Tư tưởng giáo dục của Jiddu Krishnamurti đối với thế giới

Một phần của tài liệu Tư tưởng giáo dục của Jiddu Krishnamurti (Trang 82)

7. Kết cấu của luận văn

2.4.1. Tư tưởng giáo dục của Jiddu Krishnamurti đối với thế giới

Mặc dù được coi là một trong những bậc thầy tư tưởng có ảnh hưởng lớn thế kỷ XX nhưng Krishnamurti không hề lãnh đạo bất cứ một trường phái

hay tin vào bất kỳ một con đường nào dẫn đến chân lý. Đồng thời, ông cũng không tham dự vào bất cứ một trường phái chính trị, một tôn giáo, một ý thức hệ nào. Ngược lại, ông cho rằng chính những hình thức tổ chức ấy đã chia rẽ con người, là nguồn gốc của chiến tranh. Ông đi khắp nơi để diễn thuyết, nói chuyện với mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là sinh viên, học sinh. Ông tự nhận mình không thuộc quốc gia hay tôn giáo nào.

Đối với nhiều người thích đọc những cuốn sách suy tư về cuộc đời, Krishnamurti không còn xa lạ với hàng loạt các tác phẩm và các buổi nói chuyện về mọi đề tài trong cuộc sống: chiến tranh, hoà bình, lo âu, sự chết, thời gian…Tư tưởng của ông đã khơi mở cho tâm hồn nhiều người thuộc mọi tầng lớp, quốc gia, dân tộc. Đức Dalai Lama, khi có dịp tiếp xúc và học hỏi với Krishnamurti, đã nhận xét: “Krishnamurti là một trong những tư tưởng gia vĩ đại nhất của thời đại”. Deepak Chopra viết: “Krishnamurti đã ảnh hưởng sâu sắc vào chính cuộc đời tôi, đã giúp tôi vượt qua được sự tự trói buộc đã kiềm chế tôi trên con đường tới tự do, giải thoát” . Nhưng nổi bật hơn cả trong số đó là tư tưởng của ông về giáo dục. Tuy chưa bao giờ nhận bất kỳ một học hàm hay học vị nào, bản thân Krishnamurti cũng chưa tốt nghiệp đại học nhưng ông lại là người thành lập những ngôi trường mà ở đó học sinh được giáo dục theo triết lý giáo dục của ông. Những ngôi trường đó được xem là những trường kiểu mẫu trong quá trình đào tạo giúp học sinh phát triển tổng thể: có được kiến thức sâu rộng và tâm hồn nhạy cảm.

Nhận thấy vai trò to lớn của giáo dục trong việc hình thành con người cũng như trong việc giải quyết các vấn nạn của thời đại, Krishnamurti luôn mong muốn có được một nền giáo dục hoàn thiện, có sự thay đổi từ mục tiêu đến phương pháp giảng dạy. Sống trong một gia đình theo đạo Bà la môn, ngay từ lúc mới sinh ra, ông đã được giáo dục theo đúng truyền thống Ấn Độ với việc tuân thủ nghiêm ngặt các nghi lễ tôn giáo cùng với quá trình học tri thức. Những năm tháng tuổi trẻ, được sự bảo hộ của Mrs Besant và Hội Thông Thiên học, Krishnamurti có điều kiện tiếp xúc với những nền giáo dục

