Việc không tuân thủ kiểm tra giám sát khoản vay sau giải ngân cũng tác động làm tăng xác suất xảy ra rủi ro tín dụng. Để hạn chế rủi ro tín dụng xảy ra thì cấp quản lý cần kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ qui định kiểm tra giám sát khoản vay, theo qui đinh hiện hành là 3 tháng/lần đối với khoản vay sản suất kinh doanh và 6 tháng/lần đối với khoản vay tiêu dùng. Ngoài ra khi có thông tin có thể gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của khách hàng, thông tin có thể gây rủi ro tín dụng thì cán bộ tín dụng cần kiểm tra đột xuất để kịp thời xử lý những rủi ro phát sinh và tìm ẩn. Đối với những khoản vay được nhận thấy có rủi ro tiềm ẩn thì có thể tăng tần suất kiểm tra, giám sát nhiều hơn để hạn chế rủi ro tín dụng xảy ra.
Cần có cơ chế hữu hiệu để hạn chế trường hợp cán bộ tín dụng không làm đúng qui định, không thực hiện giám sát kiểm tra khoản vay một cách nghiêm túc. Có thể thực hiện kiểm tra chéo khách hàng để tăng tích khách quan trong giám sát. Xây dựng cơ chế kiểm tra nội bộ tại đơn vị để phát hiện những thiếu sót trong hoạt động kiểm tra sau giải ngân nhằm kịp thời điều chỉnh và đôn đốc thực hiện theo đúng qui định. Qui định những biện pháp chế tài khi có cán bộ tín dụng vi phạm. Những điều này sẽ làm cho hoạt động kiểm tra giám sát sau cho vay phát huy được hiệu quả tích cực trong việc hạn chế rủi ro trong hoạt động tín dụng của ngân hàng.
Tóm lại, đề thực hiện mục tiêu là hạn chế rủi ro tín dụng thì ACB cũng như là các cán bộ tín dụng cần biết các yếu tố tác động đến rủi ro tín dụng và đưa ra những phải pháp phù hợp để giảm thiểu. Trong công tác thẩm định hồ sơ, cần phối hợp thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ nhau để đưa đến kết quả duyệt hồ sơ cho chính xác, tránh xảy ra rủi ro tín dụng.
3.4.1 Hoàn thiện hệ thống cơ chế pháp lý
Môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý có vai trò quan trọng đến hoạt động kinh doanh của các cá nhân, doanh nghiệp. Mức độ tác động đối với từng ngành nghề là khác nhau và mức độ rủi ro của mỗi ngành nghề là không giống nhau. Ở Chương 2 của nghiên cứu đã cho thấy có mỗi quan hệ giữa ngành nghề kinh doanh có tính rủi ro của người vay và rủi ro tín dụng là tỷ lệ thuận.
Ở phần này tác giả kiến nghị các cơ quan chức năng, Ngân hàng nhà nước cần đầy mạnh công tác nghiên cứu, thu thập ý kiến và hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chánh nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các khách hàng. Các cơ quan chức năng, ban ngành kinh tế cần phối hợp thực hiện và đặt ra mục tiêu là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho nền kinh tế cũng như là cho vay, hạn chế tình trạng thiếu nhất quán, chồng chéo của các văn bản luật và hướng tới hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và thủ tục hành chánh theo các thông tin quốc tế.
3.4.2 Hoàn thiện hệ thống thông tin
Tạo cơ chế minh bạch thông tin về tình hình kinh tế xã hội, thông tin ngành. Các bộ, ngành cần xây dựng hệ thống kho dự liệu quốc gia và được cập nhật liên lục để dữ liệu có ý nghĩa và giá trị hơn. Các thông tin thu thập về tốc độ tăng trưởng của ngành/lĩnh vực, khu vực; những qui định trong và ngoài nước có ảnh hưởng đến ngành kể cả những ngành có liên quan để các Tổ chức tín dụng có điều kiện sử dụng trong việc đánh giá khách hàng. Ngoài ra cần phải xây dựng được kho dữ liệu về các chỉ tiêu tài chính bình quân theo từng ngành nghề và theo từng quy mô kinh doanh, từ đó các tổ chức tín dụng làm cơ sở để so sánh, đánh giá khi xem xét cho vay.
