nhân văn còn được thể hiện sâu sắc qua các tiêu chí, quy định, quy ước trong hôn nhân truyền thống của người Khơ-mú như vấn đề phi môn đăng hậu đối; tự do yêu đương; một vợ một chồng; ngoại hôn dòng họ; nội hôn đồng tộc; cấm ngoại tình, loạn luân…

Đối vời người Khơ-mú ở Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, khi trai gái tìm hiểu nhau để tiến tới hôn nhân thì bố mẹ hai bên không nặng về chuyện “môn đăng hậu đối” - nghĩa là không đòi hỏi sự tương xứng về kinh tế hoặc địa vị xã hội giữa hai gia đình như người Kinh, người Thái hay một số dân tộc khác. Điều đó đã tạo nên sự bình đẳng trong hôn nhân, không ràng buộc người con trai và người con gái vì những vướng mắc gia định mà bỏ qua một tình yêu đích thực của họ.

Tiêu chuẩn chọn vợ, chọn chồng của người Khơ-mú cũng rất thiết thực, chính đáng. Đó là đạo đức, sức khỏe và khả năng lao động. Ba thứ ấy sẽ là nền tảng để tạo nên một tổ ấm gia đình vững chắc. Nó không chỉ phù hợp với cuộc sống đương thời của người Khơ-mú mà cũng có thể nói là tiêu chuẩn cơ bản cho các cuộc hôn nhân khác trong nhiều thời đại.

Tự do yêu đương là điểm sáng trong hôn nhân truyền thống người Khơ- mú. Nó đảm bảo tính tự do, nhân quyền cho con cái khi đến tuổi trưởng thành, khi quyết định việc trọng đại của đời mình. Dù là chế độ phụ hệ nhưng bố mẹ chỉ định hướng cho con, giúp đỡ con những điều cần thiết để có được một cuộc hôn nhân tốt đẹp chứ không ép buộc con phải lấy người này, người nọ theo ý muốn của gia đình. Dĩ nhiên, chọn được cô dâu, chú rể phù hợp với cả đôi bên cũng là điều cần thiết. Điểm sáng này cần phải trân trọng, giữ gìn vì tự do yêu đương là quyền lợi tối cao của tuổi trẻ.

Chế độ một vợ một chồng trong hôn nhân của người Khơ-mú thể hiện tính công bằng xã hội và bình đẳng giới trong một xã hội đang tồn tại giai cấp. Trong thời phong kiến, hiện tượng đa thê ở nước ta khá phổ biến, nhất là những người giàu có hay quan chức. Tình trạng “năm thê bảy thiếp” thường tạo ra những mâu thuẫn giữa vợ cả-vợ lẽ, giữa những đứa con của “bà lớn”- “bà bé” do thái độ ứng xử và chênh lệch quyền lợi đã gây ra sự mất đoàn kết trong gia đình. Phải sau Cách mạng tháng tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời mới xóa bỏ được. Đã từ rất lâu, người Khơ-mú ở (Văn Chấn - Yên Bái) lại không có hiện tượng này (hay nói chính xác hơn là chỉ có một vài trường hợp cá biệt). Một dân tộc ở vùng cao, vùng xa bị xem là lạc hậu hơn các dân tộc khác nhưng lại có sự tiến bộ đáng kể trong hôn nhân thì đấy là điểm cần lưu ý và đặt ra một câu hỏi lớn cho mọi người. Qua khảo sát thực tế ở địa bàn Nghĩa Sơn, chúng tôi thấy không phải vì đói nghèo mà người Khơ-mú ở đây không dám lấy nhiều vợ, vấn đề cốt lõi là họ không muốn tình yêu bị san sẻ ra nhiều người làm giảm mất ý nghĩa thiêng liêng, cao cả vốn có của tình yêu theo quan niệm của họ. Hành vi tiến bộ này cần được ghi nhận, gìn giữ và phát huy.

