7. Kết cấu chính của luận văn:
3.1.1. Đặc điểm chung
3.1.1.1. Đặc điểm địa hình
Địa hình vùng ven biển Nghệ An được chia làm 2 phần rõ rệt: phần ven biển huyện Quỳnh Lưu và huyện Diễn Châu thấp, bằng phẳng, bị chia cắt bởi những lạch nhỏ. Một phần thấp thường bị ngập mặn khi có bão kết hợp với triều cường. Phần ven biển huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò có địa hình cao hơn, gồm những dải và các cồn cát chạy song song theo hướng Bắc Nam.
Vùng này có 6 cửa lạch, tính từ Bắc vào Nam là: lạch Cờn, lạch Quèn, lạch Thơi (huyện Quỳnh Lưu); lạch Vạn (huyện Diễn Châu); Cửa Lò, Cửa Hội (thị xã Cửa Lò) và có 5 cửa sông lớn của sông Thái, sông Mai Giang thuộc huyện Quỳnh Lưu, sông Cầu Bùng thuộc huyện Diễn Châu, sông Cấm và sông Cả thuộc huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò. Đặc biệt, vùng này có khu du lịch nghỉ mát nổi tiếng Cửa Lò, vùng kinh tế năng động có tiềm năng phát triển nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản và phát triển du lịch, dịch vụ và thương mại. Trung bình cứ 14km đường bờ biển Nghệ An có 1 cửa sông, đầm phá, vũng vịnh nhỏ. Đây là nơi tập trung nhiều loài hải sản có giỏ trị kinh tế cao.
Hầu hết vùng bờ biển Nghệ An đều có đê chắn sóng, phía ngoài đê đã quy hoạch được 1.415,16ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản và 870,95ha đất làm muối.
Tóm lại, địa hình vùng ven biển Nghệ An được đặc trưng là những dải cát chạy dọc theo bờ biển, phần lớn thấp, bằng phẳng nhưng bị chia cắt nhiều bởi sông, lạch và dãy núi đâm ra sát biển.
- Đặc điểm địa hình đáy
Đáy vùng bờ biển Nghệ An có độ dốc tăng nhanh so với biển các tỉnh phía Bắc. Đặc biệt các huyện phía Nam tỉnh, từ độ sâu 40-80m độ dốc của nền đáy giảm dần, các đường đẳng sâu có xu thế song song, thưa đều đặn. Nhìn chung từ bờ đến độ sâu 40m là khu vực nền đáy an toàn và tương đối bằng phẳng, không gặp đá ngầm và bãi cát ngầm, nhất là vùng biển phía Bắc Nghệ An. Từ độ sâu 40m xa khơi, bắt đầu xuất hiện đá ngầm và các vật chướng ngại khác.
Biển Nghệ An nông và bằng phẳng có độ sâu tăng dần từ bờ ra khơi. Bờ biển Nghệ An có nhiều sông, lạch đổ ra biển và thông thương với vịnh. Đây là nguyên
45
nhân nguồn nước từ đại dương xâm nhập vào nội địa hàng năm. Biển Nghệ An bị khống chế bởi hai luồng gió Đông Bắc và Tây Nam. Vì vậy, bồi lở bờ biển theo quy luật “lở Nam bồi Bắc”, diễn ra chủ yếu ở các cửa sông và các lạch như lạch Quèn, lạch Thơi, lạch Hội...
- Địa hình dải đất ven biển
Địa hình, địa mạo biển Nghệ An có thể chia làm hai vùng: vùng từ Quỳnh Lưu đến Bắc Cửa Lò và vùng Nam Cửa Lò.
Vùng từ Quỳnh Lưu đến bắc Cửa Lò địa hình bờ khá phức tạp. Các bãi biển ở đây hẹp, dạng vòng cung. Chiều dài các bãi chỉ đạt 100-200m. Chiều ngang từ 20-30 đến 50-60m. Cấu thành chủ yếu bởi vật liệu vụn thô, sạn cát thạch anh và vụn xác sinh vật. Ngoài khơi đáy biển tương đối bằng phẳng. Độ sâu đáy biển tăng từ từ, không quan sát thấy những biến đổi lớn về địa hình. Đây là kiểu đồng bằng mài mòn tích tụ. Các thành tạo trẻ Holocen phủ trực tiếp lên nền đá gốc. Vật liệu là cát mịn, cát bùn màu xám, xám xanh.