Xây dựng Hiệp hội ngành đối với các ngành chủ chốt của nền kinh tế và có sự tham gia quản lý của cơ quan chức năng nhằm tạo sự gắn kết trao đổi thông tin giữa các cá nhân/doanh nghiệp kinh doanh trong ngành, đồng thời đó cũng sẽ là cầu nối giữa các doanh nghiệp trong ngành với thị trường bên ngoài trong đó có ngân hàng và cơ quan quản lý Nhà nước. Hiệp hội các ngành sẽ thực hiện các nhiệm vụ về
nghiên cứu thị trường, xúc tiến đầu tư thương mại, dự báo phát triển ngành, tiếp cận thị trường mới, đánh giá và xếp loại các doanh nghiệp trong ngành,… Đây là cơ hội để các doanh nghiệp hỗ trợ thông tin, hợp tác với nhau và các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng và tư vấn từ các cơ quan quản lý.
Tăng cường hiệu quả hoạt động của Trung tâm thông tin tín dụng (CIC), đây là nơi cung cấp thông tin tín dụng duy nhất trong hoạt động tín dụng ngân hàng, từng bước đưa trung tâm này trở thành trung tâm dữ liệu hàng đầu quốc gia về cung cấp thông tin tín dụng, xếp hạng tín nhiệm trong hoạt động tín dụng ngân hàng. Trung tâm CIC cần cập nhật thông tin kịp thời, đúng tiến độ để thông tin đưa lên là có giá trị, các ngân hàng lấy đó làm cơ sở đáp ứng nhu cầu vốn cho khách hàng; tránh đưa thông tin sai lệch cũng như lịch sử tín dụng không chính xác ảnh hưởng đến quyết định cho vay của các tổ chức tín dụng khác.
3.4.3 Tăng cường công tác thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động ngân hàng
Nền kinh tế nói chung hay ngành ngân hàng nói riêng hiện nay có những khó khăn nhất định. Vai trò của cơ quan thanh tra, giám sát hoạt động đối với ngành ngân hàng là rất lớn. Nhằm hỗ trợ cho việc nâng cao hiệu quả giám sát, phòng ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng cho các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần phải đẩy mạnh và tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, giám sát đối với hoạt động của ngân hàng thương mại. Hoạt động thanh tra giám sát ngân hàng hiện nay được thực hiện bởi cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng được thành lập theo Quyết định số 883/2009/QĐ-TTg ngày 27/05/2009.
Định hướng trong tương lai thành lập đơn vị thanh tra ngân hàng độc lập với Ngân hàng nhà nước và chịu sự quản lý, chỉ đạo và hướng dẫn về công tác tổ chức, cán bộ và chuyên môn nghề nghiệp của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng. Nâng cao tính độc lập của thanh tra ngân hàng là một vấn đề vô cùng quan trọng, với định hướng tổ chức lại hệ thống NHNN gọn nhẹ, khắc phục tình trạng cục bộ địa phương, nhất quán trong công tác đánh giá, phương pháp và cách thức giám sát. Cơ quan giám sát của Ngân hàng nhà nước cần đổi mới phương pháp thanh tra
ngân hàng, xây dựng hệ thống phương pháp thanh tra dựa trên cơ sở rủi ro phù hợp với thông lệ quốc tế và các nguyên tắc của Ủy ban Giám sát ngân hàng Basel nhằm nâng cao khả năng cảnh báo sớm những trường hợp nợ có vấn đề, nợ có khả năng xảy ra rủi ro. Phương pháp thanh tra dựa trên cơ sở rủi ro chủ yếu tập trung vào xem xét, đánh giá rủi ro của các TCTD, đánh giá khả năng chống đỡ rủi ro của các TCTD.
Tăng cường sự phối hợp hoạt động của thanh tra NHNN với các bộ phận khác có liên quan và bộ phận kiểm soát nội bộ của các TCTD. Phối hợp giữa các đơn vị độc lập thực hiện kiểm toán các TCTD với cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng. Cần có qui định cho phép thanh tra ngân hàng có quyền yêu cầu các đơn vị kiểm toán độc lập phối hợp cùng thực hiện kiểm toán các TCTD.
