b. Nguồn kinh phí ngoài Ngân sách
3.2.2.1. Tiếp tục hoàn thiện quy chế chi tiêu nội bộ
Quy chế chi tiêu nội bộ của trường Đại học Mỏ - Địa chất được xây dựng và có hiệu lực từ tháng 6/2004. Từ đó đến nay, điều kiện thực tế đã có nhiều biến động, những định mức chi cố định đã trở nên lỗi thời và cũng đã có nhiều khoản chi mới phát sinh chưa được đưa vào trong quy chế. Đồng thời có những khoản chi bị cắt bỏ theo quy định mới của Nhà trường.
Mặt khác, từ năm 2007, trường Đại học Mỏ - Địa chất đã chuyển sang thực hiện theo Nghị định số 43/NĐ-CP của chính phủ về thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Quy chế chi tiêu nội bộ mới được
xây dựng theo tinh thần của Nghị định 43 và dựa trên bản quy chế chi tiêu nội bộ trước đây. Quy chế chi tiêu nội bộ mới xây dựng trên nền tảng của quy chế trước đây cần quy định cụ thể hơn về một số nội dung chi mà trong quy chế chi tiêu nội bộ trước đây chưa đề cập cụ thể để làm căn cứ cho việc chi và quản lý chi đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm, chống lãng phí như nội dung về chi tiếp khách, chi văn phòng phẩm. Đối với khoản chi tiếp khách, hội nghị cần đưa ra mức chi cụ thể hơn đối với từng loại đoàn khách, từng loại hội thảo tổ chức ở các địa phương về các nội dung chi như chi tiền thuê hội trường, chi in ấn tài liệu phục vụ hội nghị, chi tiền ăn, thuê chỗ ngủ, tàu xe cho đại biểu, tiền thuê xe ô tô đưa đón đại biểu từ nơi nghỉ đến nơi tổ chức hội nghị, chi tiền nước uống…thay vì giao tất cả cho phòng Hành chính – Tổng hợp thực hiện mà chưa có quy định cụ thể nào hướng dẫn cho việc thực hiện chi và quản lý chi như hiện nay.
Trong quy chế chi tiêu nội bộ mới, đơn vị cần xác định rõ tổng mức thu nhập tăng thêm trong năm có thể thực hiện (theo quy định của Nghị định 43, Nhà trường thuộc loại đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên nên được quyết định tổng mức thu nhập tăng thêm có thể thực hiện nhưng tối đa không quá 02 lần quỹ tiền lương cấp bậc chức vụ trong năm do Nhà nước quy định) làm phương án chi trả thu nhập tăng thêm. Trên cơ sở thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm vụ các phòng, ban tự xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ của phòng mình làm cơ sở cho việc sử dụng kinh phí một cách công khai minh bạch trong nội bộ Nhà trường để việc lập kế hoạch chi tiêu, sử dụng kinh phí không còn là công việc của kế toán và Thủ trưởng. Nhà trường cần tổ chức các cuộc thảo luận công khai dân chủ bàn về việc phân bổ giữa các nhóm mục chi và các định mức chi tiêu để đảm bảo cho mọi cán bộ công chức trong trường hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình trong điều kiện tài chính mới, đồng thời đảm bảo cho các định mức chi và phương án phân bổ được sát với thực tế và bảo đảm khách quan và phổ biến cho mọi người.
Trong thời gian tới Nhà trường cần phải xây dựng các tiêu chí đánh giá khen thưởng, tiêu chí đánh giá công tác của cá nhân, chức vụ làm cơ sở cho chi khen thưởng. Việc chi trả tiền lương tăng thêm và chi khen thưởng dựa trên nguyên tắc người nào có hiệu suất cao, đóng góp nhiều vào việc tăng thu giảm chi được trả nhiều hơn. Mức chi khen thưởng hàng năm cho mỗi chỉ tiêu sẽ do Hiệu trưởng Nhà trường quy định cho từng năm tùy thuộc vào kết quả tài chính của năm đó chứ không nên quy định là một đại lượng tuyệt đối để nó không trở nên lỗi thời khi giá cả biến động để khen thưởng có ý nghĩa tượng trưng chứ không trở thành động lực khuyến khích mọi cán bộ công chức thi đua. Việc xây dựng các định mức chi tiêu trong quy chế chi tiêu nội bộ vừa phải phù hợp với yêu cầu kỹ thuật thực tiễn vừa phải xuất phát từ khả năng kinh phí ngân sách nhà nước và nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Nhà trường cần chủ động quyết định phương án phân bổ dự toán ngân sách nhà nước giao ổn định cho hoạt động thường xuyên và nguồn thu sự nghiệp theo từng nội dung chi của hoạt động thường xuyên theo mục lục ngân sách nhà nước trên cơ sở tuân thủ các quy định của Nhà nước và của Bộ Tài chính. Theo Luật ngân sách nhà nước 2002, dự toán chi thường xuyên giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước được phân bổ chi tiết theo các nhóm mục chi chủ yếu của mục lục ngân sách nhà nước mà không phân bổ và giao dự toán đến mục chi cho phép Nhà trường có thể chủ động điều chỉnh tỷ lệ chi tiêu giữa các mục cho phù hợp với điều kiện thực hiện nhiệm vụ của Nhà trường. Đây là điều kiện để Nhà trường có thể linh hoạt phân bổ và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và nguồn thu sự nghiệp xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp với điều kiện và khả năng tài chính của Nhà trường, đảm bảo mục tiêu phát triển trong hiện tại và trong tương lai.
Khi xây dựng quy chê chi tiêu nội bộ, Nhà trường cần phải chú ý một số vấn đề sau:
- Đảm bảo các Khoa, Phòng, Bộ môn chuyên môn trong trường phải hoàn thành nhiệm vụ, chức năng của mình với hiệu quả công tác cao hơn trước khi chưa có quy chế chi tiêu nội bộ.
- Đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cán bộ, nhân viên trong trường. - Bảo đảm công khai, dân chủ, có sự nhất trí của đa số cán bộ, nhân viên trong việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ.