cái tôi vị kỷ trở thành cái tôi hiện đai, không có cách nào mà mỗi cá nhân phải thay đổi mình. Trước tình hình đất nước đang hội nhập, mà ta không chịu loại bỏ cái mặt tiêu cực cái tôi nhân cách thì chính những con người Việt cũng không thể gần nhau chứ nói gì hòa nhập, giao lưu, học hỏi các nước trên thế giới. Hãy biết nhìn vào thực tiễn và dẹp bỏ những hạn chế cái tôi để phát triển cùng đất nước, để gắn con người Việt lại với nhau, để kết nối cùng thế giới.
1.4.4. Chủ nghĩa cục bộ địa phương và sự biến đổi của nó trong điều kiện kinh tế thị trường kinh tế thị trường
Do hoàn cảnh lịch sử quy định, ai cũng có thể có tư tưởng cục bộ địa phương với những mức độ khác nhau. Chúng ta xuất thân từ làng quê, chịu ảnh hưởng tư tưởng nông dân của nền sản xuất nhỏ, tự túc, tự cấp lâu đời, không quen với tầm nhìn xa, trông rộng, mặc dầu có học tập nhiều, rèn luyện nhiều cũng khó mà gột rửa hết tư tưởng cục bộ địa phương. Người ta cũng thường nói “ở đời thì lòng tham vô đáy”. Lòng tham biểu hiện nhiều cách khác nhau: kẻ tham danh, người tham lợi. Người làm cho quê mình hơn quê người khác, người đồng hương mình hơn người quê khác theo một phương cách không lành mạnh, không chân chính cũng là một kiểu tham lam được nguỵ trang bằng lòng yêu quê hương. Nhưng nếu vì quê mình
mà làm tổn hại đến lợi ích toàn cục, làm hạn chế sức mạnh của khối đại đoàn kết, cản trở bước tiến chân chính của người quê khác… thì hoàn toàn trái với tư tưởng và mục đích của người cộng sản. Tư tưởng đó cần được loại trừ trong quá trình phát triển xã hội.
Chủ nghĩa cục bộ địa phương còn thể hiện ở thái độ không quan tâm đến lợi ích chung, chỉ nhăm nhăm tìm cách mang lợi cho địa phương mình, cơ quan mình, dòng họ mình, cho dù việc làm đó không hợp lý. Nó còn được thể hiện trong cách nghĩ “một người làm quan cả họ được nhờ” . Khi dòng họ, địa phương có người được “làm to” tìm mọi cách “chăm lo” cho họ hàng, dòng tộc, địa phương, làm ảnh hưởng không tốt tới quyền, lợi ích chính đáng của số đông. Đây là minh chứng rõ nhất cho thấy tư tưởng cục bộ địa phương ăn sâu, ngấm lâu trong tiềm thức, lời nói và hành động của không ít cán bộ, thậm chí cả người dân ở vùng sâu, vùng xa. “Căn bệnh” này đã được Đảng ta chỉ rõ trong Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đó là: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cấp cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau... sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ... kèn cựa địa vị, cục bộ...”.
Như vậy, văn hóa làng - xã chính là hệ thống những giá trị hình thành qua bao đời trong toàn bộ các hoạt động đó, và đến lượt mình, nó cũng chính là công cụ, là phương tiện tổ chức và duy trì toàn bộ các hoạt động này. Nó đi vào ký ức người Việt Nam bằng hàng loạt những giá trị vật chất và tinh thần rất gần gũi và thân thương.
Thế giới đầy mầu sắc của văn hóa làng - xã được quy ước thành lệ làng, đúc kết trong hương ước làng, bộc lộ một cách phong phú qua hội làng. Tất cả chắt lọc lại, tạo nên bản sắc văn hóa làng, mà trong đó tính cộng đồng làng và tính tự quản của làng là những giá trị nổi trội nhất. Bên cạnh đó còn là các phẩm chất quan trọng khác như: tính ưa hài hòa, khuynh hướng thiên về âm tính (mà tính trọng tình, hay tình làng là một biểu hiện của nó), tính tổng hợp và tính linh hoạt.