Hoàn thiện bộ máy thanh tra giám sát hoạt động ngân hàng theo hướng thống nhất theo chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước đối với nhiệm vụ phát hiện ra sai phạm và xử lý các sai phạm trong hoạt động thanh tra. Công tác thanh tra nên hướng đến mục tiêu cao hơn là phòng ngữa rủi ro chứ không chỉ là xử lý các rủi ro.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3
Dựa trên kết quả mô hình ước lượng được nêu ở Chương 2 về các yếu tố tác động đến rủi ro tín dụng tại ACB, đồng thời dựa trên định hướng hoạt động kinh doanh và chính sách tín dụng nói riêng trong năm 2014 và đến 2018; tác giả đã đưa ra một số giải pháp liên quan nhằm hạn chế rủi ro tín dụng trong hoạt động cho vay. Ngoài những kiến nghị liên quan đến ACB Hội sở và ACB tại các kênh phân phối, tác giả cũng đưa ra một số kiến nghị đối với các cơ quan quản lý Nhà nước nhẳm hỗ trợ các ngân hàng thương mại nói chung và ngân hàng ACB nói riêng có thể hạn chế rủi ro tín dụng xảy ra chứ không chỉ xử lý rủi ro tín dụng đã xảy ra.
KẾT LUẬN
Hiện nay tình hình rủi ro tín dụng tại ACB và các ngân hàng đang ở mức báo động và cần xử lý, khắc phục ở hầu hết các ngân hàng bởi rủi ro tín dụng gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng và kể cả dòng vốn luân chuyển của nền kinh tế. Hậu quả của nợ xấu không chỉ dừng lại ở trong nước mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới. Trong những năm gần đây, nợ vay gặp rủi ro tăng mạnh cũng là điều được các ngân hàng cũng như cả nền kinh tế đặc biệt quan tâm. Đề có giải pháp hạn chế rủi ro tín dụng tại ACB thì cần xác định các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng tại ACB. Từ đó mới có thể hạn chế rủi ro tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng. Với yêu cần cần thiết đó, đề tài của tác giả cũng đã thông qua một số lí luận về rủi ro tín dụng, các yếu tố tác đến rủi ro tín dụng đồng thời tác giả cũng đã lượng hóa được các yếu tố tác động đến rủi ro tín dụng xảy ra tại ACB và lấy mẫu khảo sát tại địa bàn TPHCM thông qua việc dùng mô hình Logistic nhị phân để ước lượng xác suất xảy ra rủi ro tín dụng. Từ kết quả của mô hình, tác giả cũng đã đưa ra những giải pháp kiến nghị nhằm hạn chế khả năng xảy ra rủi ro tín dụng. Những giải pháp mà tác giả kiến nghị chủ yếu tập trung vào các yếu tố gây tác động đến rủi ro tín dụng, chú ý thận trọng trong công tác thẩm định, quyết định cho vay và giám sát khoản vay.
Tuy nhiên do hạn chế về thời gian, điều kiện cũng như khả năng nghiên cứu và vì nguồn dữ liệu thu thập nên bài nghiên cứu vẫn còn nhiều hạn chế nhất định. Nghiên cứu về các yếu tố tác động đến rủi ro tín dụng tại ACB nhưng với cỡ mẫu thu thập là 365 hồ sơ và chỉ tập trung tại khu vực TPHCM thì thực sự nó vẫn chưa bao quát hết bản chất của vấn đề cần nghiên cứu. Vì thế rất cần một nghiên cứu ở tương lai với số lượng mẫu lớn hơn, bao quát hơn, tránh sử dụng cỡ mẫu thuận tiện như nghiên cứu của tác giả. Ngoài ra, một số nghiên cứu trước đây cho kết quả yếu tố tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo có tác động tích cực đến rủi ro tín dụng tuy nhiên trong nghiên cứu này thì biến không có ý nghĩa thông kê nghĩa là không tác động đến rủi ro tín dụng. Nhưng thực tế lại thấy có sự ảnh hưởng, điều này có thế là do không phân loại tài sản để đánh giá riêng. Do đó khi xem xét yếu tố tài sản đảm
bảo cần phân chia theo từng loại tài sản với từng tỷ lệ chuẩn khác nhau.