Kinh tế thị trường là một kiểu quan hệ kinh tế xã hội mà trong đó sản xuất và tái sản xuất xã hội gắn chặt với quan hệ hàng hoá - tiền tệ, với quan hệ cung- cầu… Trong nền kinh tế thị trường, nét biểu hiện có tính chất bề mặt của đời sống xã hội là quan hệ hàng hoá: mọi hoạt động đều phải tính đến quan hệ hàng hoá hay ít nhất cũng phải sử dụng quan hệ hàng hoá như là mắt xích trung gian. Chính vì vậy, đối với sự biến đổi văn hóa làng – xã trong nền kinh tế thị trường ở Hưng Yên cũng bao hàm những vấn đề đó.
Trước hết, đối với nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới: Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi để phát huy, sử dụng tốt hơn lợi thế đất đai, lao động, ứng dụng các tiến bộ về giống cây con, biện pháp thâm canh gắn chặt với nhu cầu thị trường, nhất là thị trường Hà Nội và các đô thị, khu công nghiệp trong tỉnh; tham gia trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, như bò sữa, lúa chất lượng cao, các cánh đồng mẫu. Diện tích lúa chất lượng cao phải tiếp tục được giữ vững, tăng thêm các giống tốt, giá trị cao; tiếp tục thay thế nhãn chất lượng thấp bằng nhãn chất lượng cao; một số diện tích cây cảnh, cam Đường Canh ở Văn Giang, Khoái Châu phải tích cực chuyển sang cây khác hiệu quả, bền vững hơn; diện tích
lúa hiệu quả thấp phải sớm xây dựng kế hoạch từng bước chuyển sang cây hàng năm, kết hợp lúa, cá hiệu quả hơn. Tiếp tục quan tâm phát triển mạnh chăn nuôi (nhất là trâu bò) và thủy sản; hoạt động khuyến nông phải thiết thực hơn; thúc đẩy các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, hiệu quả gắn với việc xây dựng các hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp, nông thôn.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới một cách toàn diện. Trên cơ sở quy hoạch làng- xã, xây dựng hạ tầng đồng bộ từng bước vững chắc, phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập; xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, tình làng nghĩa xóm, giữ gìn và bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh trật tự, thực hiện quy chế dân chủ và hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân ở làng xã phải vào cuộc mạnh hơn, thực sự là chủ thể, sức dân là chủ yếu có sự hỗ trợ tích cực quan trọng của cấp huyện và tỉnh. Nguồn lực quan trọng là đóng góp bằng công sức và kinh phí của nhân dân ở cơ sở; nguồn thu từ đất đai, ngân sách xã, sự hỗ trợ của ngân sách huyện, tỉnh và Trung ương, vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh. Từng bước rút ngắn được khoảng cách về trình độ phát triển và đời sống giữa nông thôn với thành thị, thực hiện có hiệu quả quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn.
Thứ hai, cũng cần tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất vụ mùa, chủ động sản xuất vụ đông, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản. Tăng cường giải quyết xử lý tình trạng vi phạm lấn chiếm công trình thủy lợi. Ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; khẩn trương hoàn thành xây dựng và phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất lúa thu nhập thấp sang mô hình nuôi trồng tổng hợp. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án đã đề ra trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thứ ba, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp. Đổi mới và mở rộng hoạt động khuyến công, kịp thời tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để
thu hút đầu tư, chủ động ứng phó với biến động của thị trường. Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đang triển khai, khuyến khích các dự án đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Rà soát, chấn chỉnh, thu hồi những dự án đã được cấp phép nhưng quá thời hạn, không thực hiện đầu tư. Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp tục vào tỉnh đầu tư. Các doanh nghiệp hiện có sử dụng hiệu quả hơn đất đai, nhà xưởng phát triển sản xuất kinh doanh. Giải quyết tốt hơn các vấn đề môi trường, điện chiếu sáng, an ninh trật tự xung quanh các khu công nghiệp, giảm giá thuê đất để bớt khó khăn và hấp dẫn hơn các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh.
