Phát huy giá trị văn hóa trong tục lệ cưới xin

Một phần của tài liệu Phát huy giá trị văn hóa trong hôn nhân và tục lệ cưới xin của người Khơ Mú ở huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái (Trang 83)

Những giá trị văn hóa dễ nhận ra trong tục lệ cưới xin của người Khơ- mú ở Văn Chấn, tỉnh Yên Bái là văn hóa phản ánh phong tục và văn hóa ứng xử.

Để có một cuộc hôn nhân trọn vẹn, người Khơ-mú phải thực hiện một hệ thống tục lệ cưới xin “liên hoàn” bao gồm nhiều bước mà bước nào cũng quan trọng, cũng thiêng liêng và chặt chẽ. Ngay trong tục lệ đầu tiên là “ tìm hiểu” cũng đã thể hiện thái độ lịch sự, tôn trọng lẫn nhau giữa đôi trai gái định gắn kết cuộc đời với nhau. Người con trai đến tìm hiểu bạn gái trong tâm thế đàng hoàng, minh bạch và có sự quan tâm của bạn bè chứ không lủi thủi, lén lút. Anh ta không chủ quan, sỗ sàng mà phải từng bước xin phép gia đình và bản thân người bạn gái thông qua điệu kèn, tiếng sáo do phong tục quy định. Chờ khi có tín hiệu chấp thuận, chàng trai mới bước vào nhà gặp gỡ, thể hiện nguyện vọng chính đáng của mình trước sự chứng kiến của người bạn trai đi cùng. Điều này sẽ tạo nên sự tin tưởng, yên tâm của cô gái và gia đình vì đã có “nhân chứng” chứ không sợ “lời nói gió bay”. Chỉ mới là “tìm hiểu” nhưng chính ngay trong lễ này họ đã buộc nhau lại khá chặt nếu như đó là một tình yêu thực sự thông qua tục “đốt dao rựa cháy đen để chà răng” đính ước. “Lễ ăn hỏi” được tiến hành hai lần đã thể hiện rõ ràng quan điểm của hai gia đình về vấn đề hôn nhân của đôi trai gái. Đây là sự cam kết của cả hai bên trước sự chứng kiến của Tổ tiên ma nhà, của bố mẹ và họ hàng nên bên nào thay đổi thì bên ấy phải chịu trách nhiệm. Cũng kể từ đấy, đôi trai gái phải có trách nhiệm củng cố, vun đắp cho tình yêu của mình đi đến hôn nhân chứ không được “đứng núi này trông núi nọ” mà làm dở duyên nhau ra. Về lễ vật cũng

giản tiện, không muốn gây phiền hà cho nhau nhưng họ rất chú trọng đến tinh thần như họ đã từng nói: “Buộc lạt thì phải buộc hai lần mới chặt”.

Người Khơ-mú không theo chế độ mẫu hệ nhưng vẫn có tục ở rể một thời gian để tạo điều kiện cho chú rể có cơ hội gần gũi bố mẹ vợ, giúp đỡ bố mẹ vợ trước khi đưa hẳn cô dâu về nhà mình. Đây cũng là một dịp thử thách thêm chú rể, bày dạy cho chú rể những hiểu biết cần thiết để sau này làm chủ gia đình không lúng túng, bỡ ngỡ; đồng thời cũng là dịp để cho chú rể thể hiện lòng hiếu thảo của mình đối với bố mẹ vợ qua cách sống và qua công việc thực tế trên nương rẫy.

Lễ kết hôn và lễ đón dâu được đồng bào Khơ-mú tổ chức rất long trọng. Đây không chỉ là ngày vui lớn của cô dâu, chú rể; của hai gia đình và họ hàng nhà trai, nhà gái mà còn là ngày vui lớn của bản làng. Trong những ngày lễ này, bà con tụ tập đông vui trong hai gia đình để giúp việc, ăn uống, chúc mừng cho đôi trai gái của cộng đồng mình nên vợ nên chồng. Đối với những người gia đình cưới dâu mà có thờ ma nhà là Tổ tiên thì có tục lệ uống rượu cần rất vui vẻ. Tuy đời sống vật chất có khó khăn nhưng vào dịp cưới xin thì chủ nhà vẫn tổ chức ăn uống rất thịnh soạn và được bà con nhiệt tình tham dự. Họ xem đây là ngày lễ trọng đại trong vòng đời người nên phải chứng kiến, chung vui và tạo thêm không khí kết đoàn, đầm ấm. Nhiều tiết mục văn nghệ được diễn ra trong ngày cưới như nhảy múa, hát nghi lễ, hát đối đáp giao duyên để chúc mừng cô dâu, chú rể.

Tục lệ cưới xin trong hôn nhân của người Khơ-mú đã phản ánh một hệ thống phong tục về vòng đời người ở giai đoạn trưởng thành. Có thể nói đó là những nét đẹp trong tư duy, trong nếp sống, trong sinh hoạt được hội tụ vào trong tục lệ cưới xin. Các tục lệ này đã làm nền cho hôn nhân thêm trang trọng, thêm cao quý, thiêng liêng và đã tạo nên những nét đặc sắc trong văn hóa phong tục của người Khơ-mú mà chúng ta cần phải trân trọng để hiểu thêm về họ.

