Thứ nhất, xây dựng các chính sách tài khóa và tiền tệ đảm bảo sự tăng trưởng ổn định nền kinh tế vĩ mô. Trong đó tập trung vào 3 vấn đề sau:
Kiềm chế lạm phát, không để lạm phát cao trở lại. Nếu lạm phát cao, dẫn đến lãi suất cao, tỷ giá biến động, giá trị đồng Việt Nam giảm, chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn, khó duy trì và phát triển sản xuất. Muốn tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô phải giữ được lạm phát.
Duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý của nền kinh tế, tăng tổng cầu, tăng dư nợ tín dụng, tăng đầu tư công...
Từng bước bảo đảm cán cân thanh toán. Cân đối cán cân xuất nhập khẩu, cán cân vãng lai, cán cân tổng thể. Bảo đảm cân đối hợp lý các cán cân, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Thứ hai, đẩy mạnh giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Nợ xấu đã và đang
tác động tiêu cực đến việc lưu thông dòng vốn vào nền kinh tế và tính an toàn, niệu quả kinh doanh của chính các ngân hàng. NHNH cần phải nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý để các ngân hàng có căn cứ thực hiện xếp hạng tín dụng nội bộ, hướng theo thông lệ quốc tế. Song song với việc xây dựng, hoàn thiện xếp hạng tín
dụng nội bộ, cần có chính sách phát triển các đơn vị xếp hạng tín dụng độc lập làm cơ sở tham chiếu chung trong công tác xếp hạng tín dụng. Kinh nghiệm của nhiều nước trong khu vực cho thấy, việc phát triển các tổ chức xếp hạng tín dụng không do Nhà nước quản lý để hạn chế việc chi phối của tổ chức hay cá nhân làm sai lệch kết quả xếp hạng là rất quan trọng trong hoạt động tín dụng của ngân hàng. Nhanh chóng xử lý những bất ổn trong nội tại của một số ngân hàng, giám sát dòng tiền luân chuyển trong nội bộ ngân hàng. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản làm hệ thống ngân hàng luôn bất ổn, và tích tụ rủi ro hệ thống lớn. Khi giám sát được dòng vốn ra khỏi vòng luẩn quẩn bởi một số ngân hàng, nợ xấu của các ngân hàng thương mại có điều kiện được xử lý, điểm nghẽn về vốn sẽ được khắc phục, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn.
Thứ ba, xây dựng những rào cản pháp lý ngăn sở hữu chéo. Sở hữu chéo hiện là
vấn đề nan giải, đã tồn tại trong nhiều công ty cổ phần, nhất là có nhóm cổ đông lớn chi phối quyền lực. Khi sở hữu cổ phần chéo lẫn nhau, xét về quy mô vốn và tổng tài sản tăng rất lớn, nhưng thực chất là số ảo, và có thể mất đi nếu các bên rút vốn. Hệ quả sở hữu chéo cũng đã thấy rõ, được ghi nhận tại nhiều công ty ở lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bất động sản… Nhất là trong một số ngân hàng, ảnh hưởng của sở hữu chéo đã lũng đoạn, chi phối và gây bất ổn hệ thống tài chính.
Thứ tư, khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng nhiều năm qua, dường như mọi nỗ lực để cứu hoặc phục hồi thị trường này đều trông đợi và kỳ vọng nhiều vào các gói tín dụng. Cách đây 2 năm, khi Ngân hàng Nhà nước tung ra gói tín dụng 30 nghìn tỷ dành cho phân khúc nhà cho người thu nhập thấp nhưng, trái với mọi kỳ vọng, sự chậm chạp của việc giải ngân gói 30 nghìn tỷ đã cho thấy: gói tín dụng với nhiều ưu đãi cũng chưa đủ để giải cứu thị trường bất động sản nếu những ách tắc trong các thủ tục pháp lý và những bế tắc trong quan hệ người mua – người bán chưa được giải tỏa.
Thứ năm, xây dựng nền tảng pháp lý thu hút dòng vốn vào thị trường chứng khoán. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn công
tác cổ phần hóa gắn với niêm yết, tạo nguồn hàng chất lượng hơn cho thị trường, các giải pháp cho tái cấu trúc như: phát triển quỹ ETF, các quỹ bất động sản, phát triển các sản phẩm mới, sẽ tạo nguồn hàng cho thị trường. Tập trung cho thị trường phái sinh và sớm đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động, hoàn hiện cấu trúc thị trường, thu hút tốt hơn dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua việc nâng hạng thị trường. Trước đây, chúng ta đã ký thoả ước ESMA với các nước châu Âu. Sắp tới nâng hạng thị trường trên bảng phân hạng của MSCI là nhiệm vụ trọng tâm trong 2015. Đây là quyết tâm cao và triển khai cấp bách trong 2015, nếu nâng hạng được thì chúng ta sẽ thu hút được dòng vốn tốt hơn. Tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Tăng cường thanh tra kiểm tra giám sát vi phạm, đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.