Theo nguồn Tạp chí hoạt động khoa học, “Cái tôi” trong nhân cách người Việt hiện hữu không chỉ trong mỗi chủ thể cá thể, mà cả trong chủ thể tập thể. ở Việt Nam, có thể thấy các tầng bậc phát triển của “cái tôi - cá thể” và “”cái tôi - tập thể”. Nói cách khác, “cái tôi - cá thể” ở người Việt Nam không tách rời với “cái tôi - nhà”, “cái tôi - họ”, “cái tôi - làng”, “cái tôi - nước”. Đó là bốn chủ thể tập thể đại diện cho mỗi người cá thể. Chủ thể tập thể càng nhỏ thì tác động của nó lên mỗi thành viên càng lớn, càng trực tiếp và tính không chính thức càng nhiều. Sự thiếu
hụt của “cái tôi - cá thể” được bù đắp bởi “cái tôi - tập thể”. Vị thế của “cái tôi - cá thể” lớn dần thì vị thế của “cái tôi - tập thể” nhỏ dần.
“Cái tôi” ở người Việt Nam với tư cách là một chủ thể cá thể thường xuất hiện chậm. Nó chỉ là một cá thể mảnh mai, yếu ớt, bé nhỏ như cây sậy biết nói, như từng chiếc đũa trong một bó đũa. Nó bị che khuất, bị giấu kín, bị nhạt nhoà, ẩn nấp đằng sau những nhóm xã hội gần gũi nhất. Nó phải phụ thuộc, phải nương nhờ, phải trông cậy vào “cái tôi - nhà”, “cái tôi - họ”, “cái tôi - làng”. Các chủ thể tập thể này hình thành càng sớm, tồn tại càng lâu thì tính cách của nó càng ổn định, càng bền vững và sự chi phối, sự chế ước của nó đối với từng chủ thể cá thể càng mạnh, càng lớn, xét về mặt tích cực cũng như tiêu cực.
Sự tồn tại lâu dài của “cái tôi - nhà”, “cái tôi - họ”, “cái tôi - làng”, “cái tôi - nước” là tất yếu và không thể tránh khỏi. Thiên tai và địch hoạ xảy ra liên tục từ ngàn xưa cho đến tận bây giờ là những lý do khách quan làm cho “cái tôi cộng đồng” ưu trội hơn “cái tôi cá nhân”. Dẫu rằng từ trong bản chất, mỗi cá nhân đã là một đơn vị cuối cùng, là một đơn vị không thể cắt chia, nhưng nó vẫn chỉ là một thành viên của cộng đồng. Nó luôn được chủ thể tập thể động viên, khích lệ, duy trì, củng cố một tình cảm, một ý chí, một năng lực, một tính cách cộng đồng, nhân sức mạnh của mỗi cá nhân lên gấp bội trong cuộc sống và trong hoạt động cộng đồng.
Những tiêu cực của “cái tôi - nhà”, “cái tôi - họ”, “cái tôi - làng”, “cái tôi - nước” bộc lộ ở chỗ nó kìm hãm, làm chậm sự phát triển của cá nhân, của “cái tôi - cá thể”. Do vậy, dẫn đến thiếu tự chủ, tự lập, trách nhiệm, sáng kiến, dũng cảm, quyết đoán cá nhân, luôn ỷ vào sức mạnh của số đông… là những đặc trưng mang tính phổ biến trong xã hội nông nghiệp cổ truyền. “Cái tôi” đích thực của mỗi con người, do đó xuất hiện chậm chạp, muộn mằn. Chỉ những khi không còn lối thoát, những lúc cùng quẫn như “con giun xéo lắm cũng quằn”, “cái tôi” của những người bị áp bức, bị bóc lột đến cùng cực mới vùng dậy, “một sống, một chết” với kẻ thù.
Do cái tôi trong nhân cách của người Việt ta còn quá lớn, còn quá coi trọng thể diện của mình.Bởi vậy,ảnh hưởng không nhỏ cho xu hướng toàn cầu hóa hiên nay của đất nước. Cái tôi quá nhỏ bé không thể hòa hợp hay chính xác hơn là dung hòa giữa một cái tôi bó hẹp và cái tôi rộng lớn thế giới.Nó cản trở, kìm hãm sự phát
triển, giao lưu của đất nước với các quốc gia khác trên thế giới. Xã hội và đất nước hiện nay đang cần những con người nhanh nhẹn, hòa đồng, vậy mà con người vẫn mang nặng nề cái thói lề mề, cố chấp ấy, vẫn giữ khư khư nó không chịu nhìn thẳng vấn đề thực tiễn để nắm bắt cơ hội trong buổi thế giới toàn cầu. Chính mình vùi mình trong cái hố sâu, như thế ta sẽ không thấy được cái hay, cái tích cực mà bên ngoài thế giới mang lại. Không gian xã hội của cá thể vốn được bao bọc bởi lũy tre làng, cái tôi sẽ không thể lọt ra đi tìm nhân cách thế giới. Những nguyên nhân làm cho cái tôi trong nhân cách người Việt như bây giờ là do: thế hệ trước sống và lớn lên trong xã hội và môi trường xung quanh ác liệt của chiến tranh; nền kinh tế bao cấp nặng nề và lâu dài; cùng đó là những nguyên nhân khác đã làm cho con người Việt Nam mất đi tính năng động và trở nên lười biếng, khó có thể bỏ suy nghĩ nhà nước lo cho.