Văn hóa ứng xử trong tục lệ cưới xin của người Khơ-mú được thể hiện thật rõ nét. Đó là thái độ hòa nhã, niềm nở, quý mến và tôn trọng lẫn nhau ngay cả trong lời nói, trong từng cử chỉ. Mỗi khi đại diện bên nhà trai đến nhà gái để thực hiện các tục lệ cưới xin thì đều được nhà gái tiếp đãi nồng hậu từ khâu chào đón, chuyện trò, ăn uống, nghỉ ngơi… Nhà trai cũng ứng đáp rất lịch sự, tế nhị để tỏ ra mình là người biết điều. Hai bên trao đổi, chuyện trò với nhau bằng những lời lẽ khiêm tốn, tình cảm. Các ông mối vốn là những người hiểu biết, lợi khẩu, có tài đối đáp nhưng đứng trước nhà gái, họ lại tỏ ra mình là người ngờ nghệch, vụng về “như con hổ không may mắn, như con chim không biết hót, như cây cối không biết cọ nhau”. Dù họ đã hiểu rõ cái giá của chú rể là rất tương xứng với cô dâu, đã được cô dâu sơ bộ chấp nhận nhưng vẫn cứ nói những lời rất khiêm nhường: “Không biết cháu trai nhà tôi có xứng đáng là con rể của ông bà hay không”. Lễ vật ăn hỏi thì chẳng thiếu một thứ gì do chính họ mang đi nhưng lại nói: “Dù chỉ có mớ rau, miếng thịt nhưng chúng tôi đã chuẩn bị để làm lễ ăn hỏi cho hai cháu, mong ông bà thông cảm cho”.

Về phía nhà gái cũng vậy, họ không phải là không đánh giá được con mình và không phải là không biết bên nhà trai đang khao khát được đón về làm dâu nhưng vẫn cứ nói một cách tội nghiệp: “Con tôi người thì thấp bé, nhiều chấy, nhiều rận, lại còn lười biếng, tôi nói ra đây thì có vẻ tự cao, tự đại, làm to như con Diều hâu, làm dài như con Rắn nhưng ví “lý lối” từ xưa để lại nên mong các ông thông cảm. Không biết con gái nhà tôi có xứng đáng làm dâu ông bà bên ấy hay không”.

Kể cả khi phải giải quyết những việc gây cấn có thể đụng chạm đến quyền lợi của nhau, xúc phạm danh dự của nhau thì họ vẫn ôn tồn và dùng những lời lẽ phù hợp để thuyết phục nhau: “Hôm nay tôi không nói cũng không được, không đặt lễ cũng không xong vì là cái “lý lối” từ xưa để lại nên

tôi và các ông phải tuân thủ. Tuân thủ thì cũng như là ép buộc các ông phải mang lễ vật đến làm lễ cho gia đình chúng tôi”.

Dù dùng lời lẽ từ tốn như vậy nhưng ở những vấn để cần thiết thì họ vẫn có thể “buộc” nhau lại được mà không làm khó nhau để đảm bảo hòa khí lâu dài khi đã thành dâu, thành rể, thành thông gia, họ hàng

Văn hóa ứng xử trong tục lệ cưới xin càng được bộc lộ rõ ràng hơn qua tinh thần đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Dựng vợ, gả chồng là việc lớn trong một đời người nên đám cưới cần phải được tổ chức trọng đại và tốn nhiều công của. Những người nghèo khó không thể tự mình lo nổi trong một lúc thì phải nhờ sự giúp đỡ của anh em, bà con, họ hàng. Đây cũng là cái “nợ đồng lần” mà người sau giúp đỡ người trước rồi đến lượt người trước lại giúp người sau. Trên tinh thần ấy, bà con cộng đồng sẽ tự nguyện giúp đỡ gia đình chủ tùy theo quan hệ và khả năng của mình. Người thì giúp gạo, nếp; người thì giúp thịt, rượu hay giúp tiền để mua sắm, chi tiêu cho đám cưới; người thì giúp bát đĩa, xoong chảo để tặng cô dâu, chú rể lúc ra ở riêng. Sự giúp đỡ nhiều mặt này đã khẳng định lòng nhân ái và cách ứng xử đẹp của cộng đồng làng bản Khơ-mú đối với các thành viên của mình.

Có khá nhiều hiện tượng qua các tiểu lễ trong tục lệ cưới xin cũng thể hiện văn hóa ứng xử rất đậm đà như việc: một số thanh niên bên họ nhà trai đi cùng chú rể để giúp đỡ, động viên chàng lúc đi ở rể; những lời “lý” của bà con khuyên răn đôi vợ chồng trẻ về cách làm ăn, cách tổ chức cuộc sống trong gia đình mới. Những lời “lý” tạ ơn cha mẹ của chú rể, cô dâu; “lý” nhà gái tiếp nhà trai; “lý” tạ ơn ông mối; trao của hồi môn; giao nộp cô dâu v.v…

Nhờ sự quan tâm đúng mức của gia đình và cộng đồng; nhờ cách ứng xử tế nhị, khéo léo qua các tục lệ cưới xin mà những cặp vợ chồng người Khơ-mú ở Nghĩa Sơn huyện Văn Chấn đã sống với nhau khá hạnh phúc. Họ cần cù lao động, chăm lo vun đắp tổ ấm gia đình; nuôi dạy con cái khôn lớn, vợ chồng hòa thuận, tôn trọng lẫn nhau; nếu không có con thì xin con nuôi

chứ vợ chồng không lý dị, không đi lấy người khác. Đó là những nét đẹp được gìn giữ và phát huy.

Một phần của tài liệu Phát huy giá trị văn hóa trong hôn nhân và tục lệ cưới xin của người Khơ Mú ở huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái (Trang 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)