Khái quát chung

Một phần của tài liệu Văn hóa làng - xã và sự biến đổi của nó trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay (Qua khảo sát ở tỉnh Hưng Yên) (Trang 58)

Hưng Yên nằm ở tả ngạn sông Hồng, trung tâm của đồng bằng Bắc Bộ, là vùng đất có truyền thống văn hiến từ lâu đời. Với vị trí địa lý thuận lợi, địa hình bằng phẳng, phía Đông giáp tỉnh Hải Dương, phía Nam giáp tỉnh Thái Bình, phía Tây và Tây Nam giáp Hà Nam, phía Bắc liền kề với thủ đô Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh lại được phù sa màu mỡ bồi đắp bởi hai con sông lớn là sông Hồng và sông Luộc tạo cho Hưng Yên những cánh đồng lúa, ngô xanh biếc, những đầm sen rộng lớn và những đặc sản ngon nổi tiếng như: tương Bần, nhãn lồng, mật ong, hạt sen…

Tỉnh Hưng Yên nằm trong khu vực Đồng bằng Sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam cách Hà Nội khoảng 64 km về phía Đông Nam. Hưng Yên có diện tích tự nhiên 923 km2, dân số 1.190.000 người, trong đó dân số nông thôn là trong đó 1.044.736người thuộc 296.955 hộ gia đình sống ở khu vực nông thôn bao gồm 145xã; Tỉnh có 01 thành phố, 09 huyện và 145 xã.

Cùng với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông ta đã tạo nên Hưng Yên thành vùng đất thiêng, nơi phát tích của nhiều doanh nhân, anh hùng dân tộc trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội như: Đoàn Thị Điểm, đại danh y Lê Hữu Trác, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Tô Hiệu, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh… Trải qua quá trình lịch sử các thế hệ tiền nhân xưa đã để lại trên đất Hưng Yên hàng nghìn di tích có giá trị, đặc biệt là quần thể di tích Phố Hiến minh chứng cho một thời kỳ thịnh vượng của Phố Hiến – Hưng Yên.

Là một tỉnh văn hiến, đến nay Hưng Yên còn lưu giữ được hàng nghìn di tích có giá trị. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh còn lưu giữ 1210 di tích các loại, trong đó 158 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp quốc gia (là tỉnh đứng thứ 3 cả nước về số lượng di tích được xếp hạng quốc gia), 57 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Đây là những tài sản quý báu, là cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc và là niềm tự hào của người dân Hưng Yên.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công cuộc đổi mới từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường đã tác động đến mọi mặt đời sống xã hội Hưng Yên. Điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý, suy nghĩ, lối sống của người dân. Con người năng động nhiều hơn là ỷ lại, chủ động nhiều hơn chờ đợi, trách nhiệm cá thể lớn hơn trách nhiệm làm chủ tập thể, thách thức, cạnh tranh, đòi hỏi hơn là yên phận, chờ đợi sự ban phát. Từ đó nảy sinh nhiều vấn đề, đó là con người kinh tế và con người đạo đức, lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể… Trong cơ chế thị trường con người cũng bị tha hóa, đây là nguy cơ, nguồn gốc sản sinh ra tụt hậu kinh tế, tệ nạn xã hội, diễn biến hoà bình …Bởi vậy, cần phải tìm ra nguyên nhân và biện pháp để khắc phục các hiện tượng đó. Nhưng đó chỉ là một phần, ngoài ra không thể ko khẳng định nền kinh tế thị trường đã tác động một phần không nhỏ đến sự phát triển của Hưng Yên về nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Bên cạnh đó, sản xuất hàng hoá phát triển phá vỡ dần kinh tế tự nhiên và chuyển thành nền kinh tế hàng hoá, thúc đẩy xã hội hoá sản xuất và đem lại những tác dụng to lớn.

Thứ nhất, ở Hưng Yên kinh tế hàng hoá tạo ra động lực thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Trên thị trường, các nhà sản xuất cạnh tranh với nhau, từ đó buộc mỗi chủ thể phải cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất để giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm. Quá trình đó thúc đẩy cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật phát triển, đồng thời buộc người lao động phải được nâng cao về trình độ, tay nghề. Do đó, lực lượng sản xuất phát triển mạnh, năng suất lao động xã hội không ngừng được nâng cao.

Ở Hưng Yên, hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật rất đa dạng với nhiều hình thức, thu hút đông đảo người dân và các tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp tham gia. Thông qua các dự án, đề tài, các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp đã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới cho nông dân theo chu kỳ sản xuất cây con. Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn đã thu hút các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đào tạo nghề cho nông dân theo chương trình đào tạo ngắn hạn, gắn với mô hình sản xuất hiệu quả.

Thứ hai, kinh tế hàng hoá kích thích tính năng động, sáng tạo của chủ thể kinh tế. Trong nền kinh tế hàng hoá, người sản xuất phải căn cứ vào nhu cầu của người tiêu dùng, của thị trường để quyết định sản xuất sản phẩm gì, với khối lượng, chất lượng như thế nào. Xã hội càng phát triển, nhu cầu của con người và thị trường cũng ngày càng tăng lên. Do vậy, các nhà sản xuất muốn tồn tại và phát triển bắt buộc phải nắm bắt được nhu cầu đó một cách nhạy bén và có những sáng tạo trong việc nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã cũng như tăng khối lượng hàng hoá, dịch vụ.

Thứ ba, kinh tế hàng hoá thúc đẩy sự phân công lao động xã hội và chuyên môn hoá sản xuất. Trong kinh tế hàng hoá, nhiều người cùng tham gia vào quá trình sản xuất ra một sản phẩm, mỗi người chỉ tập trung vào một khâu trong quá trình đó và sản phẩm ấy được tung ra thị trường phục vụ cho xã hội. Như vậy, trình độ phân công lao động xã hội và chuyên môn hoá sản xuất phải tăng lên. Nhờ đó, tiềm năng, lợi thế của từng huyện cũng như của cả tỉnh được tận dụng và phát huy tối đa. Nông dân tiếp thu những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ ứng dụng vào sản xuất đã tạo bước phát triển lớn trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh lớn ở Hưng Yên.

Thứ tư, sự phát triển của kinh tế thị trường thúc đẩy quá trình tích tụ và tập trung sản xuất. Kinh tế thị trường tạo điều kiện ra đời của sản xuất lớn có tính xã hội hoá cao, chọn lọc được những người sản xuất kinh doanh giỏi đồng thời hình thành được đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ và lao động lành nghề. Từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh tuy còn nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp mở rộng sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm, do vậy hoạt động ổn định, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Một phần của tài liệu Văn hóa làng - xã và sự biến đổi của nó trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay (Qua khảo sát ở tỉnh Hưng Yên) (Trang 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)