* Sự chấp thuận của ban lãnh đạo cơ sở sản xuất
Hiện nay việc kiểm toán chất thải chưa phải là yêu cầu bắt buộc của các cơ quan quản lý đối với các cơ sở sản xuất, việc tiến hành kiểm toán chất thải là do cơ sở sản xuất đứng ra tổ chức. Chính vì vậy một cuộc kiểm toán chất thải chỉ được bắt đầu khi nhận được sự chấp thuận của ban lãnh đạo cơ sở sản xuất.
Việc KTCT không phải là bắt buộc mà nó xuất phát từ nhận thức của cơ sở sản xuất mà đứng đầu là ban lãnh đạo về trách nhiệm và nghĩa vụ BVMT của bản thân cơ quan họ. Trên thực tế việc KTCT không những làm giảm các tác động xấu của cơ sở sản xuất đến môi trường góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe của công nhân và khu dân cư mà còn giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận cho cơ sở sản xuất, tăng uy tín của cơ sở với xã hội…Do đó nếu nhận thức rõ những lợi ích của KTCT mang lại thì các cơ sở sản xuất sẽ tự nguyện thực hiện.
* Chuẩn bị các mục tiêu cụ thể cho KTCT
Cũng giống như các cuộc kiểm toán môi trường nói chung thì việc xác định các mục tiêu cụ thể cho KTCT là vô cùng quan trọng. Bởi chỉ khi xác định rõ các mục tiêu kiểm toán thì mới có thể tiến hành lập kế hoạch kiểm toán và xác định được trọng tâm của cuộc kiểm toán.
Một cuộc kiểm toán chất thải có thể được tiến hành ở tất cả các công đoạn sản xuất, hay là chỉ tập trung vào một vài công đoạn đã được chọn lọc trong quá trình sản xuất. Ví dụ ta có thể xem xét việc giảm thiểu chất thải nói chung hay là chỉ tập trung vào một vài loại chất thải như:
- Các mức tiêu hao, thất thoát nguyên vật liệu.
- Chất thải được coi là độc hại theo quy định hiện hành. - Chất thải mà chi phí xử lý cao.
Tóm lại trọng tâm của cuộc kiểm toán chất thải phụ thuộc hoàn toàn vào các mục tiêu mà cuộc kiểm toán đề ra.
* Thành lập nhóm kiểm toán
Để tiến hành KTCT thì đội kiểm toán cần phải được thành lập. Số lượng thành viên của đội kiểm toán phụ thuộc vào quy mô của cơ sở sản xuất và sự phức tạp của quá trình sản xuất. Thông thường một đội KTCT ít nhất phải có ba thành viên bao gồm: một cán bộ kỹ thuật, một nhân viên sản xuất và một chuyên gia môi trường về lĩnh vực kiểm toán. Đội kiểm toán nên có thành viên của cơ sở sản xuất vì sự tham gia của họ trong từng công đoạn kiểm toán sẽ nâng cao ý thức giảm thiểu chất thải của họ đồng thời hỗ trợ được cho cuộc kiểm toán diễn ra nhanh hơn.
Đôi khi một cuộc KTCT còn cần đến những nguồn lực trợ giúp khác từ bên ngoài như: các thiết bị phân tích phòng thí nghiệm, các thiết bị lấy mẫu, đo dòng chảy …do đó cần thiết phải xác định và tìm kiếm sớm các yêu cầu này.
* Chuẩn bị tất cả các tài liệu liên quan
Các tài liệu liên quan tới một cuộc KTCT có thể bao gồm những thứ như sau: - Bản đồ vị trí địa lý của cơ sở sản xuất
- Sơ đồ mặt bằng của nhà máy
- Sơ đồ các dây chuyền công nghệ sản xuất - Sơ đồ hệ thống cấp thoát nước
- Danh mục các trang thiết bị của nhà máy
- Sổ ghi chép khối lượng, loại nguyên vật liệu sử dụng của nhà máy - Sổ ghi chép khối lượng và các loại sản phẩm chính, phụ của nhà máy
- Sổ ghi chép lượng, loại phế liệu, chất thải (trong đó đặc biệt chú ý tới các loại chất thải nguy hại) của nhà máy.
- Các kết quả quan trắc môi trường và những ý kiến đánh giá
- Hiện trạng sức khỏe của công nhân và dân cư vùng lân cận nhà máy - Các nguồn thải của các cơ sở sản xuất bên cạnh
- Báo cáo ĐTM của nhà máy nếu đã thực hiện
Việc thu thập, chọn lọc và phân tích các tài liệu này cần đặc biệt quan tâm tới các yếu tố liên quan tới độ chính xác của thông tin như: nguồn trích dẫn, nơi phân tích, thời gian nghiên cứu, điều kiện quan trắc, đo đạc, phương pháp phân tích…