tiên tiến nhất lúc bất giờ. Tuy vậy, cách thức giáo dục đương thời chưa bao giờ thực sự mang lại hiệu quả đối với ông. Krishnamurti chưa đỗ được bất kỳ kỳ thi tuyển nào mặc dù ông được nhận xét là vĩ đại, có khả năng bao quát những chủ đề lớn nhưng lại gặp khó khăn khi diễn đạt chúng. Đấy là chưa kể nó còn làm ông trở nên ghét trường học và có thái độ phản kháng lại nó. Bằng chứng là trong kỳ thi tuyển vào London University tháng giêng năm 1920, Krishnamurti đã nộp giấy trắng hầu như mọi môn thi. Điều quan trọng nhất mà Krishnamurti học được qua những lần thi tuyển có lẽ là sự hiểu biết sâu sắc về những hạn chế của giáo dục đương thời. Đây chính là lý do để ông tiến hành cuộc hành trình tìm kiếm một triết lý giáo dục mới thay cho những triết lý cũ đã trở nên lỗi thời, cản trở sự sáng tạo của con người. Giáo dục chính là niềm đam mê lớn nhất trong cuộc đời ông. Ông luôn yêu thương trẻ em và cảm thấy rằng nếu chúng có thể được nuôi dưỡng mà không có những thành kiến, tôn giáo hay những học thuyết thuộc truyền thống, chủ nghĩa quốc gia và ganh đua thì có lẽ sẽ có hòa bình trên thế giới. Chính điều này đã thôi thúc ông thành lập những ngôi trường mà học sinh có thể có được thành tích học tập xuất sắc mà không dựa trên sự ganh đua. Điều này theo ông là có thể được nếu cha mẹ không đòi hỏi con cái mình có những bằng cấp, đặc biệt với xã hội Ấn Độ - muốn có việc làm tốt cần có một tấm bằng tốt và điều quan trọng hơn là có những giáo viên đảm bảo chất lượng.

Dấu ấn quan trọng trong cuộc đời của Krishnamurti, khiến ông mong muốn được mở những ngôi trường đào tạo học sinh chính là lần ông được đến thăm trường đại học Berkeley ở Canifonia. Cả hai anh em Krishnamurti đều bị mê hoặc bởi vẻ đẹp nơi đây, đặc biệt là nền giáo dục của ngôi trường này đã để lại trong ông ấn tượng sâu sắc. Ông đã viết trong một bức thư rằng ở ngôi trường này ông không thấy sự phân biệt màu da và giai cấp. Ông bày tỏ mong muốn được đem vẻ đẹp của ngôi trường này về Ấn Độ để cho người Ấn Độ hiểu được thế nào là một môi trường giáo dục thích hợp. Mong muốn này của Krishnamurti được sự chấp thuận và ủng hộ nhiệt tình từ Mrs Besant. Bà

đã không tiếc việc bỏ ra số tiền lớn mua một mảnh đất ở Ojai, nơi bà dự định sẽ mở trường học theo mơ ước của Krishnamurti. Đây là mảnh đất phía cuối thung lũng, bao gồm cả một cánh rừng với những cây sồi xanh quanh năm rất đẹp của Canifonia. Năm 1925, Bà Annie Besant với tư cách là chủ tịch của Hội Thông Thiên học quyết định xây dựng một trường Đại học Thế giới ở Madanapalle - Ấn Độ theo tâm nguyện của Krishnamurti. Đây là trường học đầu tiên được mở ra theo mong ước của Krishnamurti. Vào năm 1934, một ngôi trường nữa được mở ở Rajghat, gần Benares. Sau đó, trường Rishi Valley được thành lập vào năm 1939. Đây là hai ngôi trường tuyệt đẹp ở Ấn Độ. Một ngôi trường nằm cạnh con sông và một ngôi trường nằm giữa những quả đồi. Krishnamurti đặc biệt yêu thích hai nơi này với những vẻ đẹp riêng của nó. Những chuyến hành hương về Ấn Độ, bên cạnh các buổi diễn thuyết, ông dành nhiều thời gian ở hai ngôi trường này, nói chuyện nhiều tiếng liền với học sinh và giáo viên nơi đây. Không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp của thiên nhiên và cảnh vật, những ngôi trường mà Krishnamurti sáng lập đều có chất lượng đào tạo nổi bật. Đặc biệt trường Rishi Valley được đánh giá là một trong những trường xuất sắc nhất Ấn Độ. Cũng tại Ấn Độ, vào năm 1954, ông mở một ngôi trường ở Bombay dành cho những trẻ em thiếu thốn. Với tình trạng nghèo khó của Ấn Độ sau chiến tranh, ngôi trường đã giúp những đứa trẻ có cơ hội được chăm sóc và học tập tương đối đầy đủ. Bên cạnh việc xây dựng trường học tại Ấn Độ, Krishnamurti cũng thành lập nhiều trường khác trên thế giới. Vào tháng 9 năm 1954, ngôi trường ở Ojai được thành lập với tên gọi Happy Valley School. Đây là nguyện vọng được ấp ủ từ những năm Krishnamurti đến thăm trường đại học Berkeley. Happy Valley School là một trường trung học nhỏ được xây dựng trên mảnh đất mà Mrs Besant đã mua từ những năm 1926 - 1927. Với đam mê của một nhà giáo dục, Krishnamurti cũng mong muốn được thành lập một trường ở Châu Âu mặc dù nhiều người cộng sự với ông khuyên ông nên dành tiền cho những công việc khác. Một người bạn cũ lúc đó đã biếu ông 50.000 bảng Anh để ông xây trường. Trong

