Những giá trị của thế giới quan Nguyễn Bỉnh Khiêm

Một phần của tài liệu Thế giới quan của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua tác phẩm Bạch Vân Am thi tập và Bạch Vân Quốc ngữ thi tập (Trang 65)

Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những nhà triết học tiêu biểu trong lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam ở thế kỷ XVI. Tư tưởng của ông có giá trị cả về

65

mặt lý luận và mặt thực tiễn. Ông đã thể hiện một thế giới quan sâu sắc khi nhìn nhận về tự nhiên, con người.

Về lý luận: Nguyễn Bỉnh Khiêm đã trực tiếp bàn luận về nguồn gốc của thế giới, con người dựa trên quan điểm duy vật chất phác cùng với sự vận động, tương tác của các sự vật trong thế giới hiện thực mang tính biện chứng thô sơ.

Nguyễn Bỉnh khiêm là nhà tư tưởng có tinh thần phê phán. Ông phê phán hiện thực xã hội với nhiều mâu thuẫn phức tạp mà nguyên nhân là do chính sự rối ren, lòng người oán thán, do sự chi phối của đồng tiền... Đặc biệt, Trạng Trình đã chỉ ra rằng : trước cái xã hội mà quy luật đồng tiền vận hành theo mặt trái của nó, mọi mối quan hệ đều được đưa lên “bàn cân”, một xã hội mà hầu hết mọi cá nhân không còn giữ được “chính danh” như trước thì xã hội đó tác động đến con người mà biểu hiện ở sự thoái hóa diễn ra nhanh hay chậm cũng sẽ là điều tất yếu. Như vậy, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã thấy được chính những biến đổi của xã hội đã ảnh hưởng đến bản chất con người.

Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ phê phán những biến đổi tiêu cực của xã hội mà ông còn đưa ra những tư tưởng để xây dựng xã hội lý tưởng theo những chuẩn mực nhất định: đường lối vương đạo, đạo làm người… Tư tưởng của ông mang giá trị nhân văn sâu sắc. Trong từng đối tượng khác nhau nội dung về những chuẩn mực được thể hiện cụ thể khác nhau, nhưng lúc nào cũng chân thực, tuân theo quy tắc những nhất định, theo những mục đích cao đẹp, đó là lí tưởng về nhân nghĩa, chí thiện, nhân theo chuẩn mực đạo đức của người quân tử, về lý tưởng xây dựng một xã hội thịnh trị, phát triển.

Giá trị về mặt thực tiễn: Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ phê phán những biến đổi tiêu cực của xã hội mà ông còn tham gia cải tạo xã hội theo lý tưởng mà ông quan niệm. Chính bản thân ông cũng là một tấm gương mẫu mực trong việc thực hiện những tiêu chí của đạo làm người, những chuẩn mực đạo đức xã hội mà ông đưa ra.

66

Hơn nữa, bản thân Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nuôi dưỡng và phát huy những truyền thống tốt đẹp nhất của người trí thức phong kiến Việt Nam, đó là sự nghiêm khắc trong việc tu thân, là tinh thần nhân đạo rộng lớn, là lòng yêu nước sâu sắc, là sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Nhà trí thức ưu tú ấy cũng đã nêu lên trách nhiệm của người trí thức là luôn luôn vươn lên đến đỉnh cao của kiến thức đương thời, phục vụ cho tổ quốc và nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa rực rỡ của dân tộc. Điều đó đã một lần nữa khẳng định vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Đây là bài học cho chúng ta ngày nay kế thừa và phát triển để xây dựng đất nước Việt Nam trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng một xã hội giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, một xã hội của dân, do dân và vì dân.

Nguyễn Bỉnh Khiêm mãi mãi thanh khiết như “Vầng mây trắng”, nhưng lại không ở trên cao xa xôi, mà lại luôn gần gũi bao bọc dân chúng, yêu mến quê hương, trở về hòa mình với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên. Dù ngay trong thời gian ở ẩn, “sống thung dung ưu nhàn trên 40 năm, mà tâm địa chưa từng ngày nào quên đời, lòng lo đời và thương người thế tục thể hiện ra văn thơ”[53, tr. 42]. Khi thất bại trong con đường chính trị, ông trở về làng quê dạy học. Người thầy giàu nhân cách, tài ba ấy vẫn lo duy trì đạo đức cho dân, và đào tạo cho đất nước những thế hệ học trò ưu tú, làm trụ cột triều đình, giúp dân, giúp nước như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyện,.. Quả thật Ông là một người “công tuy không trùm thiên hạ nhưng đức có thể sánh với trăng sao”. Chúng ta có thể dùng chính câu thơ của ông để nói về ông rằng :

“Chon von đức trọng lâu dài mãi Vằng vặc soi đường, Bắc Đẩu kia”

“Đạo của thánh nhân từ tiên sinh mà truyền ra, bờ cõi thánh nhân duy tiên sinh là thấu đáo" [53, tr. 41], lời văn bi thiết của học trò Đinh Thì Trung trong đám tang của ông đã nói lên sự trân trọng đối với một bậc thầy, không chỉ là của

67

đám môn sinh thời bấy giờ hay của dân làng Trung Am, ông còn là bậc thầy của mai sau trong đường xử thế. Và ông sẽ mãi mãi là tấm gương trung hậu cho những ai yêu mến quê hương, dân tộc và luôn ý thức về trách nhiệm của mình trước sự phát triển của dân tộc Việt Nam ngày nay và trong tương lai.

Trên cơ sở chiêm nghiệm, suy tư đầy tâm huyết, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tỏ ra tiến bộ hơn nhiều nhà nho cùng thời, để từ đó ông ý thức rằng mình phải đi tìm một lẽ sống khác đúng đắn hơn. Ông không chỉ đưa ra tư tưởng đạo làm người manh tính nhân văn sâu sắc mà bản thân ông còn là một tấm gương sáng về việc hành đạo.

Một phần của tài liệu Thế giới quan của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua tác phẩm Bạch Vân Am thi tập và Bạch Vân Quốc ngữ thi tập (Trang 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)