Trong khi hệ thống thiết chế văn hóa mới được xây dựng từ thời bao cấp xuống cấp và giảm sút thì các thiết chế văn hóa làng xã truyền thống lại có sự phục hưng nhanh chóng. Nhiều đình, chùa, đền, miếu được trùng tu, sửa sang, nâng cấp,
xây mới, nhiều hội làng, hội lễ dân gian được tổ chức lại khá quy mô; nhiều phong tục, tập quán, nhiều sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng dân gian được phục hồi… Điều đặc biệt là trong phong trào phục hồi văn hóa đó, người ta rất chú trọng đến bản sắc văn hóa cộng đồng làng - xã với tư cách là chủ thể của các thiết chế văn hóa của làng- xã.
Như thế, với thay đổi đó trong đời sống văn hóa làng- xã, trước hết là kết quả của quá trình hiện thực hóa đường lối đổi mới của Đảng ta, trong đó có đường lối đổi mới về văn hóa. Hơn nữa, khi đời sống vật chất của nhân dân có bước phát triển nhanh chóng thì nhu cầu hưởng thu và sáng tạo văn hóa của họ cũng tăng theo. Trong khi đó, các thiết chế và thể chế văn hóa mới ở cơ sở chưa đủ số lượng cũng như chất lượng để thỏa mãn những nhu cầu đang tăng nhanh và hết sức đa dạng đó. Những thiết chế và thể chế văn hóa làng- xã truyền thống đã hình thành từ lâu đời và được thử thách qua hàng ngàn năm, đã gắn bó với bao thế hệ dân làng và đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân làng nên có sức hút mạnh mẽ đối với đông đảo dân làng.
Điều này cũng đủ để giải thích tại sao hội làng lại đua nhau nở rộ khắp nơi trong thời gian từ đổi mới đến nay. Sự phục hồi các thiết chế và thể chế văn hóa làng truyền thống, trong đó bản sắc văn hóa làng- xã được coi trọng, cho thấy nhu cầu liên kết cộng đồng làng đang còn rất mạnh trong làng xã. Thông qua các thiết chế và thể chế văn hóa và những sinh hoạt văn hóa- tín ngưỡng cộng đồng được tổ chức ở làng xã sẽ làm hồi sinh những xúc cảm, tâm trạng, tình cảm, mong muốn… đã từng tồn tại trong cộng đồng và chúng sẽ tiếp tục được sản sinh, nuôi dưỡng và củng cố trong mỗi người dân làng trong thời đại mới.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng với sự phục hồi của văn hóa làng- xã truyền thống, có sự mở rộng giao lưu và trao đổi thông tin giữa làng xã với xung quanh. Các sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng, đặc biệt là lễ hội, liên hoan văn nghệ quần chúng,… là những dịp thu hút đông đảo những người dân làng khác cùng đến tham gia và chia sẻ. Ngược lại, người dân làng xã cũng thường xuyên hơn đi đến các hội làng, lễ hội vùng cũng như tham gia vào các sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở các làng xung quanh. Do sự tham gia đông đảo của khách
thập phương nên nhiều lễ hội làng xã đã trở thành lễ hội vùng. Trong quá trình mở rộng giao thương, trao đổi hàng hóa- dịch vụ, giao lưu văn hóa cũng được mở rộng. Bởi vì khi mang hàng hóa và dịch vụ vào làng và ra khỏi làng, người ta thường mang theo lối sống, cách nghĩ và các giá trị văn hóa tinh thầ kết tinh trên các hàng hóa dịch vụ đó.
Bên cạnh đó, trong nền kinh tế thị trường, các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền thanh, truyền hình, các loại sách báo, tạp chí và nhiều loại ấn phẩm khác có bước phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng. Mạng lưới phát thanh, truyền hình hầu như đã phủ sóng toàn quốc. Nhiều loại sách báo được đưa tới làng xã. Sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng đã mang lại nhiều cơ hội hơn cho những người dân làng tiếp xúc, nắm bắt các luồng thông tin, mở mang tầm nhìn, mở rộng vốn hiểu biểu của họ.