Vùng nam Cửa Lò địa hình bờ đơn giản hơn, bờ có dạng thẳng. Trên bờ là các thành tạo biển Holocen muộn. Bãi biển kéo dài từ Cửa Lò đến Cửa Hội, độ dốc thoải. Bãi được cấu thành bởi các thành tạo cát hạt trung, mịn màu xám, vàng nhạt, xám trắng. Ngoài khơi, do ảnh hưởng của hai cửa sông, địa hình đáy phức tạp hơn. Các doi cát ngầm phân bố ở độ sâu 4-6m trước các cửa sông. Kiểu địa hình ở đây thuộc đồng bằng tích tụ.
3.1.1.2. Đặc điểm khí hậu , thủy văn - Khí hậu
Vùng ven biển chịu ảnh hưởng của chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng và ẩm (Bảng 2.2).
Đặc điểm khí hậu vùng ven biển Nghệ An: đầu vụ Đông Xuân, nhiệt độ ấm hơn so với các vùng khác trong tỉnh và thường có mưa phùn nên ít bị hạn. Song do mùa mưa đến muộn (6 tháng mới có lượng mưa trên 100mm) nên gây hạn vào cuối vụ Đông. Ở vùng ven biển, vào vụ mùa, lượng mưa không lớn, gần biển nên thoát nước nhanh, rất ít khi bị ngập lụt; số ngày nắng nhiều, trung bình hàng năm có 1500
46
- 1800 giờ nắng/năm, khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, sản xuất muối và khai thác cá biển.
- Thuỷ văn
Chế độ thủy văn vùng biển và ven biển Nghệ An có những nét đặc thù sau:
+ Thủy triều: Chế độ thủy triều vùng biển và ven biển khá phức tạp. Ngoài
khơi là chế độ nhật triều, trong lộng là bán nhật triều không đều. Hàng tháng có một nửa số ngày thủy triều lên xuống 2 lần, trong đó thời gian triều dâng trong ngày khoảng từ 9 - 10 giờ và triều rút khoảng 15 -16 giờ. Biên độ thủy triều cao nhất từ 0 - 3,5 m. Tại các cửa sông đều chịu ảnh hưởng của thủy triều, thường vào sâu đến 10 - 12 km. Mức nước chênh lệch trung bình giữa triều cường và triều kiệt là 2 m. Do ảnh hưởng của chế độ thủy triều nên độ sâu ở các cửa lạch có sự chênh lệch đáng kể giữa thời gian triều cường và triều kiệt (Bảng 2.3).
Như vậy, chỉ có Cửa Lò và Cửa Hội có độ sâu lớn, đảm bảo cho các loại tàu cỡ 3000 - 4000 tấn ra vào.
+ Sóng biển: Chủ yếu theo hướng Bắc và Đông, khi vào gần bờ thì chuyển
hướng sang Đông và Đông Bắc. Khi thủy triều lên nếu gặp bão sóng dâng rất cao có lúc sóng dâng tới 12 m (năm 1989).
+ Độ mặn: Ngoài khơi độ mặn vùng ven biển Nghệ An vào loại khá cao
(khoảng 31,6‰ đến 35,7‰) rất thuận lợi cho việc sản xuất muối, song cũng gây trở ngại cho sản xuất nông nghiệp do xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng.
+ Hải lưu: Chế độ hải lưu ở biển Nghệ An cũng bị chi phối bởi chế độ hải
lưu chung ở Vịnh Bắc Bộ. Về mùa hè tồn tại 2 dòng hải lưu rõ rệt là dòng mặt và dòng đáy. Dòng mặt được tạo nên bởi gió mùa Tây Nam đưa nước từ phía nam lên phía Bắc, còn dòng đáy chảy ở tầng đáy từ phía Bắc xuống và được trồi lên tại vùng biển Quỳnh Lưu. Sự hình thành vùng nước trồi ở đây là nhân tố hết sức quan trọng đối với sự tập trung của nhiều loại hải sản.