Thứ tư, phải tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, đấu tranh với các hành vi buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Tích cực mở rộng thị trường, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng và hiệu quả các mặt hàng xuất khẩu. Tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải; kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm về giao thông, nhất là xe quá tải, quá khổ; hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông.
Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch xây dựng huyện Văn Lâm, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hưng Yên, quy hoạch xây dựng vùng các huyện Ân Thi, Khoái Châu, Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ, Yên Mỹ; tiến độ xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị huyện Mỹ Hào để đảm bảo đủ điều kiện được công nhận đô thị loại IV vào cuối năm 2014 và thành thị xã vào năm 2015; tiếp tục rà soát và thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công về nhà ở.
Thứ năm, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tập trung xem xét, hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tiến độ xây dựng các dự án. Tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ; hạn chế phát sinh mới và giảm mạnh nợ đọng xây dựng cơ bản. Hoàn thành thảm nhựa mặt đường trên đê tả sông Hồng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường tỉnh 200, nạo vét, nâng cấp sông Cửu An - Đồng Quê, sông Điện Biên, hoàn thành Dự án Trung tâm Hội nghị tỉnh... Triển khai thực hiện kịp thời cơ chế hỗ trợ xi măng để đầu tư các công trình đường thôn, xóm, đường ra đồng.
Nâng cao hiệu quả chi ngân sách, quản lý chặt chẽ dự phòng ngân sách và nguồn tiết kiệm chi để chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh và dành nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Mở rộng đầu tư cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phù hợp, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh. Triển khai cho vay theo chuỗi sản xuất, mô hình kết nối giữa ngân hàng, doanh nghiệp, hộ nông dân. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, chú trọng chất lượng hoạt động đối với các tổ chức tín dụng.
Thứ sáu, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tùy theo hình thức thực tế của việc ký kết, thu mua của các doanh nghiệp xuất khẩu để xây dựng và phải sản xuất theo đơn đặt hàng, theo kế hoạch xuất khẩu; đồng thời vùng nguyên liệu phải được đầu tư hạ tầng, hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất lúa. Sau khi vùng nguyên liệu được hình thành, tiến tới xây dựng thương hiệu lúa gạo trên cơ sở sản xuất theo VietGAP hoàn chỉnh và khép kín từ khâu sản xuất, thu hoạch, tồn trữ, bảo quản, chế biến, bán sản phẩm đạt giá trị cao nhất và phân phối lợi nhuận hợp lý, hài hòa. Ngoài hiệu quả kinh tế, việc sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn còn ý nghĩa về xã hội và môi trường rất tích cực như: thay đổi nhận thức và tập quán canh tác của nông dân (từ manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa), tăng cường mối liên kết bốn nhà, thúc đẩy quá trình cơ giới hóa nông nghiệp. giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Theo TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định, mối liên kết giữa các “nhà” trong xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn là rất quan trọng, là yếu tố đảm bảo thành công. Để xây dựng vùng sản xuất hàng hóa, không còn cách nào khác phải liên kết, nông dân phải tập hợp để làm ăn lớn. Ở mô hình này, vai trò của các hộ vẫn được phát huy nhưng thay vì mạnh ai nấy làm thì nay được sản xuất theo quy trình đồng bộ từ khâu chọn giống, chăm sóc đến thu hoạch.
Chính vì vậy, ngoài sự vào cuộc của chính quyền, ngành chức năng thì các doanh nghiệp cũng phải đẩy mạnh hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm. Điều quan trọng từ mô hình là nông dân các nơi nhìn thấy hiệu quả để áp dụng và nhân rộng
chứ không phải chỉ để trình diễn và khi hết dự án lại quay về lề lối cũ. Muốn làm được điều này, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải “bám” đồng ruộng, giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất, và khi thấy hiệu quả, bà con sẽ hưởng ứng mà không cần phải vận động, tuyên truyền nhiều. Xây dựng và phát triển cánh đồng mẫu lớn nhằm hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo, giúp tăng thu nhập cho nông dân là mục tiêu hướng đến của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.