Tổng kết các nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm về các yếu tố tác động đến rủi ro tín dụng cho thấy có nhiều yếu tố quan trọng tác động đến rủi ro tín dụng.
Từ những thành công của các nghiên cứu trước đây trong việc ứng dụng mô hình hồi quy Binary Logistic trong nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng, trong luận văn này tác giả cũng sử dụng mô hình Binary Logistic để đo lường các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng trong hoạt động cho vay tại Ngân hàng TMCP Á Châu.
Theo tác giả Hoàng Tùng (2011) thì mô hình hồi quy Logistic nghiên cứu sự phụ thuộc của một biến nhị phân vào các biến độc lập khác. Mục đích của mô hình này sử dụng các nhân tố ảnh hưởng đến doanh nghiệp (biến độc lập) để xác định khả năng những doanh nghiệp này có rủi ro tín dụng (biến phụ thuộc) là bao nhiêu. Theo Hoàng Tùng, mô hình hồi quy Logistic có thể được viết dưới dạng:
Y* = ß0 + ß1X1i + …+ ßkXki + Ci
Vì Y(x) là biến nhị phân có thể được giải thích:
Yi = 0 nếu không trả được nợ (có rủi ro tín dụng) và 1 nếu trả được nợ (không có rủi ro tín dụng)
Tác động biên của Xi lên Pi (ΔXi/ΔPi) được đo lường bằng công thức: ΔXi/ΔPi = ßi x Pi (1-Pi), ý nghĩa của nó là giải thích cho biết xác suất xảy ra rủi ro cao hơn (thấp hơn) bao nhiêu đơn vị khi Xi tăng (giảm) 1 đơn vị và trong điều kiện các biến khác
không đổi.
Trong nghiên cứu của mình, Lê Khương Ninh (2012) đã tóm tắt lại mô hình Logistic có dạng:
Y = ln [Pi /(1-Pi)] = ß0 + ß1X1 + …ßnXn + Ɛ (1)
Trong đó:
- Pi là xác suất xảy ra hiện tượng đang quan tâm, ở luận văn này đó là rủi ro tín dụng. Trong nghiên cứu này qui ước các khoản vay có rủi ro là những khoản vay thuộc nhóm 2, 3,4 và 5; các khoản vay không có rủi ro là những khoản vay thuộc nhóm 1.
- ßi là các hệ số ước lượng (hệ số tương quan), đo lường sự thay đổi trong tỷ lệ của các xác suất xảy ra sự kiện với một đơn vị thay đổi trong biến độc lập Xi.
- Xi là các biến độc lập, là các biến đại diện cho các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng.
Công thức (1) cho phép xác định ảnh hưởng của các biến Xi đến xác suất xảy ra RRTD.
ßi ΔXi = ΔPi/[Pi(1-Pi)] hay ΔP1/ΔXi = ßiPi(1-Pi) (2)
Công thức (2) trên cho phép xác định ảnh hưởng của các biến đến Pi (xác suất xảy ra RRTD). Và để làm được điều đó, các nhà nghiên cứu như Pindyck và Rubinfeld (2004); Youn và Gu, 2010...sử dụng giá trị ban đầu Pi = 50% vì nếu một hiện tượng ngẫu nhiên ở đây là RRTD có hai khả năng xảy ra thì xác suất xảy ra một trong hai khả năng đó là 50%.
Mô hình nghiên cứu của Trương Đông Lộc và Nguyễn Thị Tuyết (2010 và 2011) thực hiện việc phân tích và đo lường mối quan hệ tương quan của các yếu tố tác động đến rủi ro tín dụng. Trong đề tài nghiên cứu về “Các nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng của các ngân hàng thương mại nhà nước ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long”, tác giả Trương Đông Lộc và Nguyễn Thị Tuyết đã đưa vào mô hình các yếu tố tác động đến rủi ro tín dụng đó là khả năng tài chính của người vay, đảm bảo nợ vay, lĩnh vực ngành nghề chính tạo ra thu nhập để trả nợ, kiểm tra – giám sát nợ vay, kinh nghiệm của cán bộ tín dụng và kinh nghiệm của người vay.
Còn trong nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Chi Nhánh TP Cần Thơ, những yếu tố tác động được tác giả Trương Đông Lộc và Nguyễn Thị Tuyết đưa vào đó là kinh nghiệm của khách hàng đi vay, khả năng tài chính của khách hàng vay, tài sản đảm bảo, sử dụng vốn vay, kinh nghiệm của cán bộ tín dụng, đa dạng hóa hoạt động kinh doanh và kiểm tra giám sát khoản vay. .
Dựa trên mô hình nghiên cứu của tác giả Trương Đông Lộc và Nguyễn Thị Tuyết (2010 và 2011), tác giả xin kế thừa và sử dụng các biến để đưa vào mô hình kiểm định các yếu tố tác động đến rủi ro tín dụng bao gồm 7 biến từ X1 đến X7.
Mô hình hồi quy Logistic trong luận văn này của tác giả sẽ có dạng: Y = ß0 + ß1X1 + ß2X2 + ß3X3+ ß4X4+ ß5X5+ ß6X6 + ß7X7
Trong đó biến phụ thuộc Y là Rủi ro tín dụng và 7 biến độc lập gồm Ngành nghề kinh doanh, khả năng tài chính, tài sản đảm bảo, kinh nghiệm người vay, kinh nghiệm cán bộ tín dụng, sử dụng vốn vay, kiểm tra giám sát nợ vay. Mô hình cụ thể:
RUIRO = ßo + ß1NGANH + ß2KHANANGTC + ß3TSDAMBAO +
ß4KNNGUOIVAY + ß5KNCBTD + ß6SUDUNGVV + ß7KTRAGS.
* Ngành nghề kinh doanh chính (X1)
Đây là biến được lựa chọn làm đại diện cho các yếu tố vĩ mô (môi trường kinh tế, môi trường pháp lý…). Yếu tố vĩ mô có mức độ ảnh hưởng khác nhau đối với từng ngành nghề, mỗi ngành nghề kinh doanh sẽ có mức độ rủi ro khác nhau. Rủi ro mỗi ngành nghề sẽ tác động đến rủi ro tín dụng khi đối với khoản vay của khách hàng.
Những nghiên cứu thực tế cũng đã cho thấy khách hàng kinh doanh ngành nghề khuyến khích hay không sẽ ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng. Abhiman Das and Saibal Ghosh (2003) đã nghiên cứu và cho kết quả thấy cho vay những khách hàng có danh mục kinh doanh không khuyến khích, nhiều rủi ro sẽ có tác động đến rủi ro tín dụng. Nor Hayati Ahmad và Shahrul Nizam Ahmad (2003) cũng đã đưa ra mô hình nghiên cứu một trong những yếu tố tác động rủi ro tín dụng đó là khoản cho vay trong lĩnh vực có tính rủi ro cao, đó là các ngành kinh doanh chứng khoán và
bất động sản. Theo qui định của Ngân hàng Nhà nước thì khách hàng kinh doanh những ngành chứng khoán, bất động sản được xếp vào ngành không khuyến khích. Tuy nhiên hiện tại những ngành xây dựng, xây lắp cũng được xem là ngành có nhiều rủi ro.
Giả thuyết 1: Khách hàng kinh doanh ngành nghề có tính rủi ro/không khuyến khích (ngành kinh doanh chứng khoán, bất động sản, xây dựng) sẽ tác động cùng chiều đến rủi ro tín dụng tại Ngân hàng TMCP Á Châu.
* Khả năng tài chính của người vay (X2)
Theo Trương Đông Lộc và Nguyễn Thị Tuyết (2011) thì khả năng tài chính của người vay được đo lường bằng tỷ số giữa vốn tự có của khách hàng tham gia vào dự án trên tổng vốn đầu tư của dự án vay vốn.
Theo các nghiên cứu về rủi ro tín dụng thì tiềm lực tài chính của người vay càng mạnh sẽ làm cho khả năng chịu đựng rủi ro của người vay càng cao. Nói cách khác, nếu vốn tự có của người vay trong dự án càng lớn thì dự án dễ thành công hơn, khả năng xảy ra rủi ro tín dụng càng thấp và ngược lại. Chính vì vậy, trong bài nghiên cứu này, tác giả kỳ vọng rằng nếu vốn tự có của người vay tham gia vào dự án vay càng lớn thì bên cạnh việc chi phí phải trả cho phần vốn vay thấp thì họ cũng sẽ đầu tư thời gian và sự quan tâm nhiều hơn và như vậy rủi ro sẽ thấp hơn, hay năng lực tài chính của người vay có quan hệ tỷ lệ thuận với khả năng trả nợ hay nói cách khác là tỷ lệ nghịch với rủi ro tín dụng.
Do đó, tác giả đề xuất giả thuyết:
Giả thuyết 2: Khả năng tài chính của người vay tác động ngược chiều đến rủi ro tín dụng tại Ngân hàng TMCP Á Châu
* Tài sản đảm bảo nợ vay (X3)
Đây là biến phần nào đo lường được tiềm lực tài chính của khách hàng vay. Khoản vay có tài sản đảm bảo sẽ chắc chắn hơn và khả năng thu hồi nợ cao hơn vì lúc đó người vay bị ràng buộc nghĩa vụ thanh toán nợ cho ngân hàng, khách hàng có áp lực để trả nợ để giữa tài sản của mình. Bên cạnh đó, khi người vay có tài sản đảm bảo (hoặc người thân dùng tài sản để bảo lãnh) cũng thể hiện được rằng tiềm
lực tài chính và quá trình tích lũy tài chính của khách hàng ở mức độ nào. Biến tài sản đảm bảo được đo lường bằng tỷ số giữa số tiền vay và giá trị tài sản đảm bảo.
Tuy nhiên, việc định lượng như trên chỉ mang tính tương đối vì còn phụ thuộc vào loại tài sản bảo đảm thuộc nhóm nào. Nếu tài sản đảm bảo là số dư tài khoản, sổ tiết kiệm thì tỷ lệ cho vay có thể lên 100% nhưng vẫn an toàn. Nếu tài sản đảm bảo là bất động sản thì tỷ lệ cho vay là 80%-85% vẫn là an toàn và trong đó lại tùy thuộc vào bất động sản là đất ở-nhà ở, đất nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh hay đất hỗn hợp… Nếu tài sản đảm bảo là máy móc thiết bị, hàng tồn kho, khoản phải thu, tín chấp thì tỷ lệ cho vay ở mức 80%-85% là hoàn toàn không an toàn. Vì thế, trong nghiên cứu này tác giả muốn lưu ý thêm về loại tài sản đảm bảo để có sự điều chỉnh tỷ lệ cho vay đối với khách hàng vay có tài sản thế chấp là hàng tồn kho, khoản phải thu, tín chấp trong mẫu nghiên cứu. Việc xét đến loại tài sản đảm bảo có thể được xem là một điểm mới của nghiên cứu vì hầu hết các nghiên cứu trước đây về rủi ro tín dụng đều quy đồng các loại tài sản đảm bảo là như sau.
Nghiên cứu của Sinkey và Greenwalt (1991); Dash và Kabra (2010) cũng đã tìm thấy quan hệ cùng chiều giữa tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản và nợ xấu.
Tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản đề cập đến sự chấp nhận rủi ro của các ngân hàng đối với các khoản nợ xấu. Nguyên nhân là các ngân hàng có tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản cao có thể dẫn tới các khoản nợ xấu cao hơn trong thời kỳ nền kinh tế suy thoái.
Nghiên cứu của Berger và DeYoung (1997); Ahmad (2003) cho thấy tài sản đảm đảo có tính rủi ro càng cao thì rủi ro tín dụng càng cao.
Giả thuyết 3: Tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo tác động cùng chiều đến rủi ro tín dụng tại Ngân hàng TMCP Á Châu
* Kinh nghiệm kinh doanh của khách hàng vay (X4)
Yếu tố kinh nghiệm phần nào thể hiện được năng lực quản trị, kinh nghiệm kinh doanh của khách hàng vay. Vì vậy biến kinh nghiệm được lựa chọn để đo lường sự tác động của các yếu tố năng lực, kinh nghiệm kinh doanh đến rủi ro tín dụng khi cho vay. Ta thấy rằng những người có kinh nghiệm thường đạt kết quả tốt
hơn những người ít kinh nghiệm dù là thực hiện công việc gì.
Trương Đông Lộc và Nguyễn Thị Tuyết (2010) cho kết quả yếu tố kinh nghiệm của người vay có mối quan hệ nghịch với rủi ro tín dụng, nghĩa là người vay càng có kinh nghiệm trong ngành kinh doanh tạo thu nhập trả nợ thì rủi ro tín dụng càng thấp.
Tuy nhiên ta cần lưu ý trong xây dựng biến này, đối với những khách hàng cá nhân có mục đích vay là vay tiêu dùng và nguồn thu nhập trả nợ vay là lương hàng tháng thì kinh nghiệm sẽ là 0 năm, chỉ những trường hợp khách hàng vay có nguồn thu thập từ hoạt động kinh doanh thì mới xác định số năm kinh nghiệm.
Giả thuyết 5: Kinh nghiệm kinh doanh của khách hàng vay có tác động ngược chiều đến rủi ro tín dụng tại Ngân hàng TMCP Á Châu
* Sử dụng vốn của khách hàng (X5)
Biến sử dụng vốn của khách hàng sẽ giúp đo lường yếu tố sử dụng vốn vay của khách hàng có đúng mục đích hay không. Khi xem xét một khoản vay, ngân hàng đánh giá mục đích sử dụng vốn tương ứng với thời gian vay và nguồn trả nợ cho phù hợp. Nếu khách hàng vay sử dụng vốn không đúng mục đích thì sẽ có khả năng trả nợ không đúng hạn.