Trong thời gian qua, sự phát triển của văn hóa làng- xã đã cho thấy vấn đề giao lưu văn hóa, trao đổi thông tin giữa làng với bên ngoài được mở rộng không làm mất đi bản sắc của văn hóa làng- xã mà ngược lại, càng làm cho bản sắc đó được khẳng định và phát triển. Bởi khi tham gia vào quá trình giao lưu văn hóa trao đổi thông tin, những người dân làng xã sẽ thấy rõ hơn các giá trị văn hóa làng- xã mình bên cạnh các giá trị văn hóa của làng khác. Đó là cơ sở để tạo nên lòng tự hào đối với văn hóa làng mình, và mỗi người có ý thức bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo nó. Vì thế, mở rộng giao lưu văn hóa, trao đổi thông tin trong giai đoạn mới không làm suy giảm tâm lý cộng đồng mà ngược lại, góp phần củng cố tâm lý cộng đồng làng xã, biến đổi nó theo hướng mở và hòa nhập hơn với xung quanh. Đó chính là điều kiện để tạo ra sự đa dạng, phong phú của bản sắc văn hóa làng- xã trong môi trường xã hội hiện nay.
Có thể nhận thấy rằng, trong bối cảnh hiện nay, sức sống tiềm tàng của văn hóa làng xã đang từng ngày được hồi sinh và phát triển phù hợp với nguyện vọng chính đáng của mỗi người dân nói riêng và cả cộng đồng dân tộc nói chung. Sức sống bền bỉ của văn hóa làng xã là dòng chảy không bao giờ cạn trong tâm thức của mỗi con người. Nó là nguồn nội sinh quan trọng trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Mặc dù văn hóa làng đã trở thành bản sắc, thành một hằng số của văn hóa Việt Nam, nhưng theo thời gian, không có cái gì là không biến đổi. Với cuộc sống đang hiện đại hóa, với xã hội đang công nghiệp hóa và đô thị hóa, với thế giới đang toàn cầu hóa và hội nhập, hàng loạt trai quê, gái quê Việt Nam đã đi vào thành phố, đi ra nước ngoài. Quần jeans, áo pull, nước giải khát coca-cola, và cả nạn bạo lực cùng nhiều tệ nạn xã hội khác đang thâm nhập vào từng thôn xóm, làng bản. Văn hóa làng – xã trong đời sống nông thôn Việt Nam hôm nay đang biến đổi rất nhanh chóng, mạnh mẽ và sâu sắc. Cái tốt hiển hiện, cái xấu cũng bộc lộ rõ nét hơn.
Văn hóa làng - xã làm hình thành phong cách sống, phong cách tư duy. Nhìn ra nước ngoài, ta càng thấy rõ hơn đặc điểm tư duy của người làm nông nghiệp Việt Nam và Đông - Nam Á. Đó là tính linh hoạt, mềm dẻo, nhiều khi đến mức tùy tiện, thiên về tình cảm. Đố kỵ cào bằng là tâm lý phổ biến của lối sản xuất nhỏ, trong khi đó tinh thần cạnh tranh lành mạnh thì yếu kém. Phong cách tư duy thiên về phân tích, lối sống chặt chẽ, rành mạch... là cái rất cần cho xã hội công nghiệp, đó lại là cái mà người Việt Nam rất thiếu.
Trong bản sắc văn hóa làng- xã, cũng là bản sắc của văn hóa Việt Nam, những gì đến bây giờ vẫn còn giá trị thì vẫn cần phải giữ lại. Tất nhiên, điều quan trọng là phải hiểu cho đúng khái niệm “bản sắc văn hóa dân tộc”. Không phải cứ áo dài khăn đóng mới là dân tộc. Nhưng việc gì mà ta phải từ bỏ lối sống tình nghĩa “thương người như thể thương thân”? Việc gì mà ta phải từ bỏ tính linh hoạt? Chính tính linh hoạt này làm cho con người khác với một cỗ máy. Có cần bỏ chăng là bỏ cái xấu. Trước đây, trong xã hội nông nghiệp với cuộc sống giới hạn trong phạm vi làng, xã mấy trăm người, mọi người đều biết rõ nhau thì cái xấu không gây tác hại nhiều lắm.
Hiện nay, trong điều kiện kinh tế thị trường là một quá trình tất yếu. Điều này đòi hỏi những phẩm chất của một nền văn hóa công nghiệp với những tác phong công nghiệp, thích hợp với lối sống đô thị. Những đòi hỏi này quả là rất xa lạ với truyền thống văn hóa làng - xã của Việt Nam, do vậy văn hóa Việt Nam cần phải có sự giao lưu tiếp xúc với văn hóa thế giới. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta phải từ bỏ, phải thoát ra khỏi nền tảng văn hóa làng.