số những người từng nghe Krishnamurti có rất nhiều người trước đây làm trong lĩnh vực quản lý giáo dục. Họ nhanh chóng giúp ông thấy rằng việc xây dựng trường học sẽ mang lại hiệu quả nhiều nhất khi đặt tại nước Anh. Cuối cùng, một ngôi trường ở Brockwood Park - Hampshine được xây dựng với ba mươi ba mẫu công viên và vườn. Vào cuối năm 1968, học sinh đầu tiên đã chyển đến và bắt đầu học tập theo cách thức của các ngôi trường mà Krishnamurti đã lập trước kia. Vào năm 1979, trường học cuối cùng của Krishnamurti ở Ấn Độ được mở tại một thung lũng cách Bangalore mười dặm. Cả toà nhà và hơn một trăm mẫu đất đều là quà tặng của một người mến mộ Krishnamurti. Với tên Valley School, trường thu nhận những học sinh có độ tuổi từ sáu đến mười tuổi. Vào những năm cuối cuộc đời, Krishnamurti vẫn không từ bỏ mơ ước được xây dựng những ngôi trường. Ông hình thành ý định xây dựng một trung tâm suy tưởng dành cho người trưởng thành. Đây là một công trình mang tính nghệ thuật và rất tốn kém được dự định xây dựng tại Anh, trong đó người tham quan chẳng có gì để xem ngoài chính tâm trí của mình. Krishnamurti rất quan tâm đến công trình này. Ông đã phác hoạ những ý tưởng chủ đạo và đôn đốc việc xây dựng. Bản thiết kế cho trung tâm này đã phải thay đổi rất nhiều lần mới có được mô hình vừa ý Krishnamurti. Tuy nhiên, công trình này chỉ được hoàn thành vào năm 1987, một năm sau cái chết của người khai sinh ra nó.

Hiện nay, trên thế giới có bảy trường học đưa ra cách tiếp cận và học hỏi cá nhân của Krishnamurti: một ở Ojai, Canifonia, Mỹ; một ở Brockwood Park, Hampshine, Anh và năm trường tại Ấn Độ. Những ngôi trường này đều có đặc điểm chung là được xây dựng trên những mảnh đất rất rộng, có các khu nhà và những cánh rừng nhỏ ngay trong khuôn viên trường. Chính môi trường thiên nhiên như vậy giúp các học sinh có thể cảm nhận được vẻ đẹp tự nhiên của cuộc sống, đồng thời cũng tạo không gian tốt để các em suy tưởng về bài học hoặc một vấn đề nào đó vào các buổi chiều đi dạo bộ quanh khu rừng. Khi đến các trường học này để nói chuyện với các học sinh và giáo

viên, Krishnamurti rất ít ngồi trong hội trường, ông thường yêu cầu người ta sắp xếp cho ông có thể nói chuyện ngay giữa những lùm cây hay dưới những tán lá. Người nghe vừa có thể nghe ông nói, vừa có thể nhìn ánh nắng lấp lánh qua những lá cây hay lắng nghe tiếng chim hót. Theo Krishnamurti, đó mới là cách cảm nhận về cuộc sống đúng đắn nhất.