Kết quả nghiên cứu của Trương Đông Lộc và Nguyễn Thị Tuyết (2011) cho kết quả thấy rằng việc sử dụng vốn của người vay có khả năng hạn chế rủi ro tín dụng cho ngân hàng.
Giả thuyết 5: Sử dụng vốn sai mục đích tác động cùng chiều đến rủi ro tín dụng tại Ngân hàng TMCP Á Châu
* Kinh nghiệm của cán bộ tín dụng (X6)
Biến này được dùng để đo lường yếu tố chuyên môn của cán bộ tín dụng Theo Lê Văn Tư (2005) trong tài liệu Quản trị Ngân hàng Thương mại cũng đã chỉ ra rằng trình độ và kinh nghiệm của cán bộ tín dụng có ảnh hưởng rất lớn đến rủi ro tín dụng. Một cán bộ tín dụng có trình độ và kinh nghiệm chuyên môn không những có khả năng phân tích tình hình tài chính của khách hàng mà còn có thể dự báo và tư vấn cho khách hàng vay. Ngoải ra, trong một số trường hợp khách hàng
vay không trung thực, cán bộ tín dụng có kinh nghiệm có thể có những sự phân tích tuy duy hợp lý để phát hiện ra những điểm trong hồ sơ được khách hàng che giấu để có đủ thông tin trong việc ra quyết định về hồ sơ cũng như đưa ra những phương án dự phòng dành cho khách hàng nếu cho vay. Điều này cho thấy rẳng cán bộ tín dụng có nhiều năm kinh nghiệm thì sẽ hạn chế được rủi ro tín dụng đối với những khoản vay do mình quản lý.
Giả thuyết 6: Kinh nghiệm của cán bộ tín dụng tác động ngược chiều đến rủi ro tín dụng tại Ngân hàng TMCP Á Châu
* Kiểm tra giám sát nợ vay (X7)
Biến này giúp đo lường mức độ kiểm tra sau giải ngân của khoản vay và đo lường sự tác động của hoạt động kiểm tra, giám sát sau cho vay đến rủi ro tín dụng. Thực tế cho thấy có rất nhiều trường hợp xảy ra rủi ro tín dụng là do quá trình kiểm soát sau giải ngân không chặt chẽ, số lần kiểm tra giám sát càng tăng lên thì khả năng xảy ra rủi ro tín dụng càng thấp.
Trong bài nghiên cứu của Trương Đông Lộc (2010 và 2011) cũng cho ra kết quả tương tự. Ông cũng đã đưa ra hai lý do giải thích mối quan hệ nghịch giữa số lần kiểm tra, giám sát và rủi ro tín dụng: (1) Khi thực hiện việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ sẽ đảm bảo cho việc khách hàng sử dụng tiền vay đúng mục đích, từ đó tạo ra thu nhập ổn định để hoàn trả nợ vay theo như phương án vay vốn; (2) Việc ngân hàng mà trực tiếp là cán bộ tín dụng sâu sát với khách hàng sẽ giúp cho việc đôn đốc, thu nợ và xử lý một cách kịp thời các tình huống ngoài dự kiến.
Giả thuyết 7: Kiểm tra, giám sát nợ vay tác động ngược chiều đến rủi ro tín dụng tại Ngân hàng TMCP Á Châu.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Thông qua chương 1, tác giả đã khái quát được cơ sở lý luận về tín dụng, rủi ro tín dụng và một số yếu tố tác động đến rủi ro tín dụng. Đồng thời bằng cách tổng kết các mô hình nghiên cứu trước đây, kế thừa và phát triển, tác giả đã xây dựng mô hình nghiên cứu về các yếu tố tác động đến rủi ro tín dụng tại Ngân hàng TMCP Á Châu.
Trong chương 2, tác giả sẽ tiến hành phân tích thực trạng hoạt động tín dụng và các yếu tố tác động đến rủi ro tín dụng và tiến hành kiểm định mô hình đã đề xuất.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG TMCP Á CHÂU 2.1. Sơ lược về Ngân hàng TMCP Á Châu
2.1.1. Quá trình thành lập và phát triển
Ngân hàng TMCP Á Châu được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1993, là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc triển khai các dịch vụ ngân hàng hiện đại và ứng dụng công nghệ hiện đại vào các dịch vụ ngân hàng.
Tính đến nay, ACB đã hơn 21 năm hình thành và phát triển, ACB đã trở thành ngân hàng có thương hiệu cũng như qui mô lớn trong hệ thống ngân hàng Việt Nam với 346 chi nhánh và phòng giao dịch, số lượng kênh phân phối tăng thêm mỗi năm