Trong bản sắc văn hóa làng- xã Việt Nam, những gì đến bây giờ vẫn còn giá trị thì vẫn cần phải giữ lại. Nhưng nay khi tiếp xúc với văn hóa thế giới, khi có sự 'đụng độ' văn hóa thì cái xấu cũ trỗi dậy, cái xấu mới len lỏi tràn vào. Mọi hiện tượng nảy sinh trong xã hội, từ nạn bạo hành trẻ em đến nạn tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực khác - tất cả đều có nhiều nguyên nhân, nhưng quan sát cho thấy rằng phần lớn các nguyên nhân đều có nguồn gốc ở cái tốt và cái xấu nảy sinh từ văn hóa làng - xã người Việt.
Người Việt cần gìn giữ những nét bản sắc tốt đẹp của văn hóa làng- xã, nhưng đồng thời cần phát huy ý thức xã hội, tinh thần trách nhiệm, tạo điều kiện để con người cá nhân phát triển, hướng đến một xã hội dân chủ hài hòa, sống tôn trọng pháp luật kỷ cương. Chỉ có như vậy mới thoát ra khỏi tầm nhìn hạn hẹp của văn hóa làng, xã tiểu nông, để trên cơ sở đó gìn giữ và phát huy được những giá trị tinh hoa của văn hóa làng xã, xây dựng được văn hóa đô thị Việt Nam và không để xảy ra tình trạng văn hóa đô thị bị nông thôn hóa trở lại.
Làng- xã là một cộng đồng dân cư của người Việt đã có lịch sử mấy thiên niên kỉ, trải qua quá trình phát triển liên tục, vừa cải tạo tự nhiên vừa chống ngoại xâm và đô hộ của nước ngoài, vừa vươn lên hạn chế những rủi ro thiên nhiên đem đến, làng Việt Nam vẫn trường tồn cùng lịch sử dân tộc.Trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc, nước ta mất về tay giặc nhưng làng thì không mất, làng vẫn được giữ vững, phục hồi trên khắp đồng bằng sông Hồng rồi tái sinh lại trên đất đai miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long.
Làng- xã Việt Nam có sức mạnh dẻo dai, bền vững đó là nhờ văn hóa làng, văn hóa làng vẫn tồn tại đến ngày nay với sự ngưng kết đậm đà biểu hiện ở phong tục tập quan, kho tàng văn hóa dân gian, tín ngưỡng, tôn giáo. Văn hóa làng- xã còn có một cơ sở vật chất là đình, chùa, miếu, lũy tre, giếng nước, cây đa… đã tạo nên một tổng thể văn hóa làng- xã vững chắc, hòa quyện vào nhau.
Theo PGS, TS Đào Duy Quát trong bài viết “Nhận thức về văn hóa, con người Việt Nam trong Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI”, trong nền kinh tế thị trường, văn hóa dựa vào chuẩn mực của cái đúng, cái tốt, cái đẹp để hướng dẫn và thúc đẩy người lao động không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nâng
cao tay nghề sản xuất hàng hóa với năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh ngày càng cao. Văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp hướng dẫn, động viên các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, chủ động liên kết, hợp tác để phát triển với sức mạnh của các giá trị văn hóa, mới có khả năng hạn chế, đẩy lùi tác động tiêu cực của cơ chế thị trường. Trong thời kỳ mở cửa hội nhập quốc tế, văn hóa góp phần tăng cường sự hiểu biết, mở rộng giao lưu hợp tác về nhiều mặt giữa nước ta với các nước khác trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi. Trong lĩnh vực kinh tế, mở cửa hội nhập kinh tế là để tăng cường hợp tác, liên kết, liên doanh với nước ngoài, song mọi yếu tố ngoại sinh như: Vốn, kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm quản lý và thị trường nước ngoài… chỉ có thể biến thành động lực bên trong của sự phát triển nếu chúng được vận dụng phù hợp với các yếu tố nội sinh như là yếu tố trọng tâm, tức là con người Việt Nam với truyền thống văn hóa, đạo đức, tâm hồn, lối sống dân tộc