Bên cạnh những ngôi trường là nơi mà tư tưởng của Krishnamurti được truyền dạy và thực hiện một cách triệt để, còn có những Trung tâm được thành lập với mục đích gìn giữ lời dạy của Krishnamurti, xuất bản sách và các băng đĩa được ghi âm từ những buổi nói chuyện của ông. Hiện nay trên thế giới có bốn trung tâm: Krishnamurti Foundation Trust đặt tại Brockwood Park, Anh; Krishnamurti Foundation of America đặt tại Ojai, California, Mỹ; Krishnamurti Foundation of India đặt tại Chennai, Ấn Độ và Fundación Krishnamurti Latinoamericana đặt tại Barcelona, Tây Ban Nha. Giữa các trung tâm này luôn có sự tranh giành để được xuất bản các tác phẩm của ông, đặc biệt là Trung tâm ở Anh và Ấn Độ. Việc tranh giành này kéo dài trong suốt mười ba năm từ khi thành lập các trung tâm cho đến khi Krishnamurti qua đời. Trung tâm ở Anh cho rằng khả năng biên tập sách của Krishnamurti ở Trung tâm Ấn Độ hết sức đáng ngờ; trong khi đó Trung tâm tại Ấn Độ lại cho rằng người Anh là ngoại quốc, làm sao hiểu được triết lý Ấn Độ, truyền thống Ấn Độ mà Krishnamurti là người đại diện. Tuy nhiên, Krishnamurti lại có sự ưu ái người Anh hơn vì ông không mấy tin tưởng cách làm việc của người Ấn, nhất là thái độ sùng tín thái quá đối với người mà họ xem là thánh nhân của dân tộc. Ông đã tuyên bố rằng Trung tâm ở Anh là nơi duy nhất có quyền xuất bản các tác phẩm của ông nhưng vì thái độ của Trung tâm ở Ấn Độ, họ đã đi đến thoả thuận là Trung tâm này có quyền biên tập các buổi nói chuyện tại Ấn Độ. Sở dĩ xảy sự tranh chấp gay gắt này một phần là do sự sùng bái đối với Krishnamurti nhưng cũng còn do nguồn lợi khổng lồ thu được từ việc xuất bản sách và các băng đĩa ghi lại lời dạy của ông. Điều này chứng tỏ tư tưởng của Krishnamurti có sức lan toả rất lớn và có ảnh hưởng

đến nhiều người thuộc các tầng lớp khác nhau trên khắp thế giới. Tuy nhiên, Krishnamurti chưa bao giờ mong muốn mình được nổi tiếng hay có môn đệ. Đã từng là thành viên của Hội Thông Thiên học, người đứng đầu tổ chức Ngôi sao Phương Đông, ông luôn sống trong vầng hào quang nhân tạo mà mọi người tạo ra. Ông đã trải qua những ngày tháng được ngưỡng mộ từ khắp nơi trên thế giới nhưng trên hết, phương châm suốt đời ông theo đuổi là: “Chân lý là một lục địa không có lối vào” (Truth is a pathless land). Ông lo sợ sự tranh giành quyền lực giữa các Trung tâm để được xuất bản hay hiệu đính sách làm méo mó lời giảng của ông. Trong lần cuối cùng về Ấn Độ, ông đã dặn dò những người làm việc tại Trung tâm rằng ngôi nhà ông ở, nơi ông đi qua không được biến thành nơi hành hương, không được tổ chức các giáo phái xung quanh tên tuổi ông. Có lẽ ông đã quá hiểu rằng con người chỉ chờ để biến mọi thứ liên quan đến ông thành tổ chức, giáo phái; biến mọi sự sinh động, tinh khôi thành những điều chết cứng, cũ kỹ. Điều duy nhất ông muốn nhắn gửi lại là hãy thử sống với lời giảng của ông một cách hoàn toàn tự do, không bị khuôn định bởi một quan niệm hay sự giải thích nào.

Chính sự lường trước này của Krishnamurti mà hiện nay không một tổ chức nào dám đứng ra tự nhận mình là đại diện chính thức của Krishnamurti, cũng không ai dám nhận mình là hiểu Krishnamurti, không dám viết sách phân tích lời giảng hay giáo lý của ông, không dám tổ chức hội thảo để chiêu dụ những người khác. Với tinh thần đó, chúng tôi nghiên cứu tư tưởng giáo dục của Krishnamurti dựa trên sự nỗ lực học hỏi và cố gắng giữ nguyên vẹn những lời giảng cũng như quan điểm của ông thông qua các tác phẩm đã được dịch ra tiếng Việt. Công việc này vô cùng khó khăn vì không tránh khỏi tính chủ quan của người nghiên cứu và nhất là không có điều kiện để tham khảo toàn bộ các tác phẩm cũng như các buổi nói chuyện của ông.

2.4.2. Tư tưởng giáo dục của Jiddu Krishnamurti trong sự nghiệp giáo dục ở Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu Tư tưởng giáo dục của Jiddu Krishnamurti (Trang 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)