Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Một phần của tài liệu Thế giới quan của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua tác phẩm Bạch Vân Am thi tập và Bạch Vân Quốc ngữ thi tập (Trang 36)

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) là nhà thơ, nhà triết học Việt Nam, nhà giáo – danh nhân văn hoá Đại Việt thế kỉ XVI. Ông tên thật là Nguyễn Văn Đạt, tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân cư sĩ, người làng Trung Am – Vĩnh Lại - Hải Dương (nay là Vĩnh Bảo - Hải Phòng). Ông sinh ra trong một gia đình trí thức phong kiến. Phụ thân của ông là Nguyễn Văn Định, ấm

36

phong tước Thái Bảo Anh Quận công, sung chức Thái học sinh (học sinh Quốc Tử Giám), hiệu là Cồ Xuyên tiên sinh. Thân mẫu Nguyễn Bỉnh Khiêm là Nhữ Thị Thục, ấm phong là Từ Thục phu nhân, con gái của Thượng thư Nhữ Văn Lan. Bà là người thông minh, thông kinh sử, giỏi văn chương lại hay lý số. Nguyễn Bỉnh Khiêm khi nhỏ thường chịu ảnh hưởng của gia đình nhất là từ người mẹ.

Thuở nhỏ, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nổi tiếng là người khôi ngô, tuấn tú, có tư chất khác thường, rất thông minh, lại nhờ sự giáo dục của mẹ nên 5 tuổi ông đã thuộc và hiểu các chính văn, kinh truyện, thơ Nôm truyền miệng. Lớn lên, Nguyễn Bỉnh Khiêm theo học Bảng Nhãn Lương Đắc Bằng người Hoằng Hoá – Thanh Hoá, ông làm đến Thượng thư Bộ lại, là người nổi tiếng về học vấn uyên thâm nhất là về Lý học. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã học hỏi được rất nhiều về học vấn và nhân cách ở người thầy của mình.

Nguyễn Bỉnh Khiêm nổi tiếng là người học rất giỏi từ rất sớm, nhưng trước thời thế biến động, ông không chịu ra làm quan mà chủ trương sống thanh nhàn, xa lánh cuộc đấu tranh xã hội nhưng vẫn xót xa cho thế sự và ở ẩn dạy học. Năm 1535, dưới triều Mạc Đăng Doanh, ông lại ra ứng thi và liên tiếp đỗ đầu các khoa thi Hương, Hội, Đình và giành được học vị cao nhất là Trạng Nguyên. Lúc đó, ông đã 45 tuổi.Vua nhà Mạc rất vui mừng, trọng dụng ông, cử ông làm Đông Các Hiệu thư, sau được cử làm Tả Thị Lang Bộ Hình và ít lâu sau lại đổi sang Tả Thị Lang Bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ.

Nguyễn Bỉnh Khiêm và một số trí thức dân tộc lúc ấy hi vọng rằng Mạc Đăng Doanh có thể đưa đất nước thoát khỏi tình trạng rối ren, loạn lạc mà các vua Lê Uy Mục, Lê Tương Dực và các tập đoàn quyền thần, các tập đoàn phong kiến đã gây ra. Không chỉ vậy mà Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng chính là một trong những sĩ phu có danh vọng mà nhà Mạc cần. Hơn nữa, Nguyễn

37

Bỉnh Khiêm vốn ôm mộng báo đáp “nghĩa quân thần”, “mơ ước tôi hiền chúa thánh minh” và ông tưởng có thể đem sở học hành của mình thực hiện lí tưởng đó với nhà Mạc.

Khi Mạc Đăng Doanh chết (1540), con của Mạc Đăng Doanh là Mạc Phúc Hải lên làm vua. Nội bộ triều đình bất ổn, bọn gian thần cũng vẫn ngang nhiên hoành hành, hình thành các phe đảng, thao túng chính sự. Ông bèn dâng sớ lên vua Mạc xin chém 18 tên gian thần. Không được vua Mạc chấp thuận. Các vua nhà Mạc từ Mạc Phúc Hải trở đi cũng nổi tiếng xa hoa, dâm đãng. Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên bảo không được, ông bèn cáo quan về ở ẩn tại quê nhà. Ông làm quan được 8 năm. Tuy đã về nghỉ hưu, nhưng khi có việc quan trọng triều đình đều sai sứ đến hỏi hoặc triệu ông về kinh tham góp với nhà Mạc về phép trị nước, về kế vẹn toàn triều chính và vẫn lấy sự lễ đãi ông, phong Thượng Thư Bộ Lại, rồi Thái phó hàm chính Nhất phẩm và tước phong làm Trình Tuyền hầu. Vì thế, người đời thường gọi ông là Trạng Trình.

Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thấy rằng sự phân tranh quyền lợi của các thế lực phong kiến không thể có một lối thoát, ông xin cáo lui để bảo toàn lấy danh tiết và chí khí. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ngoài 8 năm làm quan dưới triều Mạc, cả cuộc đời còn lại của ông gắn bó với quê hương, yêu quê hương một cách chân thành và tình yêu ấy được thể hiện qua những việc làm cụ thể như vận động nhân dân bắc cầu, dựng quán, xây chùa, dựng am dạy học...Chính vì vậy mà sự tôn kính ông luôn được truyền tụng cho đến ngày nay.

Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dựng am Bạch Vân ở làng Trung Am dạy học. Am được làm bằng nhiều cây gỗ vườn đủ loại, mái am lợp cỏ, xung quanh quây bằng tranh tre, nứa lá. Một am nhỏ giữa khu vườn cây trái, gần sông, gần biển, sớm chiều mây trắng bay (bạch vân). Chính nơi đây đã có lớp lớp

38

học trò thụ giáo. Am Bạch Vân đã trở thành trung tâm đào tạo nhân tài của đất nước. Học trò gần xa sau này có nhiều người có danh vọng, có một số người đỗ đạt cao trở thành nổi tiếng như: Lương Hữu Khánh, Giáp Hải, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ, Nguyễn Quyện, Đinh Thì Trung… Vì vậy mà người đời gọi ông là đại sư, còn học trò thì tôn xưng thầy là Tuyết Giang Phu tử. Một số nhà nghiên cứu còn so sánh để tôn vinh ông: Nếu Chu Văn An xưa đã đào tạo ra rất nhiều học trò, trong đó có người như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh làm rường cột cho triều đình thì Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đào tạo ra một lớp học trò nổi tiếng làm trụ cột cho mấy triều nhà Mạc và Lê Trung Hưng như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyện. Chu Văn An làm thầy các quan đầu triều, còn Nguyễn Bỉnh Khiêm thì làm thầy hầu hết những người đứng đầu lập ra các tập đoàn phong kiến khác nhau như Trịnh Tùng, Nguyễn Hoằng… Gia Cát Lượng làm thầy cho các vị vua Thục, Hán; còn Nguyễn Bỉnh Khiêm làm thầy cho mấy triều đình [9, tr. 53].

Với tấm lòng nặng trĩu suy tư thế sự, trước cuộc sống gian khó của nhân dân, Trạng Trình đã cho người xây dựng một cái quán ở bên sông Tuyết Giang gọi là Trung Tân Quán (Bến Thiện). Quán Trung Tân do ông bỏ tiền lập lên, nhân dân góp công, một số học trò của ông như Trương Thời Cử, Đinh Thanh Miếu, Nguyễn Mẫn… vâng lệnh thầy thiết kế và trông coi xây dựng. Quán được khởi công ngày 3 tháng 8 năm Nhân Dần (1542). Tuy chỉ là quán được dựng bằng tranh tre, nứa lá nhưng cũng đủ là nơi cho nhân dân trong vùng có chỗ nghỉ ngơi. Trong quán Trung Tân, ông còn cho dựng một bia đá có bài ký do ông soạn, thể hiện rõ quan điểm, tư tưởng về thời thế lúc bấy giờ khiến các quan lại hào lý địa phương theo đó mà lo sửa mình, không dám lộng hành với nhân dân một nắng hai sương, chân lấm tay bùn.

Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là người có công xây cầu Trường Xuân. Đó là cây cầu bằng đá bắc qua con mương nhỏ của chùa Mét (hiện là đoạn đường tiếp giáp Cổ Am và Tam Cường trước cửa chùa) để các cụ lão, tín đồ

39

nhà Phật một tháng đôi lần lên chùa niệm Phật được thuận lợi. Cây cầu Trường Xuân chính là một kỷ vật của Nguyễn Bỉnh Khiêm để ghi nhớ một thuở thiếu thời ông đã từng thụ giáo sư tổ nhà chùa và sau này cũng là nơi Trạng thường lui tới vãn cảnh, ngâm thơ, đàm đạo với các nhà tu hành, các vị bô lão trong vùng. Bởi vậy mà Phật giáo có ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từ bỏ chốn quan trường, sống một cuộc sống nhàn dật nơi vùng quê dân dã nhưng thế sự đất nước như có một sợi dây vô hình trói buộc ông, khiến ông luôn phải suy tư, trăn trở. Bởi vậy mà ở vùng đất thôn quê này ông vẫn được các sứ giả của các thế lực phong kiến bấy giờ như nhà Mạc, chúa Trịnh, chúa Nguyễn…đến tiếp kiến.

Năm 1585 Trạng Trình ốm nặng, vua Mạc cử sứ giả và quan ngự y về thăm hỏi, chạy chữa bệnh. Khi ông qua đời, vua Mạc phong Tể Tướng, kèm tước Trình Quốc công, lại ban cho 3000 quan tiền để lập đền thờ và cấp 100 mẫu ruộng tư điền để thờ cúng. Ông, bà nội và thân mẫu Nguyễn Bỉnh Khiêm đều được phong ấm, các con đều được phong tước.

Là người sống qua hai thế kỷ ở tuổi ngoài 90, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chứng kiến và trải qua giai đoạn suy vi của các tập đoàn phong kiến Việt Nam, song ông vẫn giữ được cuộc đời trong sạch, tiết tháo, trí tuệ, trường thọ. Ông ước ao có thời Nghiêu – Thuấn để vua sáng, tôi hiền, bách gia yên ổn, no ấm. Ông phê phán cuộc sống suy đồi, thói đời đen bạc, đề cao cuộc sống đạo đức, thuần hậu, chất phác nơi thôn dã, trọng chữ Nhàn, an bần, lạc đạo.

Cuộc đời của Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng những biểu hiện trong lối sống, trong nhân cách của Người đã thể hiện thế giới quan trong tư tưởng của ông.

Một phần của tài liệu Thế giới quan của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua tác phẩm Bạch Vân Am thi tập và Bạch Vân Quốc ngữ thi tập (Trang 36)