* Tài nguyên đất
Đất đai thuộc vùng phù sa cổ của hệ thống sông Đuống không được bồi hàng năm. Được chia thành 2 loại chủ yếu sau:
+ Đất phù sa úng nước mùa hè: được hình thành ở dạng địa hình thấp trũng, khó thoát nước, tình trạng ngập úng dài ngày làm đất Glây mạnh.
+ Đất xám bạc màu trên phù sa cổ: đất hình thành chủ yếu trên sản phẩm phong hoá của các mẫu chất phù sa cổ. Thành phần cơ giới từ nhẹ đến thịt trung bình.
* Tài nguyên sinh vật
Thảm thực vật của Quảng Phú bao gồm các loại cây chủ yếu như: lúa, hoa màu, cây ăn quả. Những năm gần đây, cùng với việc đô thị hóa nông thôn, cây xanh cũng dần biến mất. Thiếu vắng vai trò điều hòa của thảm thực vật càng làm tăng thêm những ảnh hưởng của việc ô nhiễm môi trường.
Động vật ở đây chủ yếu là gia súc, gia cầm, thủy cầm và thủy sản nước ngọt.
* Tài nguyên khoáng sản
Xã Quảng Phú nghèo về tài nguyên khoáng sản, chủ yếu có đất sét làm gạch được phân bố ở các thôn Quảng Bố, Thanh Gia. Ngoài ra có cát tại các thôn ven sông Thứa như Phú Thọ, Quảng Nạp với khối lượng không lớn
nhưng vẫn có thể tận dụng và khai thác được để phục vụ cho xây dựng.
* Tài nguyên văn hóa- nhân văn
Là mảnh đất vốn có lịch sử lâu đời, Quảng Phú đã có từ xa xưa khi có sự xuất hiện của con người. Quá trình hình thành và phát triển cư dân với các đặc điểm sinh sống, lao động, văn hóa và tôn giáo của vùng Kinh Bắc, nhân dân có truyền thống hiếu học, lao động cần cù, sáng tạo, Quảng Phú đã có nhiều vị danh nhân, tiến sỹ, cử nhân, danh thần.
Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hàng nghìn người con của quê hương Quảng Phú đã anh dũng lên đường chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Xã đã bảo tồn được một làng nghề truyền thống lâu đời là làng nghề đúc đồng Quảng Bố (làng Vó).