3.1.1.3. Tiềm năng hải sản và đa dạng sinh học - Tiềm năng hải sản
47
Đối với Nghệ An, hải sản là một trong những tiềm năng lớn và là một lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Biển Nghệ An có các dòng hải lưu hoạt động quanh năm, có nhiều đàn cá kinh tế di cư từ phía Bắc xuống và phía Nam lên. Biển Nghệ An là nơi hội tụ của nhiều loài quần ngư quý. Biển Nghệ An có 267 loài cá, trong đó nhóm cá kinh tế có 62 loài với trữ lượng khoảng 83.830tấn. Khả năng cho phép khai thác ước khoảng 52.000 tấn/năm. Trong phạm vi từ bờ ra đến độ sâu 100m thì càng ra xa bờ trữ lượng cá kinh tế càng lớn, các nhóm cá ăn đáy có sản lượng ổn định hơn ở tầng nổi.
Ngoài nguồn lợi cá, biển Nghệ An còn có nhiều nhóm hải sản khác có giá trị kinh tế cao như tôm biển (có 20 loài) với trữ lượng ước tính là 900 tấn và khả năng khai thác khoảng 480tấn/năm, mực có trữ lượng khoảng 2500-3000 tấn và khả năng cho phép đánh bắt khoảng 1500 tấn/năm. Các nguồn lợi khác ở vùng biển Nghệ An như cua, ốc, rắn biển có trữ lượng đáng kể.
Tiềm năng nuôi trồng thủy sản ở vùng ven biển Nghệ An rất lớn. Chưa tính đến diện tích ao, hồ, ruộng trũng, sông cụt có thể nuôi trồng thủy sản nước ngọt, số diện tích có thể nuôi trồng thủy sản mặn lợ khoảng 3000ha. Trong đó, có khoảng 1.974ha có thể nuôi tôm, cua để xuất khẩu (hiện đã đưa vào nuôi tôm, cua 1.500ha).
- Đa dạng sinh học ven biển
Nghệ An là một tỉnh Bắc Trung Bộ, diễn biến thời tiết khí hậu ở đây phức tạp. Vì thế đa dạng sinh học biển rất phong phú về nguồn gen và giống loài.
+ Vùng bãi cát: Chủ yếu là cây phi lao (có một số ít diện tích dừa, ngoài ra còn có một số loài cây che phủ đất như dứa dại, sài hồ nam, cỏ giấy biển). Rừng trồng trên đất cát biển có tác dụng lớn trong việc hạn chế gió bão, biển xâm thực, nạn cát lấp và bảo vệ môi trường sinh thái.
+ Vùng ngập mặn: Có các loài thực vật tiêu biểu là sú, trang, bần chua. Đây là loài cây đặc biệt, sống và sinh trưởng tốt trong môi trường lầy, mặn, ngập nước thuỷ triều định kỳ ở ven biển, cửa sông, có vai trò to lớn trong việc bảo vệ bờ biển, đê biển, hạn chế sạt mòn và những tác hại của gió bão, lũ lụt, sóng biển, triều cường. + Vùng hải đảo: Theo số liệu trước đây trên đảo Mắt, đảo Ngư chủ yếu là rừng gỗ tự nhiên có nhiều loài thực vật có giá trị thuộc họ giẻ, họ dầu, họ re, họ đậu
48
nhưng do chiến tranh rừng đã bị tàn phá nặng nề, tài nguyên rừng bị suy giảm nghiêm trọng, đất đai bị thoái hoá, các loài thực vật quý hiếm ngày càng bị biến mất, thay vào đó là một số loài cây gỗ nhỏ, cây bụi có giá trị kinh tế thấp thuộc giẻ, họ ban, họ long não, họ sim...
3.1.1.4. Tài nguyên đất
Đất vùng ven bờ biển Nghệ An chủ yếu là đất cát biển và đất bị nhiễm mặn. Theo Sở Địa chính Nghệ An trước đây, khu vực này có các nhóm đất chính với 9 loại như sau:
- Cồn cát và đụn cát có diện tích 5.647ha chiếm 18,3% diện tích vùng. Loại đất
này phân bố rộng khắp dọc ven biển của cả 5 huyện, thị và thành phố nhưng nhiều nhất ở Nghi Lộc. Phần lớn là những hạt cát rời rạc, chất lượng xấu, không có kết cấu. Loại đất này chủ yếu là trồng phi lao phòng hộ biển.
- Đất cát biển có diện tích 5.369ha, chiếm 17,4% diện tích vùng, phân bố ở cả
5 huyện, thị và thành phố ven biển. Song tập trung nhiều ở Nghi Lộc và Diễn Châu. Thành phần cơ giới thô, không có kết cấu, dung tích hấp phụ thấp, dễ mất nước trong mùa hạn. Loại đất này thích hợp trồng các loại màu cây công nghiệp ngắn ngày.
- Đất phù sa không được bồi có diện tích 4.850ha, chiếm 15,7% diện tích vùng.
Loại đất này được phân bố chủ yếu ở Quỳnh Lưu. Đây là loại đất trung bình và đất thịt nhẹ, có chất lượng khá, thích hợp cho trồng lúa nước.
- Đất mặn sú vẹt, lầy hoang hoá có diện tích 762ha, chiếm 2,63% diện tích vùng,
phân bố chủ yếu ở khu vực cửa sông Quỳnh Lưu và một số ở Nghi Lộc.
- Đất mặn nhiều có diện tích 2.145ha chiếm 7% diện tích vùng, phân bố chủ
yếu ở các khu vực cửa sông sát biển thuộc huyện Quỳnh Lưu và huyện Diễn Châu và một số ít ở Nghi Lộc. Loại đất này thường là đất trồng RNM hoặc nuôi trồng thuỷ sản.
- Đất mặn trung bình có diện tích 1.807ha chiếm 5,9% diện tích tự nhiên vùng,
49
- Đất mặn ít có diện tích 2.516ha chiếm 8,2% diện tích vùng, phân bố ở các
huyện thị, nhưng nhiều hơn ở Nghi Lộc.
- Đất mặn chua và chua mặn có diện tích 669ha chiếm 2,2% diện tích vùng và
phân bố chủ yếu ở Quỳnh Lưu.
3.1.1.5. Tài nguyên nước - Tài nguyên nước mặt
Nghệ An nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, lượng mưa hàng năm của toàn tỉnh lớn, tài nguyên nước mặt khá dồi dào với 6 con sông lớn chảy qua. Người ta tính được tổng lượng nước mặt hàng năm của tỉnh có khoảng 21,4 tỷ m3. Khu vực đồng bằng ven biển có lượng nước mặt khoảng 1,2 tỷ m3, cùng với lượng nước từ bên ngoài chảy, tạo nguồn nước khá dồi dào cho vùng. Tuy nhiên, lượng nước phân bố không đều theo không gian và thời gian nên mùa mưa thì thừa nước gây ra úng lụt và mùa khô thì hạn hán, thiếu nước. Vào tháng 6 và tháng 7 hàng năm, có nơi nhân dân phải đi mua nước từ nơi khác rất xa như dân ven biển huyện Quỳnh Lưu. Nói chung, nước sinh hoạt của nhân dân vùng ven biển Nghệ An còn gặp rất nhiều khó khăn.
- Tài nguyên nước ngầm
Nước ngầm vùng ven biển Nghệ An cho đến nay chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ (trừ khu vực Cửa Lò - Cửa Hội). Qua một số công trình khoan để lấy nước ngầm phục vụ cho sản xuất (không nhằm mục đích nghiên cứu), các giếng đào để lấy nước ăn uống, sinh hoạt của dân cư có thể cho ta một nhận xét chung mang tính chất định tính như sau: nước ngọt phân bố ở tầng nông, ở tầng sâu, nước thường bị nhiễm mặn. Nước ngọt phân bố không đều, vùng Quỳnh Lưu khi khoan thường khó gặp nước ngọt. Vùng ven biển đang sử dụng nước ở tầng nông này cho mục đích ăn uống (chủ yếu là giếng đào và giếng khoan UNICEP). Một vài nơi ở Diễn Châu, Nghi Lộc dùng giếng khoan để tưới cho cây lạc. Trữ lượng của nước ngọt ngầm khu vực ven biển Nghệ An chưa được đánh giá một cách cụ thể và đầy đủ.