Ngoại hôn dòng họ, cấm loạn luân là để chống sự thoái hóa về nòi giống, đảm bảo sự phát triển bền vững cho tộc người theo học thuyết tiến hóa của Đác-uyn. Hôn nhân cùng huyết thống sẽ làm cho các thế hệ sau suy yếu về thể xác lẫn trí tuệ và nếu kèo dài, liên tục thì có thể bị biến dạng, triệt tiêu. Các nhà khoa học đã chứng minh điều đó bằng những thí nghiệm công phu, kiên trì qua loài chuột và thu được kết quả đáng tin cậy. Người Khơ-mú trước đây không được học hành mà họ vẫn có “cái lý của họ”. Họ đã vượt qua mọi trở ngại để đưa “cái lý” này vào quy ước hôn nhân vì như chúng ta đã biết: Người Khơ-mú ở Nghĩa Sơn rất ít, lại chỉ được kết hôn với người đồng tộc nên nếu trừ họ hàng ra thì còn lại bao nhiêu nữa để mà cưới hỏi nhau. Với cuộc sống khép kín, lại bị các dân tộc khác kỳ thị, coi thường (nhất là người

Thái) nên họ rất khó giao thiệp, mở rộng ra khỏi làng bản bé nhỏ của mình. Do vậy nội hôn đồng tộc là một giải phát thiết thực để tăng dân số của dân tộc nhằm làm cho người Khơ-mú không bị lép vế, đồng thời cũng là thể hiện tính độc lập, tự trọng của họ. Ngày nay ý thức “khép kín” là một hạn chế nhưng ngày xưa thì phải chấp nhận vì không khép cũng không được, người Thái chỉ xem người Khơ-mú là nô lệ của mình chứ không phải là đồng đẳng. Đã thế có muốn hôn nhân ngoại tộc cũng không phải là chuyện dễ khi chưa có những chính sách đúng đắn về dân tộc của Nhà nước.

Hôn nhân của người Khơ-mú (nói riêng) và của nhiều dân tộc khác (nói chung) còn có một giá trị văn hóa gián tiếp rất đáng quan tâm. Đó là văn hóa tín ngưỡng phồn thực. Cư dân nông nghiệp thời xưa rất coi trọng tính giao đực-cái. Đó là sự giao hòa âm-dương để tạo ra sự sinh sôi nảy nở cho con người và muôn vật. Họ đã sử dụng “ma thuật giao cảm” - mô phỏng cái đã có để sinh ra cái cần có cho mình. Không chỉ là người Khơ-mú hay người Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng có chung một quan niệm: Muốn cho cây trồng và vật nuôi sinh sôi nảy nở thì phải có sự giao hòa đực-cái. Quan hệ tính giao của con người sẽ là “tấm gương” cho gia súc, cây cối và đất đai học theo. Vì thế mà trong các lễ hội họ đã tạo điều kiện thuận lợi cho trai gái gần gũi, yêu đương để tăng thêm sức sống cho mọi vật. Họ cho rằng muốn cho đất đai phì nhiều thì con người phải truyền thêm sinh khí cho nó. Vì vậy các chủ đất tha thiết có những đôi trai-gái yêu đương, giao phối ngay trên đất của mình. Nếu không được thế thì bản thân gia chủ phải tự giải quyết để đất đai khỏi bị cằn cỗi: Từ các tư liệu dân tộc học cũ, chúng ta biết được những biểu hiện rất rõ rệt của tư tưởng ma thuật về mối quan hệ giới tình của con người với sự phì nhiêu của đất đai.

Tục “đâm mo” ở làng Trám; tục “tắt đèn” ở làng La; tục “chen” v.v… trong các ngày hội của Việt Nam cũng xuất phát từ quan niệm ấy dù nó được ẩn náu dưới hình thức này hay hình thức khác.

Rõ ràng là về phương diện nào đó, hôn nhân cũng là một lễ hội tình dục - một hoạt động tín ngưỡng phồn thực nhằm kích thích sự sinh sôi nảy nở, mùa màng tốt tươi. Cho nên khi nói về giá trị văn hóa của hôn nhân mà không nhắc đến giá trị này thì sẽ là một thiếu sót đáng trách.

Một phần của tài liệu Phát huy giá trị văn hóa trong hôn nhân và tục lệ cưới xin của người Khơ Mú ở huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái (Trang 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)